Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Sách về phong thủy : Hoa cảnh ứng dụng phong thủy

Hoa cảnh ứng dụng phong thủy

Tác giả: Nguyễn Kim Dân (Biên Soạn)
Phát hành: 19/08/2009


Phong thủy học là môn học về sinh thái môi trường của con người, cũng là môn học về chọn lọc môi trường; trên thực tế, nó chính là một môn khoa học tự nhiên được tổng hợp từ nhiều môn như: địa cầu vật lý học, thủy văn địa chất học, vũ trụ tinh thể học, khí tượng học, cảnh quan môi trường học, kiến trúc học, sinh thái học và tin tức nhân mạng sinh thể học…

Phần 1 Phần 2 Phần 3 Phần 4 Phần 5

Những điểm mới của Nghị định về thủ tục hải quan điện tử

Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại (gọi tắt là Nghị định) được ban hành với 3 điểm mới cơ bản liên quan đến: người khai hải quan, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thương mại.
Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo sự nhất quán về thủ tục hải quan quy định tại Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; đồng thời đảm bảo tính kế thừa những nội dung đang thí điểm thành công của QĐ149/2005/QĐ-TTg và QĐ103/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; sửa đổi, bổ sung các nội dung còn bất cập, loại bỏ một số nội dung không đạt hiệu quả trong quá trình thí điểm; và vẫn đảm bảo tính dự báo trong điều kiện văn bản quy phạm pháp luật luôn được xây dựng và hoàn thiện; đặc biệt đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính hải quan.
Nghị định gồm 3 Chương với 17 Điều, Chương I - Quy định chung; Chương II – Thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại và Chương III – Điều khoản thi hành.
Quy định liên quan đến người khai hải quan
Trước hết, Nghị định (NĐ) yêu cầu về việc đáp ứng các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin và kỹ năng khai báo hải quan của người khai hải quan. Điều 6 NĐ đề cập “Bộ Tài chính… quy định cụ thể các điều kiện về công nghệ thông tin và kỹ năng khai hải quan điện tử của người khai hải quan điện tử”. Đây là quy định mới, hoàn toàn phù hợp với Luật Giao dịch điện tử.
Quy định như trên dựa trên quan điểm cho rằng hiệu quả của thủ tục hải quan điện tử phụ thuộc vào sự tương tác của hai hệ thống là Hệ thống khai hải quan điện tử của người khai hải quan và Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan của cơ quan Hải quan. Để sự tương tác giữa hai hệ thống luôn ổn định, thông suốt thì không chỉ riêng hệ thống của cơ quan Hải quan mà cả hệ thống của người khai hải quan cũng phải được đầu tư thỏa đáng về mặt kỹ thuật, đảm bảo cho việc truyền, nhận và lưu trữ thông tin trong giao dịch điện tử hải quan.
Yêu cầu về kỹ năng khai báo hải quan dựa trên quan điểm xem xét hiệu quả của thủ tục hải quan điện tử chủ yếu phụ thuộc vào trình độ kỹ năng của hai chủ thể chính là người khai hải quan và công chức hải quan (ngoại trừ các chủ thể khác được coi là bên thứ ba tham gia vào thủ tục hải quan). Ngoài ra quy định trên còn xuất phát từ thực tiễn trong quá trình thí điểm thủ tục hải quan điện tử (2005-2012) đã xảy ra nhiều trường hợp người khai hải quan do không nắm vững kỹ năng cũng như chưa làm chủ được phần mềm khai hải quan dẫn đến tình trạng phải khai lại hay gửi trùng thông tin của một tờ khai nhiều lần đến cơ quan hải quan, gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
            Ngoài ra, điều 4, Khoản 2 của NĐ quy định cụ thể về việc sử dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Quy định về việc sử dụng chữ ký số khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử đã được quy định tại Thông tư 222/2009/TT-BTC, tuy nhiên chưa nêu cụ thể thế nào là chữ ký số hợp lệ, phạm vi hiệu lực của chữ ký số đã đăng ký với cơ quan hải quan… Để khắc phục những hạn chế đó, NĐ này quy định, khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan phải sử dụng chữ ký số hợp lệ - nghĩa là đã được đăng ký với cơ quan Hải quan trước khi sử dụng.
Quy định liên quan đến Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan
            Khoản 2, Điều 17 NĐ quy định nguyên tắc yêu cầu các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước phối hợp với cơ quan Hải quan trong việc chuẩn hóa danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành; cung cấp, trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các cơ quan quản lý chuyên ngành và các đối tượng có liên quan cho cơ quan Hải quan để phục vụ việc đưa ra các quyết định thông quan hàng hóa. Việc chuẩn hóa danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành sẽ tạo điều kiện tăng tính tự động hóa của Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan, giảm thiểu các thủ tục hành chính và các thao tác thủ công khi thực hiện kiểm tra, đối chiếu.
            Cơ quan Hải quan là cơ quan ra quyết định cuối cùng về việc thông quan, giải phóng hàng hóa căn cứ vào các quyết định của các cơ quan nhà nước có liên quan; thời gian phân tích và đưa ra các quyết định phụ thuộc vào thời gian cơ quan Hải quan tiếp nhận thông tin. Vì vậy, cần thiết phải quy định trách nhiệm cung cấp và trao đổi thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành cho cơ quan Hải quan để tạo điều kiện cắt giảm thủ tục hành chính cho người khai hải quan và giảm thời gian thông quan, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chính thức Cơ chế hải quan một cửa quốc gia do các quy định hiện hành về vấn đề này mới chỉ mang tính chất thí điểm (theo Quyết định 48/2011/QĐ-TTg ngày 31/8/2011).
            Vì vậy, việc quy định các đối tượng nêu trên được phép trao đổi thông tin với cơ quan hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan khiến thủ tục hải quan điện tử mang đúng nghĩa tự động.
        Quy định liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại
            Theo quy định tại Điểm b, khoản 1, Điều 4 của NĐ, người khai hải quan điện tử được quyền khai hải quan 24/7 thay vì trong giờ hành chính như đối với thủ tục hải quan thủ công. Đây là những ưu đãi lớn của cơ quan hải quan đối với doanh nghiệp.
Những quy định tại Điều 10 Nghị định cho phép các khâu tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, phân luồng tờ khai hải quan điện tử được tự động hóa thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Như vậy, so với giai đoạn thí điểm, thủ tục hải quan điện tử sẽ được tự động hóa thêm 3 khâu là kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai.
             Trong thời gian thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử theo Thông tư 222, ba khâu nghiệp vụ là kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai được công chức hải quan thực hiện thủ công thông qua các nghiệp vụ “kiểm tra sơ bộ” và “kiểm tra phân luồng” nên phát sinh nhiều bất cập, có trường hợp bị lợi dụng bởi những mục đích cá nhân, dẫn đến một mặt không đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện thủ tục hành chính giữa cơ quan hải quan và người khai hải quan, mặt khác không đảm bảo “thủ tục hải quan điện tử” mà chỉ là “khai báo điện tử”. Qua quá trình kiểm tra, đánh giá và phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp thì đối với thủ tục hải quan điện tử, giai đoạn từ khi tiếp nhận thông tin khai hải quan đến khi kết thúc khâu phân luồng tờ khai thường bị kéo dài không đảm bảo theo Tuyên ngôn phục vụ khách hàng của ngành Hải quan.
             Vì vậy, để thủ tục hải quan điện tử được thực hiện theo đúng nghĩa tự động hóa, giảm tối đa sự can thiệp trực tiếp của công chức hải quan vào quy trình thủ tục, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan đối với mỗi lô hàng, cần thiết phải xây dựng thủ tục hải quan theo hướng tự động hóa các khâu tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai trên cơ sở thiết lập các tiêu chí rủi ro, đi đôi với việc tăng cường công tác phúc tập tờ khai nhằm kịp thời phát hiện những rủi ro, cảnh báo cho các khâu nghiệp vụ sau hoặc cập nhật thông tin rủi ro vào Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan phục vụ cho quản lý hải quan đối với doanh nghiệp.
               NĐ 87 về thủ tục hải quan điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.

(Theo website Hải quan Vietnam)

Năm 2014: triển khai VNACC / VCIS

Theo Tổng cục Hải quan (TCHQ), năm 2014, Hải quan Việt nam sẽ tiếp nhận và kết nối với Hệ thống thông quan điện tử tự động và một cửa quốc gia (VNACCS/VCIS) do Chính phủ Nhật Bản viện trợ. Đây là hệ thống phức tạp và hiện đại đang áp dụng tại quốc gia có hệ thống quản lý Hải quan tiên tiến là Nhật Bản, vì vậy, việc nâng cấp để sẵn sàng kết nối là mục tiêu mà CNTT Hải quan phải đạt bằng được.

Ông Nguyễn Trần Hiệu, Phó Cục trưởng Cục CNTT&Thống kê Hải quan cho biết: việc nâng cấp đồng bộ hướng tới hệ thống tập trung và phân bổ tài nguyên hợp lý là mục tiêu mà CNTT Hải quan phải hướng đến, song song là đẩy mạnh dịch vụ công điện tử lên mức độ 4, các dịch vụ công tại Cổng thông tin điện tử Hải quan đạt mức 3, và đến quý 4 năm 2013, 60% số thuế XNK thu được bằng phương thức điện tử.

(Theo website Hải quan vietnam). 

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

VNACCS/VCIS: 34 triệu USD cho Hệ thống thông quan điện tử theo công nghệ Nhật

- Khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 2,661 tỷ Yên (tương đương 34 triệu USD) của Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam vận hành được Hệ thống thông quan điện tử vào năm 2014.

Dự án có tên  “Xây dựng, triển khai hải quan điện tử và thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa hải quan tại Việt Nam” (gọi tắt là Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS), trong đó có 2 nội dung quan trọng nhất là Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (Viet Nam Automated Cargo Clearance System - VNACCS) và Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tình báo (VCIS) theo công nghệ của Hải quan Nhật Bản.

