Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Lấy ý kiến dự thảo nghị định mới về thủ tục hải quan

(HQ Online)-Để hoàn thiện các nội dung của dự thảo nghị định thay thế Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố và cộng đồng DN về dự thảo nghị định.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: N.Linh
Bên cạnh đó, trong thời gian từ 20-6 đến 24-6, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến cộng đồng DN và cục hải quan địa phương tại khu vực phía Bắc và phía Nam, để đảm bảo kết cấu, nội dung dự thảo nghị định được đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao.

Dự thảo nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ để thực thủ tục XNK hiệu quả; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các DN.

Mục tiêu xây dựng dự thảo nghị định là rà soát để đưa một số nội dung quy định về thủ tục hành chính Nhà nước đang được quy định tại các thông tư do Bộ Tài chính ban hành để hướng dẫn thực hiện Luật Hải quan 2014 theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Đồng thời, rà soát để sửa đổi, bổ sung một số nội dung về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan cho phù hợp với thực tế phát sinh qua thời gian triển khai thực hiện và thống nhất với các nội dung quy định tại Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi.

Dự thảo nghị định này được xây dựng dựa trên nguyên tắc đảm bảo tính phù hợp và thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản nghị định theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành nghị định; đảm bảo tính minh bạch, khả thi trong các quy định của nghị định; thực hiện các điều ước quốc tế về hải quan mà Việt Nam là thành viên.

Đây là dự thảo nghị định có rất nhiều nội dung quy định về thủ tục hành chính, với 206 điều bố cục thành 19 chương gồm: quy định chung; cơ chế một cửa quốc gia; chế độ ưu tiên đối với DN; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XK, NK; thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với hàng hóa XK, NK để gia công với thương nhân nước ngoài, hàng hóa là nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất hàng hóa XK, hàng hóa XK, NK của DN chế xuất; thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa tạm nhập-tái xuất, tạm xuất-tái nhập;

Thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa XK, NK khác; thủ tục hải quan đối với hàng hóa NK, tạm NK của đối tượng ưu đãi, miễn trừ; thủ tục hải quan NK, tạm NK xe không nhằm mục đích thương mại; thủ tục hải quan đối với hàng hóa trung chuyển, quá cảnh; thủ tục hải quan kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho CFS, khu phi thuế quan và các khu vực, kho, bãi khác;
Xử lý đối với trường hợp từ chối nhận hàng; thủ tục hải quan đối với hàng lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; thủ tục miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế và các quy định khác về quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK; kiểm tra sau thông quan; các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; thông tin hải quan; và điều khoản thi hành.

(nguồn: baohaiquan.vn)


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

62.505 hồ sơ được giải quyết qua Cơ chế một cửa quốc gia


(HQ Online)- Theo Tổng cục Hải quan- Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cập nhật đến trung tuần tháng 4, cả nước có 62.505 hồ sơ được giải quyết qua NSW.
Bộ Giao thông vận tải được xem là đơn vị tích cực nhất trong phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) thực hiện NSW, nhất là lĩnh vực cảng biển. Ảnh: T.Bình. 
 
Trong đó, lĩnh vực cảng biển có số lượng DN, thủ tục thực hiện nhiều nhất với 5.813 doanh nghiệp và tổng số 37.286 hồ sơ.

Đến nay, có 30 thủ tục hành chính của 8 bộ (chưa tính thủ tục trong lĩnh vực của Bộ Tài chính) thực hiện NSW.

Liên quan đến thực hiện NSW, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện dự thảo trình Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi thông qua Cơ chế một cửa quốc gia”. 

Ban hành Thông tư liên tịch số 64/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 25-4-2016 giữa Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện NSW đối với thủ tục thẩm định nội dung đồ chơi trẻ em nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đồng thời hoàn thành thẩm định dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện NSW với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Kế hoạch thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2016-2020. 

Đối với thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên về việc phê duyệt Nghị định thư về Khung pháp lý triển khai ASW.

