Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

VNACCS/VCIS - Biểu tượng trong hợp tác Hải quan Việt-Nhật

(VNACCS.com) - Hợp tác Việt-Nhật trong lĩnh vực hải quan, Dự án thông quan tự động VNACCS/VCIS được xem là dấu son tiêu biểu.

Hệ thống thông quan hiện đại 


Ngày 22-3-2012, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ hai nước, lãnh đạo Bộ Tài chính đã kí kết và trao đổi Công hàm và Hiệp định tài trợ cho Dự án “Xây dựng, triển khai hải quan điện tử và thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa hải quan” (gọi tắt là Dự án VNACCS/VCIS) với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, trị giá 2,661 tỉ Yên.

Có thể nói, đây là cột mốc quan trọng về hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản thông qua việc hỗ trợ công tác hiện đại hóa Hải quan Việt Nam phục vụ mục tiêu sớm đưa nước ta vào nhóm các nước có nền hải quan hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Việc thực hiện VNACCS/VCIS có tầm quan trọng đặc biệt đối với ngành Hải quan
Trong Hội nghị giới thiệu về VNACCS/VCIS giữa năm 2012, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc nhấn mạnh, việc thực hiện VNACCS/VCIS có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa to lớn đối với ngành Hải quan. Bởi sự ra đời của Dự án đã chấm dứt thời kì “khủng hoảng” trong việc lựa chọn hệ thống CNTT của Hải quan Việt Nam. Thứ hai, giúp Ngành đổi mới phương thức quản lí, thói quen và kinh nghiệm theo phương thức quản lí tiên tiến của thế giới. Thứ ba, góp phần quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2011-2015 và Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 là “Hải quan Việt Nam đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á”.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Cục trưởng Cục CNTT&Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan) thời điểm đó là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan chia sẻ: Để phục vụ yêu cầu cải cách, hiện đại hoá, trong nhiều năm qua ngành Hải quan luôn chú trọng tìm kiếm một hệ thống CNTT hiện đại để đáp ứng mục tiêu của Ngành và yêu cầu từ Chính phủ, Bộ Tài chính.

Để thực hiện, song song với các công việc liên quan đến cải cách, hiện đại hoá, Hải quan Việt Nam luôn tìm hiểu về hệ thống thông quan tự động ở các quốc gia phát triển. Bởi ngành Hải quan xác định việc xây dựng một hệ thống CNTT đủ mạnh là yêu cầu cấp thiết và quan trọng để có thể đưa Hải quan Việt Nam sớm đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng được yêu cầu hội nhập, phát triển.

Trên thế giới, thường có 3 cách để đầu tư một hệ thống CNTT. Thứ nhất, tự đầu tư, phát triển; thứ hai, mua sản phẩm có sẵn; thứ ba, hợp tác song phương để sử dụng.

Sau khi nghiên cứu và cân nhắc với tình hình thực tế, Hải quan Việt Nam quyết định đi theo con đường thứ ba - hợp tác song phương. Sau khi chủ trương này được thống nhất, Tổng cục Hải quan đã tiến hành khảo sát ở một số nước có trình độ tiên tiến. Trong quá trình khảo sát hệ thống Công nghệ thông quan tự động- NACCS (Automated Cargo Clearance System), phía bạn đã chủ động đề xuất gói hỗ trợ công nghệ này.

NACCS không chỉ tự động xử lí các thủ tục hải quan và các thủ tục hành chính liên quan khác mà còn xử lí các thông tin về quản lí hàng hóa được trao đổi trong khối DN. Hệ thống NACCS đảm bảo xử lí nhanh chóng, chính xác và hiệu quả các thủ tục hành chính liên quan và đơn giản hóa công việc của người sử dụng; đảm bảo xử lí khoảng 1 giây/ giao dịch, cho phép hoạt động 24 giờ/365 ngày (đạt tới mức độ 99,99%). Điều này giúp giảm áp lực cho tất cả người sử dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Vào tháng 5-2011, Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản đã chuyển thư của Bộ trưởng Tài chính (thời điểm đó) Yoshihiko Noda cho Đoàn khảo sát của Hải quan Việt Nam đề xuất trao gói viện trợ về công nghệ NACCS. Nhật Bản sẽ xem xét viện trợ không hoàn lại nếu có yêu cầu từ Việt Nam. Sau khi nhận được đề xuất từ phía bạn, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Tài chính Việt Nam đã có thư cảm ơn và đề nghị Nhật Bản viện trợ không hoàn lại. Đồng thời Chính phủ hai bên chỉ đạo Bộ Tài chính mỗi nước tiếp tục triển khai các công việc liên quan.