Dự án này được Chính phủ Nhật Bản quyết định viện trợ không hoàn lại , có giá trị 2,661 tỷ Yên. Đây là gói viện trợ về lĩnh vực đầu tư CNTT lớn nhất của ngành Hải quan Việt Nam.
Theo thiết kế, Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS sẽ được kết nối với các hệ thống CNTT khác của Hải quan Việt Nam như: thanh toán điện tử (e-payment), quản lý giá tính thuế (GTT), quản lý và theo dõi nợ thuế (KTT559), thống kê hải quan, quản lý nghiệp vụ hải quan (quản lý rủi ro)…
Với 3 cấu phần chính gồm xây dựng hệ thống phần mềm VNACCS/VCIS, trang bị phần cứng cho Trung tâm dữ liệu hải quan, tư vấn, hỗ trợ quản lí hải quan, Dự án VNACCS/VCIS sẽ được triển khai trong vòng 2 năm, từ tháng 4/2012 đến 3/2014.
Việc tích hợp Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS với nhiều hệ thống CNTT liên quan tới hoạt động hiện đại hóa hải quan sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2012 – 2015 như: Tiếp nhận khai hải quan điện tử (e-Declaration); Thông quan điện tử đối với tàu biển xuất nhập cảnh (e-Manifest); Thanh toán điện tử (e-Payment); Cấp, kiểm tra giấy phép, giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (e-C/O, e-License); Quản lý văn bản và điều hành qua mạng (e-Office)….
Đến giai đoạn 2016 – 2020, tại Việt Nam sẽ có thể hiện thực hóa khái niệm U-Customs, nghĩa là thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi thông qua mọi phương tiện. 

(Theo ICTnews) 

Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Quy trình khai báo vận chuyển bảo thuế trong VNACCS (Vnaccs.com)

Theo Tiểu Nhóm hàng hóa (Nhóm làm việc về VNACCS/VCIS), đối tượng áp dụng khai báo trong vận chuyển bảo thuế (OLC) gồm: Hàng hóa nước ngoài được vận chuyển giữa cảng mở; cảng hàng không (có hoạt động hải quan); cửa khẩu đường bộ quốc tế; ga đường sắt liên vận quốc tế; bưu điện quốc tế (các nơi có lưu giữ hàng hóa nước ngoài). Phạm vi áp dụng: Thương nhân XNK; đại lí thủ tục hải quan, DN giao nhận; DN kinh doanh dịch vụ kho, bãi, cảng; người vận chuyển quốc tế; ngân hàng và các tổ chức tín dụng; cơ quan Hải quan.

Để áp dụng các nội dung trên sẽ cần một số điều kiện nhất định như rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (từ Luật Hải quan đến các văn bản hướng dẫn). Việc sửa đổi, bổ sung nhằm mục đích: Bổ sung thêm các khái niệm “Hàng hóa nước ngoài”; “hàng hóa trong nước”; “cảng mở/cảng đóng”; “hệ thống bảo thuế/khu vực ngoại quan”; “vận chuyển bảo thuế”… Đưa ra quy định về địa điểm được phép lưu giữ hàng hóa nước ngoài là Hệ thống bảo thuế/khu vực thuế quan; quy định về cấp phép vận chuyển cho hàng hóa nước ngoài tại cơ quan Hải quan quản lí hàng hóa đi; quy định cấp phép vận chuyển và sản xuất đối với hàng hóa nước ngoài đưa vào nhà máy bảo thuế.
Ngoài ra, điều kiện để áp dụng quy trình khai báo OLC trong VNACCS cũng cần quy định về giám sát đối với hàng hóa XNK (quy định trách nhiệm của cơ quan dịch vụ cảng/kho/bãi…); quy định trường hợp nào phải nộp bảo lãnh hoặc nộp thuế ngay (đối với hàng hóa OLC). Đặc biệt, theo Tiểu Nhóm hàng hóa, chế tài xử lí các DN vi phạm cần được sửa theo hướng tăng nặng (nhằm mục đích chính là ngăn ngừa, răn đe).
Khai báo OLC có 3 quy trình gồm: Quy trình cơ bản (áp dụng cho khai báo và cấp phép OLC hàng hóa nước ngoài); quy trình kết hợp (giữa khai báo NK) và khai báo OLC; quy trình kết hợp (giữa khai báo XK) và khai báo OLC.
Một số quy trình nghiệp vụ được thực hiện trong quy trình khai báo OLC gồm: Đăng kí trước thông tin khai báo OLC (OLA); lấy ra thông tin đăng kí trước thông tin khai báo OLC (OLB); khai báo OLC đăng kí bởi nghiệp vụ OLA; đăng kí thông tin hoàn thành kiểm tra khai báo OLC (CET) - việc này chỉ cần thiết khi tờ khai OLC bị phân luồng Vàng hoặc Đỏ; phê duyệt sửa thông tin khai OLC (COT); lấy ra thông tin khai OLC đã sửa (COT 11); đăng kí khởi hành vận chuyển bảo thuế (BOA); đăng kí vận chuyển bảo thuế đến đích (BIA); lấy ra đăng kí vận chuyển bảo thuế đến đích (BIA 11); cho phép xem thông tin khai báo và thông tin phê duyệt OLC (ITF) - nghiệp vụ này giúp cán bộ Hải quan có thể tham gia chiều đến khai báo OLC chưa có đăng kí thông tin đến đích sau khoảng thời gian vận chuyển được phê duyệt.

(Theo HQOnline)

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

Điểm mới về quản lí vận chuyển hàng hóa XNK trong VNACCS

 Theo Tiểu Nhóm hàng hóa (Nhóm làm việc về VNACCS/VCIS), việc quản lí vận chuyển hàng hóa XNK trong VNACCS sẽ thực hiện theo quan điểm: Vấn đề liên quan đến thủ tục thực hiện theo hướng “gộp các quy trình hiện tại thành một quy trình nhằm đơn giản hóa, chuẩn hóa để áp dụng CNTT; thủ tục này cũng được thiết kế để hỗ trợ tối đa công tác giám sát, quản lí”.

Vấn đề về giám sát hàng hóa, sẽ đòi hỏi việc tăng cường trách nhiệm của các bên tham gia (người XNK, người vận chuyển, kinh doanh, dịch vụ kho, bãi…).

Các bên tham gia thực hiện việc quản lí theo yêu cầu của cơ quan Hải quan. Việc di chuyển, vận chuyển hàng hóa XNK phải được phép của cơ quan Hải quan và thực hiện theo đúng các thủ tục quy định. Hoạt động này sẽ được cơ quan Hải quan giám sát bằng hệ thống CNTT. Vấn đề quản lí được đẩy mạnh áp dụng CNTT trong tất cả các khâu và tất cả các bên tham gia (cơ quan Hải quan; người NK, người vận chuyển, người kinh doanh kho, bãi…).

Từ quan điểm trên sẽ dẫn đến phương thức quản lí mới (trong VNACCS) ở tất cả các khâu về thủ tục; giám sát và quản lí. Cụ thể, về thủ tục, thực hiện cấp phép vận chuyển bảo thuế (OLC) tại cơ quan Hải quan quản lí hàng hóa đi; việc di chuyển/vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực có chung một thủ tục khai báo OLC. Đối với NK (hàng hóa đưa vào kho của nhà máy gia công/SXXK/chế xuất) việc khai OLC được kết hợp với khai báo đưa vào sản xuất (khai IM) tại cơ quan Hải quan nơi đi hoặc khai OLC tại hải quan nơi đi, khai IM tại hải quan nơi quản lí nhà máy; đối với hàng XK sẽ có thủ tục khai XK kết hợp với khai OLC.

Về lĩnh vực giám sát: Nguyên tắc của vấn đề này thực hiện theo 3 nội dung: (1) - DN vận chuyển tự quản lí; (2) - cơ quan Hải quan kiểm tra rồi giao cho DN vận chuyển tự quản lí; (3) - cơ quan Hải quan kiểm tra, giám sát đến khi hàng đến đích. Yêu cầu trong quy trình này là “khai báo thời gian đi, đến (dự kiến) của hàng hóa khi khai OLC; khai báo hàng hóa đã khởi hành (khai BOA); khai báo hàng hóa được vận chuyển đến đích (BIA)”.

Công tác quản lí: Có sự tham giá của các bên vào Hệ thống để báo cáo, phản hồi…; áp dụng quản lí rủi ro trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN, rủi ro của mặt hàng…; áp dụng cơ chế bảo lãnh (thuế) khi thấy cần thiết và tương đương số tiền thuế phải nộp; hàng hóa được cấp OLC nhưng không đến đích đúng thời gian được duyệt thì các lô hàng sau (của DN đó) phải nộp thuế ngay.

(Theo HQOnline)

VNACCS: Nhiều ưu việt trong quản lí phương tiện vận tảivận tải

Theo Tiểu nhóm phương tiệân vận tải (Nhóm làm việc về VNACCS/VCIS), khi thực hiện Hệ thống thông quan tự động (VNACCS) việc quản lí phương tiện vận tải XNC sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với hiện tại.

Hiện nay, phạm vi quản lí đối với phương tiện vận tải ở nước ta nằm ở 4 loại hình khác nhau gồm: Đường biển, đường không, đường sắt, đường bộ. Việc quản lí (cả 4 loại hình trên) dựa theo 3 nhóm nội dung là: Các chứng từ khai báo; đối tượng khai báo; cơ quan tham gia. Tùy vào đặc điểm loại hình mà có sự khác nhau về nội dung chi tiết của từng nhóm nội dung này.

