Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Nuôi dạy con: Người bình thường có ý chí sẽ trở nên khác thường

Bệnh thời đại của cha mẹ thành thị là không bao giờ có thời gian cho mình và gia đình. Luôn thèm có thân hình đẹp và con ngoan. Luôn căng thẳng và thiếu tiền.

Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên bỏ công việc tốt, lương cao ở Mỹ, về Việt Nam xây dựng Công ty Bạn của Bé. đây là công ty phi lợi nhuận với tôn chỉ thiện nguyện, nhằm xây dựng nhận thức và cung cấp kiến thức khoa học dạy con cho các bậc cha mẹ. Việc làm ấy khiến nhiều người bảo chị “khùng”. Một nhà báo phỏng vấn chị từng đặt câu hỏi: “Có người nói chắc không có việc làm bên Mỹ, hoặc là ở Mỹ chị không là ai cả, nên mới về đây hoạt động để đánh bóng tên tuổi. Chị nghĩ sao?”…

Nếu phải trả lời câu hỏi đó thì chị nói sao?
Đó là tự do ngôn luận, họ có lý do của họ. Tôi không cần phân bua. Quý vị nói đúng hay sai không quan trọng. Ai muốn nói, nghĩ gì tôi đều tôn trọng cả, vì đó là suy nghĩ và phát biểu cá nhân.
Nhưng việc làm của chị phải từ một lý do nào chứ?
Năm 1990 rời Việt Nam trong chương trình đoàn tụ gia đình, tôi đã viết: “Tôi hứa rằng tôi sẽ trở lại”. Viết ra giấy, và tờ giấy đó mẹ tôi còn giữ.
Nhưng chị có nhiều bằng đại học: Quản trị kinh doanh, Quan hệ quốc tế, rồi bằng thạc sĩ Chính sách công ở các trường danh tiếng. Những ngành học này có vẻ rất xa với công việc chị đang làm liên quan tới dạy con trẻ?
Quan niệm của tôi về học tập là bất cứ cái gì cũng có thể rút tỉa ra cho cuộc sống. Quản trị kinh doanh cho tầm nhìn chiến lược, rõ ràng, sắp xếp công việc có hệ thống, triết lý kinh doanh, nhân sự, suy nghĩ chín chắn, văn hóa doanh nghiệp. Có kiến thức marketing. Giờ đây nét mạnh nhất của Bạn của Bé chính là văn hóa doanh nghiệp. Nhiều tình nguyện viên giỏi, họ vô ra thường xuyên. Họ vào đây được rèn luyện, thử sức, được sử dụng nguồn lực của Bạn của Bé để thực hiện những ý tưởng sáng tạo của mình. Nếu thành công, trở thành dự án, chương trình sẽ hoạt động chính thức.
Nét gì đặc biệt, như giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp rất đặc biệt ở Bạn của Bé?
Đó là tinh thần phục vụ, tinh thần dân chủ, thẳng thắn trung thực. Hãy hành xử vì danh dự cá nhân, chứ không có cái gọi là danh dự của Bạn của Bé. Danh dự của các cá nhân cộng lại sẽ là Bạn của Bé. Bạn có quyền từ chối, nhưng khi đã nhận thì phải giữ lời. Có hai lỗi không được tha thứ ở đây, nếu mắc phải thì bị buộc nghỉ việc, thứ nhất là cố ý nói dối (cho dù không có hại cho ai) và thứ hai là không tôn trọng những người xung quanh mình, dù chỉ thể hiện bằng thái độ, đặc biệt là với đối tượng mà mình phục vụ. Thí dụ trao quà cho trẻ em, dù làm từ thiện cũng phải cúi người ngang với em đó, không được như người trên cho người dưới. Nếu có thái độ gớm hãi với người khuyết tật là bị đuổi liền. Chúng tôi làm hội thảo ở dinh Thống Nhất, giá vé một triệu rưỡi, nhưng người nghèo được mời. Nếu nhân viên nào gặp người nghèo khổ mà tỏ ra kênh kiệu cũng bị đuổi việc.
Chị là một người đẹp chưa xây dựng gia đình, chưa có con, vậy có trở ngại gì không trong công việc phải rất hiểu trẻ em này?
