Thay đổi quy trình, thủ tục hải quan
Đối với khai báo hải quan: So
với khai báo hải quan hiện tại, tiêu chí khai báo hải quan trong hệ
thống VNACCS/VCIS sẽ có tiêu chí khai báo đầy đủ hơn, vì các thông tin
cơ bản về hợp đồng, hóa đơn, vận đơn… có thể khai trên tờ khai hải quan.
Hệ thống VNACCS/VCIS sẽ xử lý hoàn toàn tự động từ việc tiếp nhận, xử
lý và phân luồng với thời gian xử lý diễn ra rất nhanh (trong khoảng 3
giây) nhờ chức năng kết nối với các hệ thống khác (e-Manifest,
e-Invoice, e-Payment…).
Pháp
luật hải quan hiện tại cho phép khai báo trước 15 ngày kể từ ngày đăng
ký. Quá thời hạn này thì tờ khai không còn giá trị làm thủ tục hải quan
và phải hủy. Khi thực hiện hệ thống VNACCS/VCIS, người khai hải quan
được phép khai tạm trên hệ thống, chỉ đến khi có hàng thì khai hải quan
chính thức. Hệ thống VNACCS/VCIS được thiết kế theo hướng phải có hàng
mới được đăng ký tờ khai chính thức. Trong trường hợp đặc biệt, việc hủy
hồ sơ khai báo chỉ được phép sau khi được sự chấp nhận của hải quan. Hệ
thống sẽ kiểm tra để không xảy ra khai báo trùng.
Thay đổi quy trình khai bổ sung sau thông quan: Hệ
thống VNACCS/VCIS cho phép khai bổ sung sau thông quan. Việc đính chính
nội dung khai báo sẽ do người khai thực hiện. Nếu hải quan phát hiện ra
những sai sót trong nội dung khai báo thì thông báo cho người khai hải
quan biết để hiệu chỉnh và khai bổ sung. Nếu người khai không chấp nhận
khai bổ sung thì vẫn cho thông quan, nhưng những nghi vấn sẽ được thông
báo cho bộ phận kiểm tra sau thông quan và điều tra. Khi đó, doanh
nghiệp thực hiện thủ tục nộp thuế tăng thêm trên hệ thống VNACCS/VCIS.
Tuy nhiên, việc xử lý tiền thuế nộp thừa không thực hiện trên hệ thống
VNACCS/VCIS.
Tiếp nhận hồ sơ khai báo: Hiện
tại, cán bộ hải quan tại khâu đăng ký sẽ tiến hành kiểm tra bộ hồ sơ
hải quan (đối với thủ tục truyền thống) và tờ khai hải quan (đối với thủ
tục điện tử). Khi áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS, hệ thống sẽ tự động
kiểm tra và tiếp nhận, nếu không sẽ đánh lỗi.
Chuẩn hóa loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu: Loại
hình xuất nhập khẩu, hệ thống VNACCS/VCIS đã thiết kế theo hướng chuẩn
hóa các chế độ quản lý theo Công ươc Kyoto như: xuất khẩu, nhập khẩu,
chế độ tạm, chế xuất - gia công - sản xuất xuất khẩu, vận chuyển bảo
thuế, phương tiện vận tải. Trong đó không phân việt giữa loại hình hàng
hóa thương mại và phi thương mại. So với hiện hành của Việt Nam trong hệ
thống thống kê có đến hơn 170 loại hình quản lý khác nhau, VNACCS chuẩn
hóa còn hơn 40 loại hình cụ thể; hệ thống VNACCS hỗ trợ khai đơn giản
đối với hàng hóa trị giá thấp.
Quản lý hàng tạm nhập tái xuất: Hệ
thống hỗ trợ thông tin quản lý hàng hóa tạm nhập tái xuất, có chức năng
kiểm tra thanh khoản và kết xuất báo cáo từ cấp chi cục, cấp cục, cấp
tổng cục đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất.
