Ngày 22/03/2012, Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký kết dự án “Xây dựng, triển khai hải quan điện tử và thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa hải quan tại Việt Nam” . Đây là dự án nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản với 33 triệu USD dưới dạng viện trợ không hoàn lại nhằm giúp Việt Nam hiện đại hóa hệ thống hải quan. Theo đó, Nhật Bản sẽ chuyển giao Hệ thống Tự động hóa hải quan của Hệ thống một cửa quốc gia Nhật Bản (gọi tắt là NACCS) cho Hải quan Việt Nam. Mục tiêu của Dự án là giúp Việt Nam thực hiện thành công hệ thống một cửa quốc gia - là hệ thống có vai trò then chốt giúp thuận lợi hóa thương mại và đầu tư cũng như tăng cường hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý hải quan.
Hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Nhật Bản (Nippon Automated Cargo and Port Consolidated System; gọi tắt là NACCS) được xem là chìa khóa của thành công trong công tác quản lí hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế của Hải quan xứ sở hoa anh đào. Đây cũng được xem là một trong những hệ thống thông quan hiện đại nhất thế giới hiện nay.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết giới thiệu về hệ thống này.
Bài 1: Lược sử hình thành Hệ thống một cửa tại Nhật Bản
Từ năm 1978, nhằm đáp ứng sự phát triển của thương mại quốc tế, Nhật Bản đã phát triển hệ thống đầu tiên xử lý các giao dịch hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu theo đường hàng không, được gọi là Air-NACCS.
Air-NACCS được phát triển dựa trên sự hợp tác giữa chính phủ Nhật Bản và các công ty tư nhân nhằm cải thiện thời gian thông quan cho hàng hóa tại sân bay Narita. Song song với hệ thống này, năm 1991, Nhật Bản xây dựng hệ thống thông quan hàng hóa đường biển (Sea-NACCS) giúp công chức hải quan thực hiện thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập cảnh qua đường biển. Năm 1999, hệ thống Sea-NACCS được nâng cấp nhằm tăng cường khả năng quản lý thông tin hàng hóa.
Trong giai đoạn đầu, hệ thống Air-NACCS và Sea-NACCS được xây dựng và hoạt động độc lập, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý thông tin hàng hóa. Vì vậy, từ phiên bản 5 của Air-NACCS (2010) và phiên bản 3 của Sea-NACCS (2008), hai hệ thống này đã được tích hợp thành một hệ thống duy nhất xử lý các giao dịch xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa và phương tiện vận tải của Nhật Bản.
Sơ lược thủ tục đối với hàng hóa xuất/nhập khẩu trong hệ thống NACCS
Hệ thống NACCS hiện tại cung cấp chức năng để xử lý các thủ tục liên quan đến nhập khẩu/xuất khẩu với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm khu vực tư nhân và các cơ quan chính phủ. Đến tháng 3/2010, Hệ thống NACCS có hơn 8.000 người sử dụng và xử lý khoảng 500 triệu giao dịch mỗi năm. Hiện nay có khoảng 98% hàng hóa xuất nhập khẩu được xử lý qua NACCS. Hệ thống NACCS xử lý tất cả các giao dịch trong thời gian thực theo đúng các bước của quy trình vận chuyển hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu.
NACCS Xuất khẩu
Air: 11 Triệu
Sea: 4 Triệu
Tổng số: 15 Triệu
Phần trăm: 98%
|
NACCS Nhập khẩu
Air:13 Triệu
Sea:4 Triệu
Tổng số:17 Triệu
Phần trăm: 98%
|
NACCS Tổng số
Air: 24 Triệu
Sea: 8 Triệu
Tổng số: 32 Triệu
Phần trăm: 98%
(Thống kê năm 2007, Đơn vị: Tờ khai)
|
Tháng 10/1977, Bộ Tài chính Nhật Bản đã thành lập Trung tâm NACCS, một công ty do chính phủ ủy quyền nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành và bảo trì hệ thống này. Cùng với sự phát triển của hệ thống NACCS, yêu cầu quản lý, vận hành, nâng cấp hệ thống cũng thay đổi, kéo theo mô hình Trung tâm NACCS cũng phải thay đổi để đáp ứng các nhu cầu đó. Tháng 10/2003, Trung tâm NACCS chuyển thành một đơn vị quản lý hành chính hợp tác công-tư, tháng 10/2008 thì được tư nhân hóa, chuyển thành công ty cổ phần thuộc sở hữu nhà nước. Việc tư nhân hóa này giúp tăng cường chất lượng dịch vụ và dễ dàng hơn trong việc phát triển các nghiệp vụ mới, đồng thời cho phép Trung tâm NACCS phát triển bắt kịp với sự phát triển của thương mại quốc tế và lĩnh vực logistics.
Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, Nhật Bản nói chung và Trung tâm NACCS nói riêng đã xây dựng thành công một hệ thống xử lý hàng hóa và các nghiệp vụ tại cảng biển, sân bay (Hệ thống NACCS) hiện đại, xử lý được 98% lưu lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu, quá cảnh tại Nhật Bản. Không dừng lại đó, Nhật Bản vẫn đang cố gắng hoàn thiện hơn hệ thống này, với mong muốn biến NACCS thành một môi trường thông tin hỗ trợ đơn giản, thuận lợi và toàn diện tại cảng biển và sân bay.
(Theo website HQVietnam)
Chú ý: Khi đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác xin vui lòng ghi rõ nguồn http://www.vnaccs.com. Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com |