Tôi rất tự tin. Kinh nghiệm thì học từ đâu chẳng được. Người thợ, nghệ nhân mới truyền bằng kinh nghiệm, còn tôi giảng dạy bằng thông tin khoa học. Quan trọng là tôi có thực nghiệm hay không. Tôi có tới bảy đứa cháu và có bằng thạc sĩ có khả năng nghiên cứu. Ngành gì chẳng làm được. Tôi có thể không giỏi như những người trong ngành nhưng tôi lại có ưu thế của người chia sẻ có khoa học, chắt lọc bởi cái đầu được đào tạo chính quy theo tiêu chuẩn quốc tế.
Những khóa học của Bạn của Bé như “Cách dạy con hợp lý”, “Dạy con về tiền bạc”, “Kỵ luật không nước mắt” có khác gì những khóa học nở rộ về kỹ năng sống đã có rất nhiều ở Việt Nam?
Năm 2009 tôi về nước nghiên cứu theo học bổng Fulbright cấp cho 11 tháng, nhưng tôi ở lại luôn. Khi nghe nói đề tài và công việc của tôi là làm cha mẹ phải đi học, ai cũng bảo khùng, không khả thi, không ai thèm nghe đâu. Nay thì sáu ngàn người đã nghe, nhiều người sẵn sàng đi học. Chúng tôi đã cố gắng xây dựng được nhận thức nuôi dạy con là rất quan trọng.
Nuôi dạy con là rất quan trọng. Có vẻ điều này cha mẹ nào cũng biết. Có ai cho là không quan trọng đâu?
Đúng thế, ai cũng cho là quan trọng nhưng rất nhiều người cho là mình biết rồi. Bây giờ thiếu gì phương tiện, sách báo, mạng internet, đọc là đủ. Khắp nơi trên thế giới tưởng thế. Họ dư thông tin chung chung, nhưng lại thiếu thông tin chi tiết, làm một cách có hệ thống. Có biết bao thông tin tràn ngập, lời nói mơ hồ của các quan chức phát biểu hằng ngày… các nguyên lý chung đầy rẫy. Chương trình “Kỷ luật không nước mắt” vừa rồi như một cơn sốt. Một ngàn năm trăm người ở Hà Nội đón nhận. Trình bày kỹ từ tư duy, lối sống đến hành động, lời nói.
Điều gì thuyết phục đến vậy?
Tôi thay đổi triết lý sống, cho họ cảm nhận thực sự bạo lực là xấu và hại thế nào, từ chối mạnh mẽ cỡ nào, nói không với bạo lực, cam kết ngay tại lớp học. Phải có lối sống này mới thành công được. Có cả cách làm cụ thể tới mức như cầm tay chỉ việc cho họ. Từ cách phạt, chê, khen, nói, làm, ăn, ngủ, tắm, giặt… Rồi nghiên cứu trường hợp cụ thể (case study).
Đánh trẻ là không nên, ai cũng biết vậy. Nhưng nghe nói, trong lớp học này chị đã làm khối người “giật mình”. Có gì vậy?
Nói thế này chị có giật mình không nhé: Khi dùng bạo lực với trẻ em thì ảnh hưởng toàn diện và suốt đời đứa nhỏ, ảnh hưởng toàn diện tới hạnh phúc và sự thành công hay thất bại của đứa nhỏ. Nào, chị đã giật mình chưa?
Nhiều người nói, ai chẳng có lúc đánh con một cái, ảnh hưởng gì đâu?
La lối, chê bai, mỉa mai, chọc giận… làm trẻ tiết cortisol để chống lại căng thẳng. Nó giúp cho trẻ thoát khỏi khó khăn, giúp trẻ thoát hiểm. Nếu đời đứa trẻ toàn cortisol (ví dụ như trẻ không ngủ, cha mẹ đánh đòn bắt phải ngủ, trẻ sẽ đi ngủ với cortisol), trẻ sẽ chậm phát triển toàn diện. Xương trẻ sẽ nhỏ hơn, mạch máu, hộp sọ cũng nhỏ, yếu ớt hơn. Khoa học đã nói nhiều về tiềm thức, về ý thức và sự tác động giữa sự chủ động được và không chủ động được. Nghiên cứu sâu sẽ hiểu vì sao cô gái chọn phải người không tốt…, hóa ra là tiềm thức chọn, tiềm thức yêu. Hiểu được nguyên nhân những thất bại trong cuộc sống, trong hôn nhân… Cha mẹ đánh con, đứa trẻ sẽ tin một điều rằng cách giải quyết mọi sự tốt nhất, nhanh nhất là dùng bạo lực. Đó, có ai nghĩ rằng đánh con sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời con đâu. Vì thế, nhiều cái để giật mình lắm! Nhiều lần lắm.