Theo Tiểu nhóm phương tiệân vận tải, việc thực hiện quản lí hiện nay đang bộc lộ những hạn chế, nhược điểm nhất định do phương thức khai báo (thủ công) và việc tận dụng, xử lí thông tin khai báo về phương tiện vận tải phục vụ công tác nghiệp vụ chưa thực sự hiệu quả. Một số nhược điểm cụ thể được đề cập trong Hội nghị giới thiệu VNACCS/VCIS (tháng 3 vừa qua), đó là tính liên kết giữa các cơ quan thuộc Chính phủ còn thấp; thủ tục thực hiện rời rạc, thiếu tính liên kết, thực hiện tương đối độc lập; khả năng hỗ trợ giữa các cơ quan để thực hiện thủ tục thông quan cho phương tiện còn yếu; dư thừa, chồng chéo về yêu cầu chứng từ trong hồ sơ…

Nhưng khi thực hiện VNACCS, với phương thức khai báo, quy trình xử lí được tự động hóa cao, dẫn đến chứng từ khai báo chuẩn hóa. Theo Tiểu nhóm phương tiện vận tải, các ưu điểm này gồm: Thủ tục hành chính được liên kết thành một hệ thống nhất; việc trao đổi thông tin và hỗ trợ giữa các cơ quan thuộc Chính phủ được tăng cường; tính chính xác, tin cậy và kịp thời của thông tin được nâng cao, loại bỏ được những dư thừa về thông tin, chứng từ; giảm thời gian thực hiện, qua đó giảm chi phí cho DN; thông tin tiếp nhận 1 lần qua phương tiện điện tử và được tự động chia sẻ cho các bên liên quan

Để tạo sự thay đổi như đề cập ở trên (trong VNACCS), Tiểu nhóm phương tiện vận tải đề xuất một số sửa đổi trong Luật Hải quan. Đó là, phân định rõ thủ tục hải quan với phương tiện vận tải kinh doanh thương mại và phương tiện không kinh doanh thương mại; quy định chi tiết (cụ thể về thủ tục hải quan; hồ sơ hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan với từng loại hình phương tiện…) đối với từng phương tiện vận tải như tàu biển, máy bay…

Các vấn đề trên hiện được quy định cụ thể tại một số điều của Luật Hải quan như: Điều 18 - “Thời hạn khai hải quan”; Điều 22 - “Hồ sơ hải quan”; Điều 25 - “Thông quan đối với phương tiện vận tải”, do đó Tiểu nhóm phương tiện vận tải đề xuất thay đổi cụ thể đối với các điều vừa nêu trong Luật Hải quan. Ngoài ra, Luật Hải quan (sửa đổi) cũng cần quy định rõ trách nhiệm của hãng vận tải hoặc đại lí khi làm thủ tục đối với phương tiện vận tải.

(Theo HQOnline)

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Chuyện quê


1. Giãn việc, đội sản xuất xóm Đoài họp.
Đội trưởng phát biểu:
-. . . . Quán triệt nghị quyết của chi bộ Đảng xóm, phát huy tinh thần làm chủ tập thể bà con xã viên ta đã bắt đầu vụ mùa tất cả các mặt đều tốt.
Đứng về phía các cụ, mặt phân, mặt tro.
Đứng về phía các bác, mặt cày, mặt bừa.
Đứng về phía đoàn thanh niên, mặt giống, mặt má.
Đứng về phía các cháu thiếu nhi, mặt trâu, mặt bò.
Đứng về phía hội phụ nữ, mặt đặt vòng, mặt tránh thai.
Đè nghị bà con vỗ tay. 


2. Hội phụ nữ đến vận động chị Mười kế hoạch hoá gia đình. Chị sụt sùi:
- Em biết đông con nghèo, đói, vất vả. Nhưng em thà chịu vậy chứ nhất quyết không đặt vòng. Có hạt nép, hạt mẩy nào cứ để nhà em xạ xuống ruộng nhà mình còn hơn để chồng em đi xạ xuống ruộng nhà khác. Nhà em bảo rồi với người đặt vòng thì cũng giống như đóng đinh vào gỗ lim, chỉ cong đinh thôi chứ chẳng vui thú gì.

(St)

NACCS - Chìa khóa thành công của Hải quan Nhật Bản

Hiện nay khoảng 98% trong tổng số hàng chục triệu tờ khai hải quan mỗi năm ở Nhật Bản được xử lí qua Hệ thống NACCS.

NACCS (Nippon Automated Cargo and Port Consolidated System - Hệ thống tự động tích hợp hàng hóa và cảng Nhật Bản; gọi tắt là Hệ thống NACCS) được xem là chìa khóa cho sự thành công trong việc quản lí hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế của Hải quan xứ sở hoa anh đào. Đây cũng được xem là một trong những Hệ thống thông quan hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Chìa khóa thành công
Theo ông Hiroki Sakurai chuyên gia đến từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, với số lượng tờ khai hải quan tại Nhật Bản trung bình hàng năm từ 30 đến 40 triệu bộ, trong khi Hải quan Nhật Bản chỉ có khoảng 9.000 cán bộ nhân viên, nếu không có Hệ thống NACCS thì sẽ không thể nào đáp ứng được yêu cầu quản lí và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Hiện nay, có tới 98% lượng tờ khai XNK tại Nhật được xử lí qua Hệ thống NACCS. Và NACCS có thể xử lí tờ khai thông thường chỉ trong 1 giây - ông Sakurai chia sẻ
NACCS được áp dụng rộng rãi đối với tất cả loại hình vận tải quốc tế ở Nhật bản, và với đặc thù là quốc đảo không có đường bộ tiếp giáp với các quốc gia khác, nên 2 loại hình vận tải quốc tế của nước bạn là đường biển và hàng không.

Đối với hàng hóa vận tải qua đường không, NACCS kết nối và xử lí thông tin với tất cả các thành phần liên quan như công ty hàng không; đại lí vận tải hàng không; đơn vị cung cấp thực phẩm; những người khai thuê hải quan; các nhà XNK; ngân hàng… Tương tự với loại hình hàng hóa vận tải đường biển NACCS kết nối, xử lí thông tin của công ty tàu biển, đại lí hãng tàu, người khai thuê tàu biển, nhà XNK, ngân hàng… Tất cả quy trình này đều được thực hiện bằng phương thức điện tử (tự động).

NACCS cũng được xây dựng các tiêu chí đánh giá rủi ro, do đó Hệ thống sẽ tự động phân luồng tờ khai (theo luồng Xanh, Vàng, Đỏ). Đồng thời có tiêu chí kiểm tra hình thức tờ khai nên cán bộ hải quan không phải thực hiện công đoạn này, kể cả việc tính toán số tiền thuế phải nộp (của từng tờ khai).

Theo ông Sakurai, ở Nhật Bản, có khoảng 2/3 số tờ khai được Hệ thống phân luồng Xanh, nên cán bộ hải quan có nhiều thời gian để tập trung vào tờ khai nghi vấn ở các luồng khác (Vàng và Đỏ). Ngoài ra, ở Nhât, thông tin tình báo hải quan cũng được sử dụng rất hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan.

Quy trình tự động
Như đã đề cập ở trên, hầu hết quy trình tiếp nhận, xử lí tờ khai hải quan ở Nhật Bản được thực hiện tự động qua Hệ thống NACCS.

Cụ thể, đối với hàng NK sẽ có 7 bước cơ bản gồm:

Bước 1: đơn vị NK nhập dữ liệu tờ khai (theo yêu cầu của Hệ thống); 

Bước 2: Hệ thống tự động kiểm tra dựa trên dữ liệu được người khai chuyển đến; 

Bước 3: nếu tờ khai đạt yêu cầu sẽ được Hệ thống tự động trả lại kèm số tờ khai do NACCS ấn định, nếu chưa đạt yêu cầu Hệ thống sẽ yêu cầu người khai điều chỉnh. Trong quá trình này Hệ thống cũng tự động tính toán số tiền thuế phải nộp cho tờ khai dựa trên dữ liệu (về trị giá khai báo, mã HS, xuất xứ…) và chuyển trở lại thông tin này cho người khai;

Bước 4: sau khi kiểm tra tất cả nội dung tờ khai (được NACCS chuyển lại) người khai sẽ gửi số tờ khai đến NACCS; 

Bước 5: dựa trên các tiêu chí đánh giá rủi ro, NACCS sẽ phân luồng tờ khai thành luồng Xanh, Vàng, hay Đỏ mà không cần thao tác nào của cán bộ hải quan;

Bước 6: sẽ có 2 trường hợp xảy ra: Thứ nhất trường hợp tờ khai được phân luồng Xanh, NACCS sẽ gửi giấy chấp nhận (giấy phép) được NK đến người NK; thứ hai, trường hợp tờ khai phân vào luồng Vàng/Đỏ, NACCS sẽ gửi ngay tờ khai đến cán bộ hải quan kèm các lí do, dấu hiệu nghi vấn đề cán bộ hải quan kiểm tra. Các dấu hiệu được gửi kèm như DN từng có gian lận trong NK, trị giá khai báo thấp (bất thường so với thực tế), hàng hóa cần giấy phép của cơ quan chức năng…;

Bước 7: sau khi tiếp nhận các tờ khai (luồng Vàng/ Đỏ) từ Hệ thống chuyển đến, cán bộ hải quan sẽ truy cập vào cơ sở dữ liệu thông tin tình báo (CIS) để nắm các thông tin chi tiết liên quan (đến tờ khai, chủ hàng…) để quyết định các bước xử lí tiếp theo (ví dụ như có phải kiểm tra thực tế hàng hóa hay không).

Theo một cán bộ Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan, quy trình xử lí của NACCS đối với tờ khai XK cơ bản cũng tương tự các bước như đối với tờ khai NK nêu trên, sự khác biệt là nội dung xử lí chi tiết trong từng bước.

