Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Sớm đưa Chi cục Hải quan Hòa Bình đi vào hoạt động

(HQ Online)- Cục Hải quan Hà Nội đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa Chi cục Hải quan Hòa Bình đi vào hoạt động. Việc thành lập Chi cục Hải quan Hòa Bình nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN),  thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Khu công nghiệp Lương Sơn-Hòa Bình. Ảnh: Internet. 
 
Cục Hải quan Hà Nội đã ban hành Quyết định 165/QĐ-HQHN quy định nhiệm vụ cụ thể của Chi cục Hải quan Hòa Bình. Theo đó, Chi cục Hải quan Hoà Bình thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Hải quan và các quy định khác của pháp luật có liên quan và những nhiệm vụ cụ thể như sau: Thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trên địa bàn quản lý của Chi cục và các địa bàn do Cục Hải quan Hà Nội quản lý. Tiến hành thu thuế và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa XK, NK; thực hiện việc ấn định thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, theo dõi, thu thuế nợ đọng, cưỡng chế thuế, và phúc tập hồ sơ hải quan; đảm bảo thu đúng, thu đủ, nộp kịp thời vào NSNN.

Bên cạnh đó, Chi cục Hải quan Hòa Bình thực hiện kiểm soát hải quan để phòng, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, phòng, chống ma túy trong phạm vi địa bàn hoạt động của Chi cục; thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện việc ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương pháp quản lý hải quan hiện đại vào các hoạt động của Chi cục; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước, tổ chức hữu quan trên địa bàn hoạt động Hải quan để thực hiện nhiệm vụ được giao…

Trước đó, Chi cục Hải quan Hòa Bình trực thuộc Cục Hải quan Hà Nội được thành lập theo Quyết định 2836/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo UBND tỉnh Hòa Bình, việc thành lập Chi cục Hải quan Hòa Bình trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới của địa phương. Mặt khác đây cũng là xu hướng phát triển mới, là bước đột phá tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động XNK ngày càng tăng…

Hòa Bình hiện có 8 khu công nghiệp, trong đó có 2 khu công nghiệp Lương Sơn và bờ trái Sông Đà có hạ tầng kỹ thuật được xây dựng tương đối đồng bộ, các khu công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ thu hút nhiều dự án đầu tư, thuận lợi cho sự phát triển hoạt động XNK trên địa bàn tỉnh.

Trong 5 năm gần đây, kim ngạch XNK trên địa bàn tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hàng năm XK tăng 30,5%, NK tăng 24,6%. Năm 2015, giá trị XK đạt khoảng 180 triệu USD vượt 80% so với mục tiêu đề ra và cao gấp 3 lần năm 2011, kim ngạch NK đạt 80 triệu USD. Dự báo trong giai đoạn 2016-2020, kim ngạch XNK trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ước tăng 3,5 lần so với năm 2015.
 
(nguồn: baohaiquan.vn)


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Công văn 1501/TCHQ-GSQL: Hướng dẫn chi tiết lập báo cáo quyết toán hàng gia công, sản xuất xuất khẩu

(HQ Online)- Tổng cục Hải quan vừa ban hành công văn 1501/TCHQ-GSQL hướng dẫn chi tiết việc lập, tiếp nhận và xử lý báo cáo quyết toán đối với loại hình gia công, SXXK, chế xuất.
Quy định mới về thủ tục hải quan đối với loại hình gia công, SXXK, DN chế xuất nhằm tạo thuận lợi cho DN. Ảnh: N.Linh. 
 
Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Vũ Lê Quân, quá trình triển khai thủ tục hải quan đối với loại hình gia công, SXXK, chế xuất, Tổng cục Hải quan đã có các đoàn khảo sát để nắm bắt vướng mắc khi triển khai theo quy định mới. 

Qua đó đã tiếp nhận được một số khó khăn, đặc biệt là việc lập, tiếp nhận, xử lý báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên vật liệu theo năm tài chính. Trước vướng mắc đó, Tổng cục Hải quan đã có văn bản hướng dẫn chi tiết về cách lập báo cáo quyết toán nguyên vật liệu theo năm tài chính để thuận lợi cho DN và cơ quan Hải quan khi thực hiện.

Theo hướng dẫn, loại hình phải thực hiện báo cáo quyết toán theo quy định tại Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC gồm: Loại hình gia công; loại hình SXXK không có đề nghị hoàn thuế/không thu thuế, trừ trường hợp đã thực hiện hoàn thuế/không thu thuế theo hướng dẫn tại công văn 16120/BTC-TCHQ ngày 1-11-2015 của Tổng cục Hải quan; DN chế xuất (gồm loại hình gia công và SXXK).

Liên quan đến số liệu thể hiện trên mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL ban hành kèm theo Thông tư 38/2015/TT-BTC, bên cạnh việc thực hiện theo các quy định tại Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC và công văn hướng dẫn 18195/BTC_TCHQ, công văn 1171/TCHQ-GSQL, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thêm một số nội dung đối với loại hình gia công, SXXK.