Ngoài ra, các nước đang tiếp tục tiến hành thử nghiệm trao đổi dữ liệu và chuẩn bị sẵn sàng để triển khai chính thức NSW sau khi Nghị định thư về Khung pháp lý được phê duyệt.

Đến nay, đã có Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore tiến hành kết nối kỹ thuật ASW.

(nguồn: baohaiquan.vn)


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

Hướng dẫn phê duyệt báo cáo quyết toán hàng gia công, SXXK

(HQ Online)- Để đảm bảo việc phê duyệt báo cáo quyết toán tại cục hải quan các tỉnh, thành phố thống nhất trong toàn ngành, Tổng cục Hải quan hướng dẫn phê duyệt kiểm tra báo cáo quyết toán và yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng thời hạn gửi báo cáo danh sách DN thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm tra báo cáo quyết toán về Tổng cục.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư-gia công Hà Nội. Ảnh: N.Linh 
 
Theo đó, đối với các DN kết thúc năm tài chính vào 31-12 thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm tra báo cáo quyết toán theo quy định tại Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC, cục hải quan tỉnh, thành phố rà soát, thống kê, lập danh sách DN báo cáo về Tổng cục Hải quan trước ngày 20-5-2016 để Tổng cục Hải quan phê duyệt việc kiểm tra báo cáo quyết toán.

Đối với các DN kết thúc năm tài chính vào 31-3, 30-6, 30-9 thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm tra báo cáo quyết toán theo quy định tại Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC, cục hải quan tỉnh, thành phố rà soát, thống kê, lập Danh sách DN báo cáo về Tổng cục Hải quan theo đúng quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 22 Quyết định 1966/QĐ-TCHQ phê duyệt việc kiểm tra báo cáo quyết toán.

Bên cạnh đó, cục hải quan tỉnh, thành phố cần lưu ý xác định DN nộp báo cáo quyết toán lần đầu. Theo quy định tại tiết b.1.1, điểm b, khoản 5 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC thì lần đầu nộp báo cáo quyết toán được hiểu là lần đầu tiên tổ chức, cá nhân thực hiện hợp đồng gia công, SXXK và lần đầu tiên nộp báo cáo quyết toán trên phạm vi toàn quốc mà trước thời điểm nộp báo cáo quyết toán theo năm tài chính, tổ chức, cá nhân chưa từng thực hiện hoạt động gia công, SXXK.

Về việc phân tích thông tin, cơ quan Hải quan lựa chọn DN có độ rủi ro cao để thực hiện kiểm tra báo cáo quyết toán tại trụ sở DN, các cục hải quan tỉnh, thành phố trên cơ sở đánh giá, thu thập thông tin DN để xác định đúng đối tượng cần kiểm tra báo cáo quyết toán theo quy định tại điểm b, khoản 5 Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Khi lập danh sách các DN thuộc đối tượng phải kiểm tra báo cáo quyết toán tại trụ sở DN, cục hải quan tỉnh, thành phố cần căn cứ vào số lượng CBCC tại đơn vị, trình độ chuyên môn, kỹ năng kiểm tra, thanh tra để bố trí công chức thực hiện việc kiểm tra báo cáo quyết toán có hiệu quả; tránh trường hợp lựa chọn DN trùng với kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã được phê duyệt; chịu trách nhiệm về số lượng DN đề nghị phải thực hiện kiểm tra báo cáo quyết toán tại trụ sở DN, tổ chức việc kiểm tra báo cáo quyết toán theo đúng quy định.

Theo quy định tại tiết b.2, điểm b, khoản 1 Điều 22 Quyết định 1966/QĐ-TCHQ năm 2015 của Tổng cục Hải quan thì chậm nhất 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp báo cáo quyết toán, cục hải quan tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra, báo cáo danh sách các DN thuộc đối tượng kiểm tra báo cáo quyết toán về Tổng cục Hải quan để được phê duyệt thực hiện.
 
(nguồn: baohaiquan.vn)


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

Quy định mới về miễn thuế cho hàng hóa NK để sản xuất XK

(HQ Online)- Hướng dẫn về quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật đã quy định rõ về đối tượng và điều kiện được miễn thuế.