(Theo HQOnline)

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

VNACCS: Linh hoạt trong thanh toán thuế

Việc tạo thuận lợi cho người dân, DN trong thực hiện nghĩa vụ thuế đang được cơ quan Hải quan đẩy mạnh thông qua việc phối hợp thu ngân sách với Kho bạc, Ngân hàng và phương thức thanh toán thuế bằng hình thức điện tử qua ngân hàng thương mại…

Tiếp nối chủ trương này, trong Hệ thống thông quan điện tử (VNACCS) sẽ có các phần mềm ứng dụng phục vụ việc thanh toán thuế một cách linh hoạt hơn nữa để phục vụ cộng đồng.
Theo Tiểu nhóm thanh toán (Nhóm làm việc về VNACCS/VCIS) khi VNACCS được đưa vào vận hành, hình thức thanh toán thuế sẽ rất linh hoạt thông qua việc lựa chọn hình thức nộp tiền mặt hoặc thanh toán bằng chuyển khoản. Theo đó, DN có thể nộp tiền mặt tại cơ quan Hải quan, hoặc tại Kho bạc Nhà nước, hoặc tại ngân hàng thương mại và đề nghị Ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản Kho bạc. Ngoài ra, người nộp thuế có thể đề nghị ngân hàng trích tiền từ tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản Kho bạc; thực hiện thanh toán thông qua tài khoản chuyên dụng.
Đặc biệt, việc thanh toán thuế qua tài khoản chuyên dụng được xem là giải pháp mới để giúp cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước của DN được đảm bảo. Theo dự thảo của Tiểu nhóm thanh toán, để sử dụng tài khoản chuyên dụng DN, cơ quan Hải quan và Ngân hàng sẽ phải kí kết thỏa thuận về đăng kí sử dụng tài khoản tại ngân hàng chỉ sử dụng cho việc thanh toán thuế (cho cơ quan Hải quan) và cơ quan Hải quan được trích tiền từ tài khoản này.
Khi thực hiện, DN khai báo hải quan sẽ đồng thời thông báo về số hiệu của tài khoản thanh toán thuế (chuyên dụng); trước khi thông quan hàng hóa, trong trường hợp tờ khai phải nộp thuế ngay cơ quan Hải quan sẽ thông báo cho ngân hàng về việc trích tiền từ tài khoản chuyên dụng (để nộp thuế). Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này (sử dụng tài khoản chuyên dụng) Tổng cục Hải quan sẽ phải báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính xem xét, quyết định.
Về vấn đề bảo lãnh thuế, việc bảo lãnh thuế được thực hiện theo 2 hình thức là bảo lãnh riêng (bảo lãnh chậm nộp thuế cho từng lô hàng cụ thể); bảo lãnh chung (bảo lãnh chậm nộp thuế theo giai đoạn và theo hạn mức số tiền). Theo Tiểu nhóm thanh toán, hiện nay cả Việt Nam và Nhật Bản đều tồn tại song song cả 2 hình thức bảo lãnh này. Tuy nhiên, điểm khác biệt duy nhất là tại Nhật Bản thực hiện bảo lãnh chung có phục hồi số tiền, còn tại Việt Nam thì không.
(HQOnline)

Lấy ý kiến khai báo hải quan trong VNACCS

Sáng nay 2-7, tại tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về các biểu mẫu, chỉ tiêu thông tin về khai báo xuất nhập khẩu (XNK) và khai báo vận chuyển bảo thuế (OLC) trong Hệ thống thông quan tự động (VNACCS)”.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện một số Cục Hải quan địa phương lớn đang triển khai thủ tục hải quan điện tử, các vụ, cục thuộc Tổng cục Hải quan và một số doanh nghiệp (DN) XNK lớn như: Samsung Electronics Việt Nam, Intel Products Việt Nam, Tổng công ty CP may 10…
Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa, Tổng cục Hải quan, đại diện Ban triển khai Dự án VNACCS cho biết, việc tổ chức Hội thảo nhằm thu nhận ý kiến của các đơn vị hải quan địa phương và giới DN để hoàn thiện các chỉ tiêu về khai báo XNK, khai báo OLC trong VNACCS.

Sau Hội thảo, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện chỉ tiêu liên quan đến các nội dung trên để chuyển cho Hải quan Nhật Bản xây dựng phần mềm công nghệ thông tin phục vụ việc thực hiện VNACCS sau này (dự kiến vào đầu năm 2014 – PV).

Theo đại diện Nhóm thông quan (Ban triển khai Dự án VNACCS) các tiêu chí về tờ khai, quy trình khai báo XNK, khai báo OLC trong VNACCS sẽ có nhiều điểm khác biệt so với hiện nay. Do đó, Hội thảo vừa nhằm mục đích thu nhận ý kiến của đại biểu trong và ngoài Ngành vừa là dịp để các đơn vị hải quan địa phương và DN tiếp cận, làm quen với biểu mẫu, chỉ tiêu thông tin và quy trình nghiệp vụ khai báo… trong VNACCS để chủ động thực hiện khi Hệ thống quan hiện đại này được triển khai.

Theo thiết kế chi tiết của Nhóm thông quan, đối với tờ khai nhập khẩu có 129 chỉ tiêu khác nhau; đối với tờ khai xuất khẩu có 102 chỉ tiêu; khai báo OLC có 77 chỉ tiêu.
Theo kế hoạch, Hội thảo kéo dài đến hết ngày 4-7.

(Theo HQOnline)

Công ty Nhật Bản làm tư vấn cho Dự án VNACCS/VCIS

Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan và đơn vị tư vấn được lựa chọn, thương thảo, hoàn chỉnh dự thảo hợp đồng để JICA thẩm định, phê duyệt đảm bảo các quy định của nhà tài trợ và thỏa thuận đã kí giữa Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản.

Từ kết quả thẩm định của JICA, Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan hoàn thiện và kí kết hợp đồng với đơn vị tư vấn được lựa chọn.
Trước đó, ngày 22-3, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki đã kí kết và trao đổi Công hàm viện trợ không hoàn lại cho Dự án “Xây dựng, triển khai hải quan điện tử và thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa hải quan” giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản (gọi tắt là Dự án VNACCS/VCIS).

Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Monotori Tsuno đã kí kết Hiệp định viện trợ không hoàn lại cho Dự án VNACCS/VCIS. Tổng số tiền viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho Dự án này là 2,661 tỉ Yên.

(Theo HQ đồng tháp)

TABMIS-ITAX-VNACCS: Bức tranh ngân sách toàn diện

Việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thu, chi, lập dự toán ngân sách Nhà nước là một trong những nhiệm vụ mà Bộ Tài chính đang tập trung triển khai. Bên lề Vietnam Finance 2012, ông Đặng Đức Mai - Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

Khoa học công nghệ có vai trò rất quan trọng để phát triển bền vững tài khóa, vậy theo ông, Việt Nam sẽ phải tập trung vào nội dung nào để có thể phát huy hiệu quả của công nghệ?
Để phục vụ cho việc tăng cường bền vững tài khóa và xây dựng khuôn khổ chi tiêu trung hạn, Bộ Tài chính đang tập trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý ngân sách Nhà nước.
Như trong hội thảo Vietnam Finance 2012, chúng tôi đã tổ chức riêng một chuyên đề để các chuyên gia tập trung bàn các giải pháp về công nghệ phục vụ cho việc tăng cường bền vững tài khóa mà cụ thể là việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thu, chi ngân sách, xây dựng hệ thống dự báo, những hệ thống thông tin thống kê và xây dựng mô hình Hệ thống Thông tin Quản lý tài chính công quốc gia (GFMIS). Tất cả những công cụ đó sẽ hỗ trợ cho các cơ quan lập ngân sách có thể có được 1 bức tranh tổng thể hơn, có được số liệu nhiều năm hơn để phục vụ cho việc lập kế hoạch ngân sách Nhà nước.

Ông vừa nhắc đến công tác dự báo. Vậy, khoa học công nghệ đóng góp cụ thể như thế nào cho công tác này?
Chúng tôi đang có kế hoạch đưa 1 công cụ về thống kê rất hữu ích là SPSS (Statistical Package for the Social Sciences - một sản phẩm phần mềm chuyên ngành thống kê) vào hệ thống cơ sở dữ liệu. Với công cụ này, từ số liệu, qua những công thức có sẵn, hệ thống sẽ đưa ra những dự báo mang tính lý thuyết.
Ở Việt Nam, công tác dự báo phụ thuộc nhiều vào kiến thức chuyên gia. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của hệ thống, các chuyên gia về lập ngân sách có thể dựa vào đó đưa ra những dự báo chính xác hơn.

Qua sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế, mô hình quản lý thu, chi, lập dự toán ngân sách của nước nào sẽ phù hợp với Việt Nam, thưa ông?

Hiện nay, các công cụ về thống kê đã được chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế.
Ví dụ, hiện nay, dựa trên GFMIS, chúng tôi đã triển khai TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và GFS (Hệ thống Thống kê tài chính Chính phủ của quốc tế) cũng đã được áp dụng ở Việt Nam với việc sửa đổi những mục lục ngân sách theo đúng những đoạn mã của phân loại quốc tế và những công cụ SPSS để thống kê nhưng công thức trong dự báo cũng theo chuẩn quốc tế nói chung, phù hợp với thông lệ của nhiều nước chứ không cụ thể của nước nào.

Theo ông, sự đầu tư của Việt Nam trong việc đưa CNTT vào công tác lập ngân sách đang ở thời điểm nào?
Thực sự, việc đầu tư mới đang ở bước đầu, kể cả việc xây dựng hệ thống thống kê dự báo phục vụ lập ngân sách trung hạn.
Hiện nay, việc lập ngân sách của chúng ta vẫn được làm thủ công, chỉ có việc chấp hành ngân sách sau khi được Quốc hội phê duyệt là được đưa vào hệ thống TABMIS và triển khai trên toàn quốc.
Việc lập ngân sách trung hạn mới được thí điểm và mục tiêu của Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế là sẽ áp dụng 1 công cụ lập ngân sách với sự trợ giúp của hệ thống máy tính.
Các cơ quan quản lý vẫn đang tiến hành nghiên cứu về thể chế cho việc áp dụng công cụ này. 

Vậy, ông đánh giá việc triển khai ứng dụng CNTT nói chung của Bộ Tài chính đang ở mức độ nào?
Để dánh giá về mức độ trưởng thành trong việc phát triển công nghệ, quốc tế chia thành 5 mức với những tiêu chuẩn rất khắt khe. Nếu dựa trên những tiêu chuẩn đó, Việt Nam chỉ đạt mức 2.
Nếu xét trên phương diện CNTT đáp ứng nhu cầu hoạt động và đánh giá theo 3 mức được nêu trong câu hỏi thì Bộ Tài chính đang ở mức khá.
Nhưng nếu so sánh giữa các bộ, ngành với nhau thì Bộ Tài chính phải ở mức tốt vì đến 90% số lượng ứng dụng, số lượng nghiệp vụ công cụ, môi trường phục vụ cho cán bộ ngành Tài chính cũng như các ứng dụng phục vụ doanh nghiệp, người dân  được tin học hóa.
Bên cạnh đó, mức độ đầu tư cho lĩnh vực này của Bộ Tài chính cao hơn và liên tục trong nhiều năm so với các cơ quan khác (trừ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có mức độ tương đương).

Gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao những cải cách trong lĩnh vực thủ tục hành chính thuế, hải quan. Thời gian tới, với những mục tiêu hiện đại hóa về CNTT mà Bộ Tài chính đã đề ra thì lĩnh vực thuế, hải quan sẽ được đầu tư như thế nào về mặt công nghệ?
Thuế và Hải quan là hai lĩnh vực được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm trong vấn đề đầu tư công nghệ cũng như cải cách thể chế.
Đầu tiên, việc xây dựng TABMIS - hệ thống kế toán của Chính phủ - đã thiết lập ra 1 hệ thống sổ cái, cốt lõi, quản lý tất cả giao dịch thu, chi ngân sách theo mô hình tập trung tại trung ương.
Trong thực tế, Thuế và Hải quan là những hệ thống thông tin phục vụ cho hiện đại hóa về thu ngân sách, sẽ được xây dựng thành những hệ thống nằm ở vòng ngoài để đưa thông tin từ thuế, hải quan vào TABMIS.
Và mục tiêu của Bộ Tài chính là sẽ đưa tất cả những hệ thống của Bộ theo chuẩn mực quốc tế.
Tới đây, ngành Thuế sẽ triển khai dự án ITAX do Ngân hàng Thế giới tài trợ nhằm vận dung mô hình quốc tế để hiện đại hóa thu ngân sách, cùng với đó là dự án VNACCS của ngành Hải quan với sự hỗ trợ của Nhật Bản đang trong giai đoạn cải cách thể chế để áp dụng mô hình. TABMIS - ITAX - VNACCS sẽ tạo thành 1 bức tranh thu chi ngân sách tương đối toàn diện.

Thưa ông, sự liên thông giữa các hệ thống Kho bạc, Thuế, Hải quan sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Song, thực tế, trong quá trình triển khai, hiện tượng nghẽn đường truyền vẫn còn. Bộ Tài chính sẽ khắc phục như thế nào?
Hệ thống thông tin kết nối giữa Kho bạc- Thuế- Hải quan tích hợp với nhau dựa trên hệ thống mạng của dự án về hiện đại hóa thu ngân sách. Thực tế triển khai, chúng tôi cũng nhận được phản ánh từ một số doanh nghiệp và các đơn vị về vấn đề về nghẽn đường truyền cũng như là lỗi trong phần mềm. Đây là 1 điều khó tránh khỏi khi triển khai 1 hệ thống hiện đại hóa lớn như của ngành Tài chính.
Hệ thống hạ tầng truyền thông của ngành Tài chính đã được thiết lập từ năm 1999, đến 2005 được nâng cấp một lần nữa, cho đến nay, với tốc độ tăng trưởng của các giao dịch, mạng cũng trở nên “chật” hơn.
Chính vì thế, Bộ Tài chính đã ký hợp đồng nâng cấp toàn bộ hệ thống đường truyền lên với băng thông cao hơn. Dự kiến, đầu tháng 10-2012, toàn bộ hệ thống băng thông của Bộ Tài chính sẽ được nâng lên với dung lượng gấp 2-3 lần hiện nay. Riêng với nhu cầu hiện đại hóa của Hải quan, đòi hỏi đường truyền cao hơn nữa thì qua thực tiễn sử dụng, nhu cầu đến đâu sẽ được tăng đến đấy.
Chúng tôi hi vọng với kế hoạch nâng cấp băng thông này, thời gian tới, doanh nghiệp và người dân sẽ có được chất lượng phục vụ tốt hơn.

(Theo HQOnline)

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Lưu ý về hàng hóa trong Hợp đồng mua bán quốc tế.

Trong mua bán hàng hóa quốc tế, mỗi một loại sản phẩm đều có tên gọi riêng, có chất lượng xác định với một số lượng nhất định. Mua bán hàng hóa quốc tế khác với việc mua bán ở siêu thị hay cửa hàng... Trong mua bán hàng hóa quốc tế, mỗi một loại sản phẩm đều có tên gọi riêng, có chất lượng xác định với một số lượng nhất định. Mua bán hàng hóa quốc tế khác với việc mua bán ở siêu thị hay cửa hàng.
 
Hàng hóa trong mua bán quốc tế thường với số lượng lớn và phải thông qua một quá trình vận chuyển. Do vậy, hàng hóa cần phải được đóng gói theo đúng quy cách để bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển. Thế nên trong khi đàm phán, ký kết hợp đồng những vấn đề liên quan đến tên gọi, chất lượng, quy cách đóng gói và vấn đề kiểm định chất lượng hàng hóa không thể bỏ qua và phải được các bên qui định chi tiết và cụ thể.

1. Tên của hàng hóa:

Khi xây dựng điều khoản tên hàng, tùy từng trường hợp các bên có thể liệt kê ra tên hàng hoặc đưa ra tên hàng kèm theo các đặc điểm về mẫu mã, đẳng cấp, loại, thương hiệu… Dù đặt tên hàng như thế nào, các bên cần lưu ý các qui tắc sau:

- Tên hàng phải được biểu đạt rõ ràng, cụ thể.

- Miêu tả về hàng hóa phải có khả năng thực hiện được trên thực tế, tránh sử dụng những câu từ xáo rỗng, không thể thực hiện được.

- Tên hàng cần phù hợp với tên gọi quốc tế, tránh sử dụng tên địa phương của hàng hóa.

- Cần lưu ý đến việc đặt tên hàng làm sao có lợi cho mình trong việc tính thuế nhập khẩu hoặc xuất khẩu và cước phí vận chuyển. Bởi vì thực tế, cùng một loại hàng hóa nhưng có tên gọi khác nhau với mã số HS khác nhau sẽ có mức thuế suất xuất khẩu hoặc nhập khẩu khác nhau và có thể sẽ được áp dụng mức cước phí vận chuyển khác nhau.

2. Chất lượng hàng hóa:

Thực tiễn cho thấy, các bên thường sử dụng hàng mẫu, thuyết minh hàng hóa (sách giới thiệu, mô hình…) để xác định chất lượng hàng hóa, cũng có thể các bên sử dụng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu để làm tiêu chí chất lượng của hàng hóa. Tuy nhiên, nếu các tiêu chí này không được ghi nhận cụ thể trong điều khoản chất lượng hàng hóa, vướng mắc rất dễ xảy ra.
Theo kinh nghiệm, điều khoản về chất lượng hàng hóa cần được xây dựng như sau:

- Điều khoản chất lượng cần rõ ràng, chính xác, cụ thể, không được dùng các câu, từ mơ hồ, đa nghĩa hoặc vô nghĩa.

- Cần trích hoặc dẫn chiếu cụ thể qui định của nước nhập khẩu áp dụng cho điều khoản chất lượng hàng hóa. Điều này rất có lợi cho bên xuất khẩu, để bên xuất khẩu có thể nắm được tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu đối với hàng hóa liên quan, đồng thời giới hạn trách nhiệm bảo đảm chất lượng của mình trong tiêu chuẩn này, nếu tiêu chuẩn luật định liên quan có bị thay đổi hoặc không còn hiệu lực thì bên nhập khẩu không có quyền từ chối nhận hàng.

- Bên xuất khẩu cần đàm phán để có được quy định mềm dẻo trong điều khoản chất lượng, ví dụ một số cách quy định như sau:
  • Chất lượng của hàng giao tương đương hoặc gần như hàng mẫu: Quy định này có thể giúp cho bên xuất khẩu tránh được trách nhiệm khi hàng giao có chất lượng khác với hàng mẫu một chút.
  • Sai s�� chất lượng cho phép: Tùy từng loại hàng hóa các bên có thể thỏa thuận mức sai số. Tất cả các hàng hóa thuộc phạm vi sai số chất lượng, bên nhập khẩu không được từ chối nhận hoặc yêu cầu điều chỉnh giá.
3. Số lượng hàng hóa:

Bất kỳ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nào cũng đều phải xác định rõ số lượng hàng hóa được mua bán. Do vậy, điều khoản về số lượng cần được:

- Xác định cụ thể, rõ ràng theo đơn vị đo lường quốc tế, không nên sử dụng các từ ngữ có tính co giãn như “khoảng, gần như, trên dưới...” mà không có một con số hoặc tỷ lệ kèm theo.

- Đối với một số hàng hóa có độ tiêu hao nhất định trong quá trình vận chuyển, cần có thỏa thuận về độ co giãn của số lượng. Độ co giãn nên ở mức hợp lý và thường sử dụng tỷ lệ %. Quy định này sẽ có lợi cho bên bán nhưng cũng không quá thiệt thòi cho bên mua, nếu tỷ lệ co giãn ở mức hợp lý.

4. Quy cách đóng gói:

Hàng hóa thường được đóng gói trong bao bì gồm hai loại bao bì là bao bì vận chuyển và bao bì lưu thông (bao bì tiêu thụ). Bao bì không chỉ được sử dụng để bảo vệ hàng hóa trong quá trình vận chuyển, mà trong nhiều trường hợp (đặc biệt đối với bao bì lưu thông) còn là sự bắt buộc của pháp luật.

Do vậy, trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế các bên cần thỏa thuận cụ thể về đóng gói bao bì.
Theo kinh nghiệm, điều khoản đóng gói cần có những nội dung chủ yếu sau:

- Đặc tính vật lý và hóa học của bao bì:
Đặc tính vật lý và hóa học của bao bì phụ thuộc vào đặc tính của hàng hóa và phương thức vận chuyển. Do vậy các bên cần căn cứ vào đặc tính của từng loại hàng hóa và phương thức vận chuyển để lựa chọn được loại bao bì phù hợp, bảo đảm tính khoa học, hợp lý, đạt tiêu chí an toàn, thuận tiện và tiết kiệm.