Sau khi đại diện Hải quan hai nước thống nhất các nội dung liên quan, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính đã kí kết các văn kiện liên quan với Đại sứ và Trưởng đại diện JICA của Nhật Bản như đề cập ở trên.

Đảm bảo tiến độ

Sau khi các văn kiện quan trọng được đại diện Chính phủ hai nước kí kết, Hải quan Việt Nam với sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Hải quan Nhật Bản đã khẩn trương thực hiện các công việc liên quan nhằm đảm bảo vận hành VNACCS/VCIS đúng tiến độ, đạt chất lượng. Theo kế hoạch, tháng 4-2014, Hệ thống được vận hành chính thức.

Hiện nay, các nhóm làm việc thuộc Ban triển khai Dự án VNACCS/VCIS (Tổng cục Hải quan) đã hoàn thành thiết kế chi tiết và ngành Hải quan đang tập trung công tác đào tạo cho đội ngũ CBCC trong Ngành. Theo thiết kế chi tiết, VNACCS/VCIS sẽ bao trùm gần 200 hoạt động nghiệp vụ khác nhau của Hải quan Việt Nam. Ngoài việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử thông thường như hiện nay, VNACCS/VCIS còn điện tử hóa rất nhiều hoạt động nghiệp vụ khác như thanh toán thuế, lệ phí điện tử; thực hiện e-Manifest và xa hơn là điện tử hóa thủ tục của các bộ, ngành liên quan đến hoạt động XNK…

Ông Nguyễn Mạnh Tùng cho biết, để CBCC hải quan và các đối tượng sử dụng ngoài Ngành, đặc biệt là DN XNK có thể sớm nắm bắt để chủ động triển khai (từ quá trình chạy thử nghiệm vào cuối năm nay và thực hiện chính thức vào đầu năm 2014), vấn đề đào tạo hết sức quan trọng. Tổng cục sẽ tổ chức đào tạo cho đội ngũ chuyên gia ở các cục hải quan địa phương. Sau đó, đội ngũ chuyên gia có trách nhiệm thực hiện đào tạo cho CBCC của từng đơn vị và các DN XNK trên địa bàn.

Hệ thống thông quan này có mức tự động hóa rất cao sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN và CBCC hải quan. Tuy nhiên, để nắm bắt và thực hiện được, cả CBCC hải quan và người sử dụng ngoài Ngành phải được đào tạo một cách bài bản, có hệ thống. Hiện nay, số lượng người sử dụng cần đào tạo rất lớn nếu không có sự chung tay, quyết tâm cao độ của các cục hải quan địa phương sẽ rất khó đảm bảo được tiến độ thực hiện Dự án. Theo tính toán của Ban triển khai Dự án VNACCS/VCIS, số CBCC hải quan cần đào tạo khoảng 6.000 người và số DN XNK đang thực hiện thủ tục hải quan điện tử (đối tường cần đào tạo) từ đầu năm 2013 đến nay cũng lên đến hơn 40.000 DN.

Để đảm bảo lộ trình thực hiện Dự án, Tổng cục Hải quan vừa quyết định huy động 50 CBCC của 6 đơn vị nghiệp vụ thuộc cơ quan Tổng cục gồm: Cục CNTT&Thống kê Hải quan, Cục Giám sát quản lí về hải quan, Cục Thuế XNK, Vụ Pháp chế, Ban Quản lí rủi ro về hải quan, Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan tham gia làm việc chuyên trách tại Ban triển khai Dự án VNACCS/VCIS.

Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, sự hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của các chuyên gia đến từ Hải quan Nhật Bản và quyết tâm cao độ của ngành Hải quan, hy vọng VNACCS/VCIS sẽ vận hành đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng để tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Kết quả về cải cách hiện đại hóa hải quan là thấy rõ
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu công nghiệp Bắc Thăng Long:
Địa bàn Khu công nghiệp Bắc Thăng Long do chi cục quản lý có tới 98% là DN Nhật Bản hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua quá trình quản lý việc thực hiện thủ tục hải quan của DN, tôi đánh giá cao DN Nhật Bản trong việc chấp hành pháp luật. Điều này được đánh giá từ việc đến thời điểm này gần như tại chi cục các DN Nhật Bản không có sai phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại.