Dự thảo Nghị định đã quy định rõ các loại nguyên liệu, vật tư và trường hợp được miễn thuế theo loại hình sản xuất XK. Ảnh: T.Trang. 
 
Ban soạn thảo Nghị định cho biết, theo thông lệ quốc tế và kế thừa quy định hiện hành, dự thảo Nghị định đã quy định rõ các loại nguyên liệu, vật tư và trường hợp được miễn thuế theo loại hình sản xuất XK (trên cơ sở kế thừa và nâng cấp pháp lý đối với các trường hợp được hoàn thuế theo quy định hiện hành tại Thông tư 38/2015/TT-BTC).

Theo đó, tại Điều 10 dự thảo Nghị định quy định về miễn thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa XK sẽ quy định rõ nguyên liệu, vật tư, linh kiện NK để sản xuất hàng hóa XK được miễn thuế NK bao gồm:
Nguyên liệu, vật tư (bao gồm cả bao bì để đóng gói sản phẩm XK), linh kiện nhập khẩu trực tiếp cấu thành sản phẩm XK; hoặc tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hàng hoá XK nhưng không trực tiếp chuyển hoá thành hàng hoá.

Sản phẩm hoàn chỉnh NK để gắn vào sản phẩm XK hoặc đóng chung với sản phẩm XK thành mặt hàng đồng bộ và XK ra nước ngoài;

Linh kiện, phụ tùng NK để làm hàng hoá bảo hành cho sản phẩm XK được miễn thuế NK như nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất hàng hóa XK; hàng hóa NK làm mẫu.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ, để được miễn thuế theo quy định khoản 1 Điều này, phải đáp ứng điều kiện sau:

Phải có cơ sở sản xuất hàng XK trên lãnh thổ Việt Nam: Có quyền sử dụng hợp pháp mặt bằng sản xuất, nhà xưởng (bao gồm cả nhà xưởng gắn liền trên đất đai); có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư NK để sản xuất hàng hóa XK;

Số tiền thuế NK của nguyên liệu, vật tư được miễn thuế phải tương ứng với lượng, chủng loại nguyên liệu, vật tư NK thực tế được sử dụng để sản xuất sản phẩm thực tế XK.

Tổ chức, cá nhân trực tiếp, hoặc ủy thác nhập khẩu nguyên liệu, vật tư; trực tiếp hoặc ủy thác xuất khẩu sản phẩm. 

Hiện dự thảo Nghị định đã được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến rộng rãi trong toàn ngành, sau đó sẽ tổ chức lấy ý kiến cộng đồng DN.
 
(nguồn: baohaiquan.vn)


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Lập báo cáo quyết toán hàng gia công, sản xuất XK: Công việc cũ, cách làm mới

(HQ Online)- DN có thể thực hiện báo cáo quyết toán hàng gia công, SXXK một cách dễ dàng nếu như có cách làm đúng về quy định mới này, đó là nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Oanh- Phó Trưởng bộ môn Hải quan (Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính).

Với kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về lĩnh vực hải quan, theo bà, vấn đề  DN đang gặp phải khi thực hiện quy định lập báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa XK trong năm tài chính theo Thông tư 38/2015/TT-BTC là gì?  

Việc lập báo cáo quyết toán dựa trên số liệu thể hiện thông qua sổ sách kế toán là một yêu cầu tất yếu của đối với các DN SXXK, gia công và DN chế xuất. Yêu cầu này không làm phát sinh thêm việc cho DN, bởi theo quy định của Luật Kế toán, tất cả nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh đều được ghi nhận và phản ánh trong sổ sách kế toán. Trong đó, DN vẫn đang phản ánh tình hình nhập nguyên liệu, xuất nguyên liệu cho sản xuất, thành phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu NK nhập kho, thành phẩm từ kho xuất ra nước ngoài trên hệ thống sổ kế toán và tài khoản kế toán theo chế độ kế toán hiện hành. Chính vì vậy, Thông tư 38/2015/TT-BTC yêu cầu DN lập báo cáo quyết toán từ các số liệu trên sổ kế toán của DN gia công, SXXK là việc không mới.