- Quy cách của bao bì:
Quy cách của bao bì cần phải quy định rõ ràng, cụ thể. Đối với những bao bì cần phải tuân thủ quy cách theo qui định của luật nước nhập khẩu thì cần phải trích dẫn hoặc dẫn chiếu quy định cụ thể có liên quan.

- Chi phí bao bì:
Ai sẽ chịu chi phí bao bì, các bên cần phải làm rõ, có ba cách thức phổ biến như sau:
  • Bên bán, bằng chi phí của mình, cung cấp bao bì và bao bì liền cùng hàng hóa giao cho bên mua (áp dụng chủ yếu đối với bao bì lưu thông).
  • Bên bán, bằng chi phí của mình, cung cấp bao bì và sau khi giao hàng bên bán thu lại bao bì (áp đối với bao bì vận chuyển). Trong trường hợp này cần thỏa thuận cụ thể chi phí trả bao bì, vận chuyển bao bì về bên bán do ai chịu.
  • Bên mua, bằng chi phí của mình, cung cấp bao bì hoặc vật liệu làm bao bì. Khi sử dụng phương án này cần qui định rõ thời hạn cung cấp bao bì/vật liệu bao bì, trách nhiệm do không cung cấp bao bì/vật liệu bao bì đúng hạn.
5. Kiểm định (kiểm nghiệm) hàng hóa:

Việc các bên qui định cụ thể về chất lượng và số lượng hàng hóa là cần thiết và bắt buộc để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Tuy nhiên, làm thể nào để xác định hàng hóa phù hợp với chất lượng và số lượng được mô tả trong hợp đồng, các bên cần phải có cơ chế kiểm định hàng hóa. Thỏa thuận về kiểm định hàng hóa cần phù hợp với luật áp dụng.
Về cơ bản, điều khoản kiểm nghiệm hàng hóa có các nội dung chính sau:

- Thời gian và địa điểm kiểm nghiệm:
Các bên cần phải xác định rõ thời gian và địa điểm kiểm nghiệm cụ thể, rõ ràng, tránh việc mơ hồ. Đặc biệt khi xử lý mối quan hệ giữa thời gian và địa điểm kiểm nghiệm với thời gian và địa điểm chuyển giao hàng và rủi ro. Phải chăng sau khi hàng được giao cho bên mua thì bên mua sẽ mất quyền kiểm nghiệm? Các bên cần làm rõ.

Ngoài ra, các bên cần phải xem xét đến yếu tố đóng gói bao bì, liệu sau khi hàng hóa đã được đóng gói và đưa đến cảng bốc xếp thì việc tiến hành kiểm nghiệm ở cảng bốc xếp có đạt được hiệu quả kinh tế? Cuối cùng các bên cần lưu tâm đến luật nước nhập khẩu qui định như thế nào về thời gian và địa điểm kiểm nghiệm.

- Tổ chức kiểm nghiệm:
Các bên cần xác định cụ thể tổ chức có thẩm quyền tiến hành kiểm nghiệm và ban hành giấy chứng nhận kiểm nghiệm.

- Giấy chứng nhận kiểm nghiệm:
Các bên cần qui định cụ thể giá trị hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm nghiệm, liệu giấy chứng nhận kiểm nghiệm có giá trị chung thẩm hay có thể bị tái kiểm nghiệm bởi tổ chức kiểm nghiệm khác?

- Chi phí kiểm nghiệm:
Ai gánh chịu chi phí kiểm nghiệm cũng cần phải được qui định rõ ràng trong hợp đồng.

Liên quan đến thời gian, địa điểm kiểm nghiệm và hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm nghiệm, kinh nghiệm cho thấy các bên thường áp dụng một trong những cách thức chủ yếu sau:

- Kiểm nghiệm ở nước xuất khẩu:
Đây là một phương thức được bên xuất khẩu ưu tiên áp dụng vì có lợi cho họ. Theo phương thức này các bên có thể thỏa thuận: Hàng hóa được kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận kiểm nghiệm trước khi hàng hóa được bốc xếp lên tàu tại cảng bốc xếp. Giấy chứng nhận kiểm nghiệm có hiệu lực chung thẩm. Bên mua không có quyền yêu cầu tái kiểm nghiệm.

- Kiểm nghiệm ở nước xuất khẩu, tái kiểm nghiệm ở nước nhập khẩu:
Đây là quy định cân bằng lợi ích của hai bên. Tức là hàng hóa được kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận kiểm nghiệm trước khi hàng hóa được bốc xếp lên tàu tại cảng bốc xếp. Giấy chứng nhận kiểm nghiệm được sử dụng làm căn cứ để tiến hành thủ tục thanh toán với ngân hàng. Sau khi hàng đến cảng đích, bên mua có quyền yêu cầu tái kiểm nghiệm và dùng chứng nhận kiểm nghiệm của tổ chức kiểm nghiệm ở cảng đích để làm căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp áp dụng cơ chế tái kiểm nghiệm, các bên nên thỏa thuận cụ thể và rõ ràng về thời hạn, quy trình, tiêu chuẩn tái kiểm nghiệm.

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Quản lí giá trong VNACCS

Theo Tiểu Nhóm thanh toán (Nhóm làm việc về VNACCS/VCIS), trong VNACCS sẽ có một số thay đổi về công tác quản lí giá (thay đổi về Tờ khai trị giá; kiểm tra trị giá và phương thức kiểm tra giá) của cơ quan Hải quan.

 
Về Tờ khai trị giá, thay vì 6 mẫu tờ khai trị giá tương ứng với 6 phương pháp xác định trị giá tính thuế như hiện hành, trong VNACCS, Tờ khai trị giá được sửa đổi theo hướng chỉ còn 2 mẫu: Mẫu 1 - áp dụng cho phương pháp trị giá giao dịch; mẫu 2 - áp dụng cho các phương pháp còn lại và các trường hợp đặc biệt. Để thực hiện điều này cần thay thế Quyết định 30/2008/QĐ-BTC ngày 21-5-2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về ban hành tờ khai trị giá tính thuế hàng hóa XNK và hướng dẫn khai báo; Thông tư 163/2009/TT-BTC ngày 13-8-2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số quy định của Quyết định 30.
Đối với kiểm tra trị giá khai báo, hiện nay, Hải quan Việt Nam đang áp dụng ở cả 2 khâu là thông quan và sau thông quan. Trong VNACCS, về cơ bản sẽ chỉ thực hiện hoạt động nghiệp vụ này tại khâu sau thông quan. Theo đó, sẽ chuyển việc kiểm tra, tham vấn trị giá từ thông quan sang khâu phúc tập tại trụ sở cơ quan Hải quan, mọi việc liên quan được tiến hành như kiểm tra chi tiết hồ sơ tại khâu thông quan hiện hành. Thực hiện thay đổi này đòi hỏi việc xây dựng bộ máy tổ chức, bố trí, sắp xếp lại nguồn lực phù hợp để đảm bảo cho việc kiểm tra trị giá tại khâu sau thông quan (lực lượng cán bộ phúc tập, lực lượng xử lí thông tin giá, cán bộ điều tra giá…).
Liên quan đến kiểm tra giá, theo quy định hiện hành Tờ khai trị giá là bộ phận không tách rời của tờ khai NK, người khai hải quan khai báo tờ khai trị giá và nộp cho cơ quan Hải quan cùng với tờ khai NK (trừ một số trường hợp). Nhưng trong VNACCS quy định kiểm tra giá được thay đổi theo hướng thu hẹp đối tượng phải khai tờ khai trị giá tương tự như Hải quan Nhật Bản đang áp dụng, tuy nhiên sẽ có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế Việt Nam (đưa thêm một số trường hợp có rủi ro về giá vào đối tượng phải khai tờ khai trị giá…). Theo sự thay đổi này, cần sửa quy định về hồ sơ hải quan như: Tờ khai trị giá không phải là chứng từ bắt buộc phải nộp cùng tờ khai NK đối với mọi lô hàng NK, chỉ nộp tờ khai trị giá đối với một số trường hợp nhất định.
Ngoài ra, thực hiện phương thức kiểm tra giá theo VNACCS còn cần sửa đổi một số quy định liên quan trong các văn bản hiện hành như: Điều 23, 24, 25, 26 Thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15-12-2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 40/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa XNK; sửa các quy định về kiểm tra, tham vấn giá có liên quan; sửa các quy định liên quan về phúc tập. Đặc biệt, cần xây dựng chế tài xử lí vi phạm nếu trường hợp cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan thu thập được các bằng chứng về gian lận trong khai báo trị giá của người khai hải quan.

Ký thoả thuận hợp tác Hải quan Việt Nam – Liên Bang Nga

Ngày 27/7/2012 tại Sochi, Liên Bang Nga, trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước, dưới dự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Liên bang Nga Vladimia Putin; Hải quan Việt Nam và Hải quan Liên bang Nga đã ký “Bản ghi nhớ giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cơ quan Hải quan Liên bang Nga về trao đổi số liệu thống kê Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu song phương”; và “Kế hoạch Hành động chung trong đấu tranh với các vi phạm hải quan giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cơ quan Hải quan Liên bang Nga giai đoạn 2012 – 2013”.
Đây là hai thoả thuận đầu tiên được Hải quan hai nước ký kết nhằm triển khai Hiệp định Hợp tác và trợ giúp lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan giữa Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga năm 2010. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán và tiến tới ký kết một số thoả thuận hợp tác trong các mảng nghiệp vụ hải quan cụ thể khác.
Về Biên bản ghi nhớ trao đổi số liệu thống kê được ký kết lần này cung cấp cho nhau những thông tin cần thiết về hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu song phương giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga với phạm vi của gồm trao đổi thông tin về phương pháp luận thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và những thay đổi quan trọng về phương pháp luận, cũng như trao đổi số liệu thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu song phương, ngoại trừ dữ liệu liên quan thông tin mật hoặc bí mật quốc gia hoặc bí mật thương mại.  
Mục đích của Kế hoạch động chung trong đấu tranh với các vi phạm hải quan nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và các vi phạm hải quan khác thông qua việc xây dựng kênh hợp tác giữa các đơn vị kiểm soát của Tổng cục Hải quan Việt Nam và cơ quan Hải quan Liên bang Nga.
Những năm qua, quan hệ hợp tác giữa Hải quan Việt Nam và hải quan Liên bang Nga đã không ngừng được cũng cố và phát triển thông qua hoạt động hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau. Hải quan Nga dành cho Hải quan Việt Nam nhiều trợ giúp như tiếp nhận các đoàn khảo sát nghiệp vụ phục vụ cho công tác hiện đại hóa ngành hải quan (quy trình thông quan điện từ, sửa đổi và bổ sung Luật Hải quan…), tiếp nhận cán bộ đào tạo, các đoàn  trao đổi nghiệp vụ… Hải quan hai nước không chỉ dừng lại ở sự hỗ trợ hợp tác song phương, mà còn hỗ trợ tối đa trong các diễn đàn hợp tác hải quan đa phương.
Đánh giá về hợp tác hải quan, tại buổi họp báo sau khi kết thúc hội đàm tại Sochi, Tổng thống Nga Vladimia Putin cho rằng hợp tác hải quan hai bên có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo thuận lợi thương mại song phương hướng đến mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015.