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển bảo thuế: So
với thủ tục hiện tại, quy trình đối với hàng vận chuyển bảo thuế trong
hệ thống VNACCS/VCIS gộp các quy trình hiện tại thành một quy trình nhằm
mục đích đơn giản hóa, chuẩn hóa để áp dụng công nghệ thông tin (CNTT);
hỗ trợ tối đa công tác giám sát, quản lý của cơ quan hải quan, cụ thể:
Cấp phép vận chuyển được thực hiện tại hải quan nơi quản lý hàng hóa đi;
Dùng chung một thủ tục khai báo cấp phép vận chuyển cho khai báo đi,
vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực; Hàng hóa nhập khẩu đưa vào kho của
nhà máy gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất: Khai cấp phép vận
chuyển kết hợp khai báo nhập khẩu tại hải quan nơi đi; Khai cấp phép vận
chuyển tại hải quan nơi đi, khai nhập khẩu tại hải quan nơi quản lý nhà
máy; hàng hóa xuất khẩu đưa từ kho của nhà máy gia công, sản xuất xuất
khẩu, chế xuất: khai xuất khẩu kết hợp khai cấp phép vận chuyển.
Việc
áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS sẽ làm tăng trách nhiệm của các bên tham
gia: người xuất khẩu, nhập khẩu, người vận chuyển, kinh doanh dịch vụ
kho, bãi cảng…Các bên tham gia thực hiện quản lý theo yêu cầu của cơ
quan hải quan, cụ thể như sau: Nguyên tắc kiểm tra, giám sát: Doanh
nghiệp vận chuyển tự quản lý, hoặc hải quan kiểm tra rồi giao cho doanh
nghiệp vận chuyển tự quản lý, hoặc hải quan hoặc doanh nghiệp kiểm tra,
giám sát đến khi hàng đến đích. Yêu cầu khai báo thời gian dự kiến đi,
đến của hàng hóa khi khai cấp phép vận chuyển; khai báo hàng hóa đã khởi
hành (khai BOA); khai báo hàng hóa được vận chuyển đến đích.
Theo dõi xử lý quy trình thủ tục hải quan: Trong
quá trình xử lý thủ tục hải quan, quá trình phân công xử lý tờ khai,
chỉ đạo thực hiện và kết quả xử lý của lãnh đạo và chuyên viên đều được
hệ thống lưu vết tự động. Chức năng này của hệ thống giúp kiểm soát được
quá trình xử lý công việc của cán bộ, công chức hải quan.
Thay đổi liên quan đến nội dung thuế, thanh toán
Trị giá tính thuế:
Hệ thống VNACCS/VCIS cho phép gộp một số chỉ tiêu của tờ khai trị giá
theo phương pháp trị giá giao dịch vào tờ khai nhập khẩu. Do đó, về cơ
bản, đối với phương pháp trị giá giao dịch không cần phải khai riêng tờ
khai trị giá như hiện nay, trừ các trường hợp tờ khai có nhiều hơn 7
khoản điều chỉnh (gồm cả I và F), vì trên màn hình khai báo có 7 ô khai
báo khoản điều chỉnh gồm 2 khai báo cho I, F và 5 ô cho 5 khoản điều
chỉnh khác. Hệ thống tự động phân bổ các khoản điều chỉnh theo tỷ lệ trị
giá hóa đơn, từ đó tự động tính toán trị giá tính thuế cho từng dòng
hàng.
Thuế và tính thuế: Hệ
thống hiện tại không cho phép tính thuế tự động. Hệ thống VNACCS/VCIS
hỗ trợ việc tính thuế tự động, tự động tìm thuế suất theo mã HS (đối với
thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu), theo mã phân loại thuế suất (đối với
các loại thuế khác: thuế VAT, thuế tiệu thụ đặc biệt, thuế tuyệt đối,
thuế hỗn hợp…). Tuy nhiên, hệ thống cũng có cơ chế linh hoạt để người
khai có thể tự nhập thuế suất. Bên cạnh đó, hệ thống VNACCS/VCIS còn có
chức năng tính toán các loại thuế khác khi phát sinh (như thế bảo vệ môi
trường, thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống phân biệt đối
xử…).