Tuy nhiên, nhiều DN cảm thấy lúng túng là bởi trước đây đang có thói quen thực hiện thanh khoản hợp đồng gia công khi hợp đồng gia công kết thúc, hoặc thanh khoản tờ khai nhập nguyên liệu sản xuất hàng XK. Số liệu thể hiện trên các hồ sơ thanh khoản của một số DN chưa phù hợp với số liệu trên sổ kế toán. Đặc biệt đối với các DN thuê đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện công việc thanh khoản, những vướng mắc này là phổ biến. Khi phải thực hiện lập báo cáo quyết toán theo năm tài chính nhiều DN đang e ngại không muốn làm vì sợ phải đối mặt với sự chênh lệch này do số liệu thể hiện trên báo cáo quyết toán chính là dựa trên cơ sở số liệu của kế toán DN.

Những DN có hệ thống quản trị nội bộ tốt và hiểu đúng bản chất của việc lập báo cáo quyết toán đã sớm nhìn nhận được những thuận lợi trong quá trình lập báo cáo quyết toán theo quy định của Thông tư 38/2015/TT-BTC đã đưa ra. Một bài toán chi phí rất đơn giản: Nếu DN trong năm thực hiện xong 100 hợp đồng gia công, theo quy định cũ, DN phải lập hồ sơ thanh khoản cho 100 hợp đồng này, những công việc này đã làm tăng chi phí cho DN như: Chi phí nhân lực, giấy tờ, chi phí cơ hội… Còn theo quy định tại Thông tư 38, một năm DN chỉ phải làm báo cáo quyết toán một lần và số liệu này là số liệu đã có trong hệ thống sổ sách kế toán, không đòi hỏi công việc nhiều hơn cho DN. Như vậy, rõ ràng với cách làm mới, DN có lợi về mặt kinh tế.

Đâu là nguyên nhân xảy ra tình trạng một số DN chưa lập được báo cáo hoặc lập báo cáo không đúng quy định, thưa bà?

Nguyên nhân của tình trạng một số DN chưa lập được báo cáo hoặc lập báo cáo không đúng quy định là do người đứng đầu DN chưa giao đúng việc, đúng trách nhiệm lập báo cáo quyết toán cho cán bộ.
Nhiều lãnh đạo DN vẫn đang quen giao trách nhiệm này là của bộ phận XNK, nhưng thực tế số liệu đưa vào báo cáo quyết toán là số liệu của bộ phận kế toán, bộ phận XNK chỉ có một phần nhỏ số liệu để kiểm tra và đối chiếu. Đối với hàng gia công thì bộ phận XNK chỉ có số liệu về số lượng nguyên liệu nhập, số lượng thành phẩm xuất còn không có số lượng nguyên liệu xuất cho sản xuất và số lượng thành phẩm nhập kho. Như vậy bộ phận XNK không có số liệu nên không thể làm được báo cáo. Với loại hình SXXK, bộ phận XNK chỉ có số lượng nguyên liệu NK, số lượng thành phẩm xuất, nhưng báo cáo quyết toán yêu cầu báo cáo theo chỉ tiêu giá trị mà những chỉ tiêu giá trị được ghi nhận trên sổ sách kế toán, nếu giao cho XNK làm thì bộ phận này cũng không có cơ sở để làm.