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Dự án VNACCS, điểm sáng trong quan hệ hợp tác phát triển về lĩnh vực hải quan giữa Việt Nam và Nhật Bản

Trong gần hai thập kỷ hợp tác vừa qua giữa Việt Nam và Nhật Bản về lĩnh vực Hải quan, dự án VNACCS đánh dấu một nấc thang mới trên chặng đường hợp tác tích cực giữa hai bên.

Là một trong những nước sớm quan tâm đến sự phát triển của ngành Hải quan như là động lực thúc đẩy giao lưu thương mại sau thời kỳ mở cửa, Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Hải quan Nhật Bản đã dành cho Hải quan Việt Nam sự trợ giúp có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trên lĩnh vực hội nhập quốc tế, Nhật Bản đã hỗ trợ Hải quan Việt Nam tiếp cận và nắm bắt công ước Kyoto và công ước Kyoto sửa đổi để từng bước nghiên cứu và nội luật hóa các chuẩn mực của công ước tiến tới gia nhập công ước theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Nhật Bản cũng hỗ trợ tích cực Việt Nam tìm hiểu và xây dựng kiến thức về trị giá hải quan để có thể thực hiện điều 7 của Hiệp định GATT, một phần trong nỗ lực gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam. Trong quá trình gia nhập ASEAN của Việt Nam, Nhật Bản cũng có những đóng góp tích cực khi giúp Việt Nam xây dựng danh mục biểu thuế hài hòa chung ASEAN (AHTN) thông quan việc giới thiệu và tìm hiểu về hệ thống hài hòa (HS).

Trên lĩnh vực tăng cường năng lực quản lý hải quan, Nhật Bản đã dành sự hỗ trợ đa dạng cho Hải quan Việt Nam, như: tổ chức trao đoàn, nghiên cứu thực tế, hội thảo, tập huấn, cử chuyên gia, cung cấp tài liệu,… Thông qua các hoạt động này, nhiều dung nghiệp vụ hải quan quan trọng và phương thức quản lý hiện đại đã được giới thiệu và trình bày cho đông đảo và nhiều lớp cán bộ, công chức hải quan. Trong số đó, các nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan, quản lý rủi ro đã được giới thiệu từ rất sớm cho Hải quan Việt Nam, mở ra cơ hội và thời gian cho Hải quan Việt Nam nghiên cứu, tiếp cận và chuẩn bị cho việc phát triển và áp dụng phương thức quản lý mới vào thực tiễn như hiện nay.

Trên lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, Nhật Bản không chỉ giới hạn ở việc đào tạo, truyền thụ kiến thức, kỹ năng làm việc cho Hải quan Việt Nam mà còn quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ máy cái làm nòng cốt nhân rộng kiến thức trong toàn ngành. Cách làm này tạo ra sự phát triển lâu dài và bền vững cho Hải quan Việt Nam khi mà các nguồn trợ giúp từ bên ngoài ngày càng hạn chế trong bối cảnh Việt Nam ra khỏi nhóm những nước nghèo.

Trên lĩnh vực hiện đại hóa hoạt động hải quan, Nhật Bản đã trang cấp cho Hải quan nhiều máy móc, thiết bị tiên tiến nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan. Nhật Bản đã từng hỗ trợ Việt Nam trang cấp mới trung tâm phân tích phân loại miền Nam và miền Trung, bổ sung trang thiết bị cho trung tâm phân tích phân loại miền Bắc. Qua đó nâng cao năng lực đưa ra kết luận chính xác, thống nhất về phân loại hàng hóa XNK, giảm thiểu tranh chấp và chi phí. Gần đây, Nhật Bản cũng mới trang cấp cho Hải quan Việt Nam hai hệ thống máy soi công ten nơ giúp nâng cao hiệu quả kiểm tra, giảm thời gian thông quan tại các địa bàn trọng điểm có số lượng khai báo XNK lớn.

Với những thành tựu hợp tác về lĩnh vực hải quan trong suốt chặng đường vừa qua, và như là một động thái khẳng định phát triển toàn diện quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất hợp tác triển khai Dự án hoàn thiện hệ thống thủ tục thương mại bằng hải quan điện tử và hải quan một cửa tại Việt Nam, gọi tắt là dự án VNACCS. Đáp lại đề xuất của Nhật Bản, Chính phủ Việt Nam đã chính thức đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ triển khai dự án trên thông qua một gói toàn diện gồm công nghệ thông tin, quản lý hải quan hiện đại, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Dự án VNACCS đã ra đời trong bối cảnh như vậy và bắt đầu khởi động từ giữa năm 2011.

Như đặc điểm nêu trên, dự án VNACCS là dự án hợp tác song phương lớn nhất từ trước đến nay. Dự án không chỉ giúp thiết lập hệ thống thông quan tự động dựa trên nền tảng công nghệ của Nhật Bản mà còn mở rộng phạm vi hỗ trợ một cách toàn diện trên các mặt: hoàn thiện cơ sở pháp lý, bộ máy tổ chức, dây truyền thông quan, cải thiện năng lực đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với ứng dụng hệ thống thông quan tự động mới, trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý tiên tiến. Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ xử lý thông tin từ các bộ ngành trong nỗ lực thiết lập cơ chế một cửa hải quan như là bước chuẩn bị cho việc kết nối vào cơ chế một cửa ASEAN trong tương lai. Với những hoạt động triển khai trên, Dự án được xem như là hình mẫu tổng hòa các hình thức trợ giúp trước đây của Nhật Bản dành cho Hải quan Việt Nam với nguồn vốn huy động tập trung cao nhất. Dự án sẽ hứa hẹn tạo lập một môi trường thông quan tiên tiến, đáp ứng nhu cầu giao thương mại ngày càng cao của Việt Nam, hỗ trợ tích cực Việt Nam thực hiện các cam kết hội nhập trong khu vực và quốc tế.

(Theo TCHQ)

Giới thiệu về thủ tục Hải quan điện tử

" Hải quan Việt Nam luôn tăng cường hợp tác, trao đổi, thông tin với cộng đồng doanh nghiệp, phấn đấu trở thành đối tác tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp, nhằm mục đích đạt được quy trình thông quan đơn giản, thuận lợi, đúng pháp luật"

CHỦ TRƯƠNG, ĐỊNH HƯỚNG

Chính phủ, Bộ Tài chính đã chỉ đạo, định hướng thực hiện thủ tục hải quan điện tử với các nội dung như sau:

* Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành Hải quan, phấn đấu đến năm 2010 giảm thời gian kiểm tra thực tế, thông quan hàng hóa xuống ít nhất bằng 1,5 lần so với các nước tiên tiến trong khu vực, đến năm 2011 bằng với mức trung bình 4 nước tiên tiến trong khu vực (Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippine)

* Từng bước cải cách hoạt động nghiệp vụ hải quan theo hướng phù hợp với chuẩn mực của hải quan hiện đại trong khu vực và thế giới; chuyển đổi từ thủ tục hải quan thủ công sang thủ tục hải quan điện tử.

* Trong giai đoạn 2009 - 2011, thủ tục hải quan điện tử sẽ được thực hiện tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ngãi và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố khác nếu có đủ điều kiện.

LỢI ÍCH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP

Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, doanh nghiệp còn được hưởng thêm nhiều lợi ích so với thủ tục hải quan truyền thống đó là:

1- Doanh nghiệp không phải đến trụ sở của cơ quan Hải quan mà có thể khai hải quan tại bất cứ địa điểm nào có máy tính kết nối mạng internet và được thông quan ngay đối với lô hàng thuộc diện được miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.

2- Doanh nghiệp được sử dụng tờ khai điện tử in từ hệ thống của doanh nghiệp, có chữ ký và đóng dấu của doanh nghiệp thay cho tờ khai giấy và các chứng từ kèm theo để đi nhận hàng và làm chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường (nếu lô hàng thuộc diện được miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa)

3- Doanh nghiệp có thể khai báo hải quan bất kỳ lúc nào thay cho việc chỉ có thể khai trong giờ hành chính như trước đây và được cơ quan hải quan tiếp nhận khai báo trong giờ hành chính.

4- Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử sẽ được quyền ưu tiên thứ tự kiểm tra đối với các lô hàng phải kiểm tra chi tiết hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa.

5- Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử sẽ được cơ quan hải quan cung cấp thông tin về quá trình xử lý hồ sơ hải quan điện tử thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

6- Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử sẽ được cơ quan hải quan hỗ trợ đào tạo, cung cấp phần mềm khai báo hải quan điện tử và tư vấn trực tiếp miễn phí.

7- Doanh nghiệp được lựa chọn hình thức nộp lệ phí (theo tháng hoặc theo từng tờ khai) thay vì chỉ có thể nộp theo từng tờ khai như thủ tục hải quan truyền thống.

8- Hồ sơ thanh khoản hợp đồng gia công và nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu đơn giản hơn, thay vì phải nộp hoặc xuất trình tờ khai, báo cáo thanh khoản và chứng từ bằng giấy thì doanh nghiệp được sử dụng hồ sơ điện tử để thanh khoản.