Kiểm tra, tham vấn giá: Hệ
thống VNACCS/VCIS được thiết kế theo hướng đáp ứng chính sách quản lý
trị giá tính thuế phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, cho phép
kiểm tra giá trong quá trình thông quan đối với các mặt hàng có nguy cơ
gian lận cao về trị giá; cho phép tham vấn trong hoặc sau thông quan
(theo quy định của chính sách quản lý của từng thời kỳ).
Quản lý danh mục ưu đãi miễn thuế và danh mục thiết bị đồng bộ: Hệ
thống VNACCS/VCIS cho phép xử lý hoàn toàn tự động đối với quản lý danh
mục ưu đãi miễn thuế. Trong hệ thống VNACCS/VCIS cũng có chức năng hỗ
trợ quản lý danh mục thiết bị đồng bộ thông quan việc chuyển thông tin
từ VNACCS/VCIS sang hệ thống trung gian để xử lý tự động.
Ấn định thuế trong thông quan: Khi
hải quan tiến hành kiểm tra thuế trong thông quan, sau thông quan nếu
phát hiện sai sót thì yêu cầu doanh nghiệp khai bổ sung. Nếu doanh
nghiệp không khai bổ sung theo yêu cầu của hải quan thì hải quan mới
thực hiện việc ấn định thuế. Khi đó, hệ thống VNACCS/VCIS sẽ xuất thông
báo ấn định thuế cho người nộp thuế. Quyết định ấn định thuế sẽ do cơ
quan hải quan cấp theo đúng quy định.
Thanh toán thuế: So
với quy định hiện hành, người khai hải quan phải xác định trước các
hình thức sẽ thanh toán; Một lô hàng chỉ được sử dụng một hình thức
thanh toán; Hình thức thanh toán được bổ sung thêm thanh toán bằng hạn
mức qua ngân hàng, bảo lãnh chung tự động trừ lùi trên toàn quốc và được
khôi phục tương ứng với số thuế đã nộp.
Thay đổi liên quan đến quản lý rủi ro
Phân luồng xử lý tờ khai:Trên
cơ sở các tiêu chí rủi ro (tiêu chí lựa chọn) được thiết lập trên hệ
thống VCIS, hệ thống VNACCS sẽ thực hiện phân luồng xử lý tờ khai, thông
qua việc đối chiếu những thông tin khai báo trên tờ khai với những
thông tin của tiêu chí lựa chọn. Ngoài việc thiết lập các tiêu chí đơn
lẻ trên giao diện của VCIS, trường hợp thiết lập số lượng lớn tiêu chí
sẽ được thiết lập thông qua bảng dữ liệu (CFS).
Nhằm
đảm bảo tốc độ xử lý nhanh của hệ thống, chỉ một số tiêu chí trong
trường hợp cần thiết mới được truyền dữ liệu tức thời từ VCIS sang
VNACCS phục vụ cho việc phân luồng tờ khai. Tiêu chí lựa chọn được xây
dựng dựa trên cơ sở các chính sách quy định của các cơ quan quản lý nhà
nước, dựa trên việc xếp hạng đánh giá doanh nghiệp cũng như việc phân
tích, đánh giá rủi ro của đơn vị chuyên trách quản lý rủi ro. Trong đó,
hệ thống được thiết kế để tự động lựa chọn kiểm tra các đối tượng không
đáp ứng các điều kiện cấp phép trên cơ sở trao đổi dữ liệu điện tử với
các bộ, ngành khi triển khai cơ chế một cửa.
Các
tờ khai luồng xanh không còn được hiển thị trên màn hình kiểm tra tại
cửa khẩu, công chức hải quan chỉ có thể xử lý hoặc chuyển luồng các tờ
khai luồng vàng và luồng đỏ.