Đối với loại hình gia công, DN thực hiện việc lập sổ theo dõi nguyên liệu, vật tư và thành phẩm tương tự các tài khoản 152, 155 quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC, Quyết định 48/2006/QĐ-BTC; trường hợp DN theo dõi hoạt động gia công theo trị giá thì cách thức lập báo cáo quyết toán theo hướng dẫn đối với loại hình SXXK.

Trường hợp hệ thống kiểm soát nội bộ của DN theo dõi chi tiết theo lượng hàng hóa, không theo trị giá thì được kết suất số liệu theo lượng để báo cáo. Biểu mẫu sử dụng để báo cáo quyết toán là biểu mẫu 15/BCQT-NVL/GSQL trong đó số tiền được thay bằng số lượng và theo từng chủng loại nguyên vật liệu.
Đối với loại hình SXXK, số liệu thể hiện trên báo cáo quyết toán là số liệu phản ánh trên hệ thống sổ kế toán theo các tài khoản tương ứng 152, 155 theo nguyên tắc tổng trị giá nhập-xuất-tồn kho nguyên liệu, vật tư và thành phẩm trong kỳ báo cáo; các tài khoản liên quan khác như: 151, 154, 621,631, 632… DN có trách nhiệm xuất trình, giải trình khi cơ quan Hải quan yêu cầu trong quá trình kiểm tra tại trụ sở DN.

Về số liệu trên báo cáo quyết toán theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, đối với nguyên vật liệu NK số liệu nguyên liệu, vật tư NK phục vụ hoạt động sản xuất hàng XK phát sinh trong kỳ gồm: Trị giá tồn đầu kỳ là tổng trị giá tồn kho cuối kỳ của nguyên vật liệu được chốt đến ngày kết thúc năm tài chính từ kỳ trước chuyển sang. Trị giá nhập trong kỳ là tổng trị giá nguyên vật liệu nhập kho trong kỳ, bao gồm: NK từ nước ngoài, NK từ khu phi thuế quan; NK tại chỗ, nhập chuyển tiếp từ hợp đồng gia công khác sang, NK từ nội địa (áp dụng cho DN chế xuất)… được kết xuất từ tài khoản 152. Trị giá xuất trong kỳ là tổng trị giá nguyên vật liệu xuất kho, bao gồm: xuất kho để sản xuất, xuất kho đi gia công lại theo các đơn hàng, xuất bán nội địa sau khi chuyển mục đích sử dụng, xuất trả nguyên liệu, vật tư… được kết xuất từ tài khoản 152.

Trị giá nguyên vật liệu phản ánh trên báo cáo quyết toán là giá gốc của nguyên vật liệu, bao gồm: Giá mua ghi trên hóa đơn (tờ khai hải quan), thuế NK, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT hàng NK, thuế bảo vệ môi trường phải nộp (nếu có), chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, phân loại, bảo hiểm… nguyên vật liệu từ nơi mua về đến kho của DN, công tác phí của cán bộ thu mua, chi phí của bộ phận thu mua độc lập, các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc thu mua nguyên vật liệu và số hao hụt tự nhiên trong định mức (nếu có).

Trường hợp thuế GTGT hàng NK được khấu trừ thì giá trị của nguyên vật liệu mua vào được phản ánh theo giá mua chưa có thuế GTGT. Nếu thuế GTGT hàng NK không được khấu trừ thì giá trị của nguyên vật liệu mua vào bao gồm cả thuế GTGT.

Đối với thành phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên vật liệu NK, số liệu các thành phẩm được sản xuất để XK gồm: Trị giá tồn đầu kỳ là tổng trị giá tồn kho cuối kỳ của thành phẩm được chốt đến ngày kết thúc năm tài chính từ kỳ trước chuyển sang. Trị giá nhập trong kỳ là tổng trị giá thành phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu NK trong kỳ nhập kho (bao gồm cả thành phẩm nhận lại sau khi thuê gia công lại) được kết xuất từ tài khoản 155. 

Trị giá xuất trong kỳ là tổng trị giá thành phẩm xuất kho, bao gồm: xuất ra nước ngoài, xuất vào khu phi thuế quan, XK tại chỗ, xuất chuyển tiếp sang hợp đồng gia công khác, xuất bán nội địa sau khi chuyển mục đích sử dụng được kết xuất từ tài khoản 155.

Tổng cục Hải quan cũng lưu ý Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn DN tích hợp số liệu từ ba bộ phận: Bộ phận quản lý kho, bộ phận kế toán, bộ phận XNK thành một để số liệu thể hiện trên báo cáo quyết toán thống nhất, phù hợp với hệ thống sổ, chứng từ kế toán đang theo dõi tại DN, tránh số liệu chênh lệch, không chính xác giữa ba bộ phận này. Ngoài ra, khi lập báo cáo quyết toán DN không phải quy đổi bán thành phẩm (từ tài khoản 154 hoặc tài khoản tương tự) sang nguyên vật liệu để thể hiện trong báo cáo quyết toán.
 
(nguồn: baohaiquan.vn)


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com