9- Thực hiện thủ tục hải quan điện tử giúp thông tin giữa hệ thống của hải quan và doanh nghiệp được quản lý đồng bộ trên máy tính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, tìm kiếm thông tin.

10- Doanh nghiệp có thể đăng ký thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại bất kỳ Chi cục Hải quan điện tử nào và được chấp nhận làm thủ tục hải quan điện tử ở các Chi cục khác thay vì việc phải làm đăng ký tại từng Chi cục hải quan điện tử như trước đây.

11- Thực hiện thủ tục hải quan điện tử giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí làm thủ tục hải quan do doanh nghiệp có thể chủ động trong quá trình khai báo hải quan và sắp xếp thời gian đi nhận hàng và xuất hàng.

12- Nếu doanh nghiệp là doanh nghiệp chế xuất ưu tiên, còn được hưởng những lợi ích sau:

- Được khai hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và xuất khẩu ra nước ngoài trên tờ khai điện tử rút gọn theo mẫu "Tờ khai điện tử rút gọn/ tờ khai điện tử theo tháng"

- Được ưu tiên đăng ký định mức nguyên liệu, vật tư để sản xuất sản phẩm xuất khẩu đối với các nguyên liệu quản lý theo định mức.

- Được cơ quan hải quan thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận đăng ký, kiểm tra hải quan và chấp nhận ngay trên cơ sở tờ khai điện tử đơn giản, tờ khai tháng, định mức nguyên liệu, vật tư đăng ký.

- Được ưu tiên kiểm tra hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa tại trụ sở của doanh nghiệp hoặc tại địa điểm khác do doanh nghiệp đăng ký và được cơ quan hải quan chấp nhận.

- Được sử dụng Lệnh thông quan in ra từ hệ thống khai hải quan điện tử theo Mẫu phiếu giải phóng hàng hóa đã đăng ký với cơ quan hải quan (không cần đóng dấu, chữ ký của đại diện doanh nghiệp) đối với những lô hàng đã được cơ quan chấp nhận thông quan.

- Được sử dụng hóa đơn in ra từ hệ thống, đóng dấu, ký tên của đại diện doanh nghiệp để thông quan hàng hóa trường hợp Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan có sự cố, tạm dừng hoạt động.

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN

Bước 1: Doanh nghiệp thực hiện khai tờ khai hải quan điện tử, tờ khai trị giá (nếu cần) theo đúng tiêu chí và khuôn dạng chuẩn và gửi tới hệ thống của cơ quan hải quan.

Bước 2: Doanh nghiệp nhận thông tin phản hồi từ cơ quan hải quan về số tờ khai hải quan, kết quả phân luồng và thực hiện một trong các nội dung sau:

+ Luồng Xanh: Miễn kiểm tra hồ sơ giấy và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Lô hàng được cơ quan hải quan chấp nhận thông quan thì chuyển sang bước 4.

+ Luồng vàng: Kiểm tra hồ sơ hải quan. Nếu được yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ hải quan thì doanh nghiệp thực hiện theo yêu cầu và xuất trình hồ sơ giấy để cơ quan hải quan kiểm tra. Nếu lô hàng được chấp nhận thông quan thì thực hiện tiếp bước 4, nếu cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra thực tế hàng hóa thì chuyển sang bước 3.

Bước 3: - Luồng đỏ: Doanh nghiệp xuất trình hồ sơ giấy và hàng hóa để cơ quan hải quan kiểm tra.

Bước 4: Doanh nghiệp in tờ khai trên hệ thống của mình để đi lấy hàng.



ĐĂNG KÝ THAM GIA

* Thủ tục đăng ký:

- Doanh nghiệp thực hiện đăng ký tham gia thủ tục hải quan điện tử theo mẫu "Đăng ký tham gia thủ tục hải quan điện tử" (có sẵn trên website www.customs.gov.vn ) và nộp bản đăng ký cho bất kỳ Chi cục hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

- Doanh nghiệp cũng có thể ủy quyền cho Đại lý làm thủ tục hải quan điện tử thực hiện việc đăng ký tham gia thủ tục hải quan điện tử.

- Trong thời gian 08 giờ làm việc kể từ khi nhận bản đăng ký hợp lệ, Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử thông báo chấp nhận hoặc từ chối có nêu rõ lý do. Việc gửi thông tin về tài khoản truy nhập Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan cho doanh nghiệp được thực hiện theo quy trình bảo mật.

- Doanh nghiệp có trách nhiệm bảo mật tài khoản để sử dụng khi giao dịch với cơ quan hải quan thông qua hệ thống khai hải quan điện tử hoặc Hệ thống khai hải quan điện tử dự phòng.

- Tài khoản truy nhập Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan có giá trị để giao dịch, làm thủ tục hải quan với tất cả các Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

* Yếu tố cần thiết

- Trang bị máy tính kết nối internet, sử dụng phần mềm khai báo hải quan điện tử do cơ quan hải quan cung cấp miễn phí hoặc phần mềm do doanh nghiệp mua, hoặc tự xây dựng để đáp ứng yêu cầu khai báo hải quan điện tử.

- Chuẩn bị đội ngũ cán bộ có trình độ tin học cơ bản và am hiểu về thủ tục hải quan.

LOẠI HÌNH ĐANG ÁP DỤNG CHO HẢI QUAN ĐIỆN TỬ

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình mua bán hàng hóa.

2. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài.

3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo loại hình nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu.

4. Hàng hóa đưa vào, đưa ra doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp ưu tiên.

5. Hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan.

6. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư.

7. Hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất

8. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ

9. Hàng hóa đã xuất khẩu nhưng bị trả lại

10. Hàng hóa đã nhập khẩu nhưng phải xuất trả.

11. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu.

ĐỊA CHỈ LIÊN HỆ VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN ĐIỆN TỬ Tên Địa chỉ ĐT/Fax Email/Website
Hải quan TP. Hồ Chí Minh Số 21 Tôn Đức Thắng, Bến Nghé, Quận 1
088.291422

088.290912
webmasterhcm@customs.gov.vn

www.haiquan.hochiminhcity.gov.vn
Hải quan Hải Phòng 22 Điện Biên Phủ, Hải Phòng
031.3836262

031.3859993
hqhaiphong@customs.gov.vn

www.haiphong.gov.vn/haiphong/vn
Hải quan Hà Nội Số 129 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội
04.37910169

04.37910158
hqhanoi@customs.gov.vn

www.hanoicustoms.gov.vn
Hải quan Đà Nẵng Số 250 Bạch Đằng, TP Đà Nẵng
0511.823762

0511.823328
hqdanang@customs.gov.vn

www.dngcustoms.gov.vn
Hải quan Đồng Nai Số 9A, đường Đồng Khởi
061.895710

061.895711
hqdongnai@customs.gov.vn

www.dncustoms.gov.vn
Hải quan Bình Dương 30/4, Phú Thọ, Thủ Dầu Một, Bình Dương
0650.822.767

0650.822.151
haiquanbinhduong@vnn.vn

haiquanbinhduong.gov.vn
Hải quan Lạng Sơn Số 229 Lê Lợi, Vĩnh Trại, Lạng Sơn
025.873721

025.872281
hqlangson@customs.gov.vn
Hải quan Quảng Ninh Số 5 Bến Đoan - Hạ Long - Quảng Ninh
033.826148

033.825590
hqquangninh@customs.gov.vn

www.quangninhcustoms.gov.vn
Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu Số 16 Lê Lợi, phường 1, Vũng Tàu
064.511949

064.858002
hqvungtau@customs.gov.vn

haiquan.baria-vungtau.gov.vn
Hải quan Quảng Ngãi Số 56 Phạm Văn Đồng, Quảng Ngãi
055.817776

055.817775
hqqngai@hqqngai.gov.vn

www.hqqngai.gov.vn
Ban Cải cách Hiện đại hóa 137A Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội
04.22207624

04.22207623

04.22207600
bancchdh@customs.gov.vn
www.customs.gov.vn
(Theo dncustoms.gov.vn)

Tin tức: Tổng cục Hải quan nâng cấp hệ thống quản lý dữ liệu giá tính thuế phục vụ triển khai VNACCS/ VCIS



Hệ thống quản lý thông tin giá tính thuế là bộ phận quan trọng của hệ thống phần mềm nghiệp vụ Hải quan.  Nâng cấp hệ thống  quản lý giá tính thuế sẽ đáp ứng mô hình xử lý tập trung cấp Tổng cục, hoàn thiện các chức năng của phần mềm và chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu những thay đổi về quy mô tổ chức, chức năng nhiệm vụ đồng thời quá trình triển khai phát sinh những yêu cầu quản lý từ nghiệp vụ.
Hệ thống khi nâng cấp được tích hợp với các hệ thống thông tin đã triển khai và đảm bảo khả năng kết nối, xử lý thông tin với hệ thống VNACC/VCIS. 
Những phần nâng cấp sẽ bao gồm:  
- Bổ sung nghiệp vụ quản lý giá tính thuế mới phát sinh theo thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010;
- Bổ sung mẫu biểu báo cáo theo yêu cầu nghiệp vụ mới phát sinh;
- Xây dựng mới chức năng đảm bảo kết nối, xử lý thông tin với hệ thống VNACCS/VCIS theo mô hình xử  lý tập trung;
- Nâng cấp quy tắc nghiệp vụ lớp giao diện đảm bảo triển khai xử lý thông tin tập trung cho nhiều Chi cục, Cục Hải quan;
- Nâng cấp lớp dịch vụ (Service) đảm bảo triển khai xử lý thông tin tập trung cho nhiều Chi cục, Cục Hải quan;
- Nâng cấp cơ sở dữ liệu, quy tắc nghiệp vụ trong cơ sở dữ liệu triển khai xử lý thông tin tập trung cho nhiều Chi cục, Cục Hải quan;
- Chuyển đổi dữ liệu giá tại các cục Hải quan tỉnh, thành phố về xử lý tập trung tại Tổng cục Hải quan.


( Theo TCHQ)


my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com