Phân luồng cấp phép vận chuyển bảo thuế và sàng lọc thông tin manifest:Hệ
thống VNACCS/VCIS cho phép thiết lập các tiêu chí sàng lọc thông tin
manifest để lựa chọn có trọng điểm các thông tin trước thông quan, từ đó
có cơ sở theo dõi và thiết lập các tiêu chí lựa chọn kiểm trong thông
quan. Đối với cấp phép vận chuyển bảo thuế, hệ thống VNACCS cũng cho
phép lựa chọn các đối tượng trọng điểm để kiểm tra chi tiết hồ sơ trước
khi cấp phép. Nếu có dấu hiệu nghi vấn thì trong trường hợp cần thiết có
thể kiểm tra thực tế hàng hóa.
Hồ sơ nhà nhập khẩu, xuất khẩu:Khi
áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS sẽ có những thay đổi liên quan đến bộ tiêu
chí hồ sơ doanh nghiệp như sau: Việc đánh giá, xếp hạng nhà nhập khẩu,
xuất khẩu được tiến hành 2 lần/1năm, trên cơ sở tính điểm và tiến hành
theo trình tự: Hệ thống tự động thực hiện đánh giá - hải quan xem xét,
lấy ý kiến của các hải quan địa phương - Tổng cục đưa ra quyết định cuối
cùng - cập nhật vào hệ thống để áp dụng. Xếp hạng được phân biệt giữa
nhập khẩu và xuất khẩu (nhập khẩu: 7 hạng, xuất khẩu: 4 hạng). Các cá
nhân, tổ chức cũng được đánh giá xếp hạng. Đối với mỗi hạng thì có các
phương thức xử lý khác nhau và có thể được phân vào luồng xanh, vàng, đỏ
theo tỷ lệ đã định trước.
Hồ sơ vi phạm: Khi
áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS sẽ có những thay đổi liên quan hồ sơ vi
phạm gồm: Bộ tiêu chí hồ sơ vi phạm; Các sai sót (bao gồm cả những vụ
việc đã ra quyết định xử lý, tuy nhiên phải có liên quan đến khai báo
hoặc phải xác định được doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức gây ra) do người
khai gây ra trong quá trình thông quan hàng hóa để được ghi nhận trong
VCIS phục vụ cho quá trình xếp hạng và quyết định kiểm tra.
Hồ sơ rủi ro: Hệ
thống VCIS có phân hệ quản lý hồ sơ rủi ro (hay còn gọi đối tượng trọng
điểm, black-list), bao gồm thông tin về tổ chức và cá nhân có dấu hiệu
rủi ro cao. Thông tin được xây dựng, lưu trữ tập trung tại Tổng cục và
được phân quyền khai thác cho những công chức có thẩm quyền liên quan,
đồng thời hiển thị khi lô hàng xuất khẩu có liên quan làm thủ tục tại
cửa khẩu, hệ thống sẽ cảnh báo cho công chức tiếp nhận biết và xử lý tờ
khai.
Thông tin tham chiếu tổng hợp: Hệ
thống VNACCS/VCIS cho phép hiển thị các thông tin tổng hợp về tình hình
xuất nhập khẩu, vi phạm, phân luồng… của doanh nghiệp, cá nhân.
Hợp nhất, gắn liên kết doanh nghiệp, cá nhân xuất nhập khẩu: Đây
là chức năng mới trong VCIS. Trường hợp nếu cơ quan hải quan xác định
được một doanh nghiệp hoặc cá nhân nào đó đang thực hiện khai hải quan
dưới các tên khác nhau hoặc có liên quan đến nhau thì chức năng hợp
nhất, gắn liên kết doanh nghiệp, cá nhân xuất nhập khẩu cho phép thực
hiện hợp nhất hoặc gắn liên kết để phục vụ hoạt động quản lý của hải
quan.