Một vấn đề nữa trong Thông tư 38/2015/TT-BTC cũng có nêu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lập và lưu giữ sổ chi tiết nguyên vật liệu, lập sổ chi tiết thành phẩm và phải xuất trình khi cơ quan Hải quan có yêu cầu. Những thông tin thể hiện trong mẫu báo cáo 15/BCQT-GSQL lấy từ sổ kế toán mà nguồn gốc lập ra sổ kế toán là chứng từ kế toán, vậy trách nhiệm giải trình phải là bộ phận kế toán chứ không phải bộ phận XNK. Chính vì vậy, bản chất của vấn đề là giám đốc phải giao đúng việc lập báo cáo quyết toán cho bộ phận kế toán. Khi đó, bộ phận kế toán phải chủ động theo dõi các số liệu để đáp ứng các tiêu chí báo cáo như phải lấy số liệu để tìm ra đúng số lượng liên quan đến nguyên liệu nhập SXXK, số lượng thành phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu NK bằng cách thiết lập hệ thống mã nguyên liệu và mã thành phẩm theo đúng loại hình SXXK, gia công, từ đó sẽ giúp cho việc kết xuất số liệu đưa vào báo cáo quyết toán một cách nhanh chóng và chính xác.

Theo bà, giải pháp cho những  DN còn thấy lúng túng với việc lập báo cáo quyết toán là gì?

Việc lập báo cáo quyết toán không khó chỉ có điều DN chưa nhìn nhận đúng để giao đúng việc. Khi DN thực hiện đúng quy trình, xuất-nhập đến đâu phản ánh đến đấy và có đủ giấy tờ để chứng minh thì khi cơ quan quản lý có kiểm tra sẽ có đủ cơ sở để giải trình. Bộ phận kế toán phải phản ảnh vào hệ thống sổ sách kế toán đối với những phát sinh liên quan đến nguyên liệu nhập SXXK, nguyên liệu nhận từ bên đặt gia công, thành phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu NK… phát sinh đến đâu cập nhật đến đấy. Trong quá trình theo dõi, cập nhật số liệu, DN cần tách riêng mã nguyên liệu, và tách thành phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu NK khỏi những thành phẩm được sản xuất từ nội địa, nếu vậy mới lập được báo cáo quyết toán.
Đặc biệt là DN phải quy định trách nhiệm lập báo cáo quyết toán là của bộ phận kế toán của DN. Khi lập Báo cáo quyết toán các bộ phận liên quan như Bộ phận XNK và Bộ phận kho có trách nhiệm cùng kiểm tra đối chiếu số liệu với số liệu của bộ phận kế toán khi có yêu cầu.
Xin cảm ơn bà!
 
(nguồn: baohaiquan.vn)


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia tại Đồng Nai

(HQ Online)- Ngày 11-4, Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) sẽ được thực hiện tại địa bàn tỉnh Đồng Nai theo thông tin từ Tổng cục Hải quan- Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và NSW.
Khu vực cảng Hải Phòng- địa bàn thực hiện NSW đầu tiên trên cả nước. Ảnh: T.Bình. 
 
NSW tại Đồng Nai được thực hiện với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia giải quyết thủ tục gồm: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); Bộ Quốc phòng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Y tế.

Đối tượng doanh nghiệp thực hiện là hãng tàu, đại lý hãng tàu, công ty giao nhận.

Việc thực hiện NSW tại Đồng Nai nằm trong kế hoạch mở rộng thực hiện NSW tại cảng biển của Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và NSW.

Với việc thực hiện thêm tại Đồng Nai, sẽ nâng số địa bàn thực hiện NSW đối với cảng biển quốc tế lên con số 9.

Các địa bàn thực hiện trước đó gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngoài ra, Cơ chế một cửa quốc gia cũng được thực hiện tại 25 cảng vụ hàng hải để phục vụ việc vận chuyển hàng hóa trong nội địa theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

Liên đến mở rộng NSW tại cảng biển, theo kế hoạch, ngoài Đồng Nai còn có thêm địa bàn Cần Thơ. Tuy nhiên, việc thực hiện ở thủ phủ của khu vực Đồng bằng song Cửu Long sẽ lùi lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hải quan, lý do của việc phải lùi lại thời điểm thực hiện tại Cần Thơ vì địa bàn này sẽ có một đơn vị mới tham gia là Bộ Công an thay cho Bộ Quốc phòng như 9 đơn vị trên.

Do vậy, Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và NSW cần có thêm thời gian để thảo luận với Bộ Công an trong thực hiện kết nối hệ thống CNTT và các vấn đề liên quan.
 
(nguồn: baohaiquan.vn)


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com