Để giúp DN thực hiện tốt pháp luật hải quan, hàng năm chi cục đều tổ chức tuyên truyền phổ biến các văn bản mới của ngành, kết hợp với trao đổi giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Trong các cuộc đối thoại, DN Nhật Bản rất thẳng thắn trong việc trao đổi thông tin, vướng mắc về thủ tục với cơ quan Hải quan. Thông qua việc giải đáp trực tiếp vướng mắc từ phía cơ quan Hải quan giúp DN hiểu pháp luật, từ đó chấp hành, thực hiện tốt pháp luật.  

Bản thân DN trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện có sai xót về thủ tục hải quan liên quan đến số thuế phải nộp, DN sẵn sàng đề nghị cơ quan Hải quan làm lại cho đúng, mặc dù có thể dẫn đến việc sẽ phải nộp thêm thuế. Điều đó thể hiện sự tuân thủ pháp luật của DN Nhật Bản.

Ông Yoshito Toki, Giám đốc Công ty TNHH Nippo Mechatronics Việt Nam:

Công ty TNHH Nippo Mechatronics (Việt Nam) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp các sản phẩm nhựa chính xác và sản xuất, gia công, lắp ráp, thiết kế khuôn mẫu. Trong quá trình hoạt động sản xuất tại Việt Nam, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía cơ quan Hải quan. Tuy nhiên, tôi thấy rằng việc thực hiện thủ tục hải quan tại Việt Nam có một số khác biệt so với Nhật Bản. Ở Nhật Bản tất cả những nguyên vật liệu đều có một mã số, mã số được quy định dựa trên bản chất của nguyên liệu đó.

 Tất cả giấy tờ quản lý chỉ thể hiện mã số số, từ đó chúng tôi có căn cứ để nộp thuế. Nhưng ở Việt Nam, toàn bộ những thông tin từ tên sản phẩm, mã số, bản chất nguyên liệu đều phải được thể hiện trên tất cả các giấy tờ liên quan. Chính vì vậy, nhiều trương hợp có sự sai sót trong việc khai báo và nộp thuế. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành thủ tục của DN. Bên cạnh đó, tôi thấy rằng, một số thủ tục hải quan cũng cần phải đơn giản hơn. Ví dụ như công ty nhập khẩu một số nguyên liệu để gia công từ nhà cung cấp của Nhật Bản. Do đó là loại hàng hóa đặc thù cần phải bảo quản cẩn thận, khi nhập khẩu, nhà cung cấp sẽ phải sử dụng một số giá đỡ, lõi, hộp đi kèm để bảo quản nguyên liệu cuộn phim. Sau đó DN sẽ trả lại các loại vỏ, giá đỡ đó cho nhà cung cấp, và mỗi lần trả chúng tôi đều phải làm thủ tục hải quan. Ở Nhật DN sẽ không phải làm thủ tục đối với các loại hàng hóa đó.

Đặc biệt, tới đây khi Hải quan Việt Nam triển khai hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS, chúng tôi tin rằng việc thực hiện thủ tục hải quan của DN sẽ có những thay đổi đáng kể về thời gian và thủ tục thực hiện. Vì hiện tại đâu đó vẫn còn có những khó khăn cho DN.

Ông Hiroshi Horaguchi, Giám đốc Công ty TNHH điện tử Noble Việt Nam:
Sau hơn 10 năm hoạt động sản xuất tại Việt Nam, Những thay đổi trong công tác cải cách hiện đại hóa hải quan là điều mà chúng tôi nhận thấy rõ nhất, điều này được thể hiện ở việc Hải quan Việt Nam triển khai thủ tục hải quan điện tử. Đây là hệ thống tốt, đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình làm thủ tục. 

Trong hoạt động sản xuất, Noble đang nỗ lực để đạt được các tiêu chí để được công nhận là DN ưu tiên. Năm 2012, công ty đã làm thủ tục để được công nhận là DN ưu tiên nhưng vẫn chưa đạt được tiêu chí kim ngạch XNK, chúng tôi rất tiếc về điều này. Hiện nay, chúng tôi đang phấn đấu kim ngạch XNK năm 2014 sẽ phải tăng gấp 3 lần năm 2010. Điều đáng mừng là năm 2011, toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc đã chuyển về Việt Nam, điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn của công ty. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là cơ hội tốt để có thể gia tăng kim ngạch XNK đáp ứng tiêu chí để được công nhận là DN ưu tiên. Cùng với việc gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cơ quan Hải quan trong việc làm thủ tục cũng như giải quyết vướng mắc phát sinh.
N.LINH (ghi)



(Theo HQonline, tác giả: T.Bình)


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com