Thay đổi liên quan đến tổ chức dây chuyền nghiệp vụ
Để triển khai hệ thống VNACCS/VCIS có nhiều nội dung phát sinh liên quan tới tổ chức bộ máy cụ thể gồm:
Hình thành các đội thủ tục theo nhóm mã HS trong từng chi cục:Do
hệ thống VNACCS/VCIS thiết kế tiếp nhận xử lý tờ khai theo từng nhóm HS
hoặc do Hải quan Việt Nam cài đặt. Do đó, việc bố trí cán bộ tham gia
dây chuyền nghiệp vụ sẽ phụ thuộc vào đặc thù của từng địa phương và
linh hoạt. Theo đó, tại từng chi cục sẽ hình thành các đội hoặc các nhóm
thủ tục chuyên về từng nhóm HS, đội về hàng chuyển phát nhanh và đội
thủ tục về hàng an ninh quốc phòng.
Hình thành các đội quản lý rủi ro tại cấp chi cục hải quan: Hiện
tại, mỗi chi cục đã có từ 1-3 công chức đảm nhiệm công tác thu thập xử
lý thông tin và quản lý rủi ro, tuy nhiên chủ yếu vẫn làm việc ở chế độ
kiêm nhiệm do hạn chế nguồn nhân lực nên chưa phát huy được hiệu quả.
Tuy nhiên, với mô hình mới khi áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS, dự kiến các
công chức hải quan chỉ còn xử lý khoảng 40% số tờ khai so với hiện tại,
trong khi đó công chức không có cơ hội được can thiệp vào tờ khai luồng
xanh, do đó nếu không tập trung tăng cường nhân lực cho việc phân tích,
đánh giá rủi ro trong thông quan thì khả năng để lọt rủi ro (buôn lậu
và gian lận) rất lớn.
Thay đổi bộ phận thủ tục xử lý đối với phương tiện vận tải:Khi
áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS, đội thủ tục phương tiện vận tải trực
thuộc chi cục hải quan hoặc cấp tương đương quản lý cảng biển, sân bay
quốc tế, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng khô (ICD), kho CSF sẽ có
chức năng nhiệm vụ: Giám sát kho, bãi, bến tàu, sân đỗ (áp dụng các
phương tiện kỹ thuật như camera, thiết bị RFID, cân điện tử…); Tiếp nhận
thông tin về phương tiện đến/đi, hàng hóa đến/đi (manifest…) hành khách
xuất cảnh/nhập cảnh; Thực hiện phân tích trước thông tin đã tiếp nhận,
có thể bổ sung thêm chức năng chuyên trách về quản lý rủi ro cấp chi
cục, giám sát hàng hóa vận chuyển bảo thuế.
Đối
với cửa khẩu đường bộ: Việc thông quan cho ô tô đường bộ sẽ được thực
hiện ghép với đội thủ tục thông quan hàng hóa. Thông tin trước về hàng
hóa, hành khách, phương tiện (được hiểu là thông tin có trước khi đăng
ký tờ khai) sẽ được chia sẻ trực tiếp cho đội thủ tục phương tiện vận
tải, đội thủ tục thông quan (tại chi cục hải quan) và bộ phận quản lý
rủi ro cấp cục hải quan.
Hình thành bộ phận quản lý việc cấp phép vận chuyển và giám sát hàng hóa vận chuyển bảo thuế: Khi
áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS, các chi cục cần phải xác định việc cấp
phép vận chuyển và giám sát hàng hóa sẽ do bộ phận nào của chi cục đảm
nhiệm trên cơ sở mô hình hiện nay đang tồn tại gồm: chi cục có cấp đội
(chi cục có nhiều đội làm thủ tục ví dụ Nội Bài, Tân Sơn Nhất… và chi
cục chỉ có một đội thủ tục) và chi cục không có cấp đội, hay là tái cơ
cấu lại toàn bộ.
Hình thành bộ phận quản lý, vận hành hệ thống và hỗ trợ người sử dụng: Khi
áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS, việc thu thập thông tin, phân quyền và
quản lý người sử dụng theo một quy trình khép kín từ dưới lên, vì vậy
cần xác định bộ phận nào sẽ phụ trách và xây dựng quy trình thực hiện
cũng như quy chế phối hợp.
Thay đổi về công nghệ thông tin
Hệ
thống VNACCS/VCIS được triển khai tập trung tại Tổng cục Hải quan. Các
hệ thống kế thừa của hải quan như: Kế toán thuế (KTT559), giá tính thuế
(GTT01)… kết nối với VNACCS/VCIS để thực hiện việc trao đổi và xử lý
thông tin. Cán bộ hải quan thông qua các máy trạm kết nối với hệ thống
VNACCS/VCIS để xử lý và phản hồi thông tin cho người khai hải quan.
Để
triển khai hệ thống VNACCS/VCIS, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT)
được xây dựng và nâng cấp đáp ứng yêu cầu sau: Trung tâm dữ liệu mới tại
Tổng cục Hải quan đang trong quá trình hoàn thiện để triển khai hệ
thống VNACCS/VCIS và các hệ thống CNTT hải quan.
Nâng
cấp mạng WAN: Trục backbone gồm 2 đường truyền 1 Gbps. Đường truyền từ
trung tâm miền về các cục hải quan và từ cục hải quan tới các chi cục,
các chi cục tới Kho bạc Nhà nước: đối với các cục hải quan có trung tâm
dữ liệu cần 2 đường (10 Mbps và 4 Mbps); đối với các cục hải quan khác
cần 2 đường (4 Mbps và 2 Mbps). Kiến trúc mạng cũng được triển khai đáp
ứng mô hình xử lý tập trung.
Chữ
ký số sẽ được áp dụng trong các giao dịch điện tử giữa người khai với
hệ thống VNACCS/VCIS của hải quan. Việc triển khai chữ ký số đảm bảo
tuân thủ các quy định tại Nghị định 27/2005/NĐ-CP của Chính phủ về các
giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính (Điều 14 về sử dụng chữ ký
số) và là sự phát triển tiếp theo của triển khai thủ tục hải quan điện
tử (theo Nghị định 87/20102/NĐ-CP của Chính phủ) mang lại những lợi ích
cơ bản sau: Nâng cao tính an ninh, an toàn trong quá trình trao đổi
thông tin giữa cơ quan hải quan và các doanh nghiệp. Đảm bảo tính chính
xác, tính toàn vẹn và tính chống chối bỏ của thông tin khai báo, góp
phần nâng cao tính tự động của hệ thống.
Do
hệ thống tập trung cấp Tổng cục nên việc quản trị và vận hành hệ thống
cũng cơ bản thay đổi so với khi triển khai các hệ thống phân tán. Điều
này đòi hỏi sự chuyên nghiệp và sẵn sàng cao của đội ngũ cán bộ nhằm đảm
bảo hệ thống vận hành thông suốt, hạn chế tối đa các vướng mắc phát
sinh.
Để triển khai hệ
thống VNACCS/VCIS một cách hiệu quả thì cần thiết phải triển khai bộ
phận hỗ trợ người sử dụng để kịp thời xử lý các vướng mắc về kỹ thuật
cũng như cung cấp các thông tin về chính sách, quy định pháp luật, quy
trình thủ tục hải quan và các câu hỏi cần giải đáp liên quan tới nghiệp
vụ.
Thực hiện dự án
VNACCS/VCIS là sự kiện lớn của ngành Hải quan và năm 2013 là năm then
chốt quyết định đến khả năng đưa VNACCS/VCIS chính thức vận hành vào năm
2014 và cũng là năm phía Hải quan Việt Nam phải chủ động triển khai, do
đó mục tiêu đặt ra phải thực hiện đúng tiến độ dự án.