Nhiều điều các bậc cha mẹ nghĩ biết rồi hóa ra là chưa đủ, vậy sức hút của lớp học do chị trình bày có phải do chị đưa ra cụ thể cách làm? Giống như thầy thuốc kê toa, xin chị đưa ra một thí dụ cụ thể?
Thí dụ mà nhà ai cũng dễ gặp, đứa trẻ đang xem tivi, đã đến giờ đi tắm, đi ngủ hoặc phải làm bài… giục trẻ không được, nhiều vị dùng “quân sự nghiêm khắc” xông vào tắt tivi cái rụp. Làm thế sao con không bức xúc! Có công thức năm bước như sau, đầu tiên, hỏi con bằng câu hỏi mở (đừng nói: “Con ơi, đến giờ tắm rồi”, có vẻ vẫn ra lệnh. Cũng đừng hỏi: “Con ơi, đi tắm chưa?”, vì chắc chắn trẻ sẽ trả lời là “chưa”). Hỏi câu hỏi mở: “Sắp tới giờ làm gì hả con?”, trẻ trả lời “tắm”. Cũng có đứa trì hoãn, nói chuyện khác, hãy bảo trẻ xem thời khóa biểu sinh hoạt, trẻ sẽ thấy mình nói không đúng. Tiếp theo: “Năm phút nữa tắt tivi con nhé”. Tiếp: “Một phút nữa thôi là tắt nhé”. Rồi bước tiếp: “Tắt nhé”. Bước thứ năm: “Mai coi tiếp”.
Nghe công thức này có người sẽ nói: “Lằng nhằng mất thời gian quá”?
Giải quyết cơn khóc lóc, nói bậy, còn tốn thời gian hơn. Người Mỹ có câu: Nobody has time, people make time, không ai có sẵn thời gian, mà người ta làm ra thời gian. Việc gì ta coi là quan trọng sẽ có thời gian cho nó.
Nhưng có một sự thật là con người ngày nay rất thiếu thời gian?
Cha mẹ không phải bỏ ra rất nhiều thời gian, mà bỏ sao cho con thấy mình chính là ưu tiên số 1 của cha mẹ. Nếu đã định một tuần bỏ ra cho con nửa giờ thôi chẳng hạn, thì phải coi trọng, đúng ngày giờ đó, không thay đổi. Nếu bận đột xuất phải giải thích, phải bù lại, xin lỗi. Giờ dành cho con thì không tivi, không điện thoại. Tập trung 100% cho đứa nhỏ.
Theo chị, nhân tố chính cha mẹ cần có nhất để dạy con là gì?
Phải là người có đạo đức và có kỷ luật cá nhân. Không có kỷ luật cá nhân sẽ không có đạo đức.
Làm thiện nguyện, công ty hoạt động phi lợi nhuận, chị dựa vào nguồn tài chính nào đảm bảo hoạt động của công ty?
Tiền để dành quỹ về hưu vì lương tôi trước đây khá cao. Năm 1998 lương 52 ngàn USD một năm, vậy là cao hơn cả lương kỹ sư có mười năm kinh nghiệm. Tôi tằn tiện vì biết có ngày này.
Về Việt Nam tôi “cày” như trâu. Dạy học tại Trường Đại học Hoa Sen, xây dựng chương trình tư duy phản biện, dạy tiếng Anh cho một số doanh nhân, dạy kỹ năng thương lượng, giải quyết vấn đề – dành cho doanh nghiệp đa quốc gia. Mở các lớp học khác. Tham gia viết báo… Nhưng tôi cũng tập trung vào việc chính, vì nhớ câu nói của người Nam bộ: “Nhiều nghề, cá trê húp nước”.
Nói thật, cái gì đã làm, tôi đều đạt trên trung bình. Chạy xe cà rề, nhưng khi cần, tôi cũng có thể lượn như thanh niên đi bão…
Chị có nhiều chương trình, vậy có dựa vào giáo trình nào chủ yếu không?
Tôi tự nghiên cứu, tự soạn cho thích hợp. Có lần tôi nói về cách dạy con cách tự bảo vệ, ngồi bên dưới có một phóng viên. Cuối buổi, anh lên hỏi xin tôi bài soạn để có thể dựa vào đó viết bài. Khi đưa anh tờ giấy tôi dùng để giảng, anh nổi giận tưởng tôi đùa vì trên đó chỉ có ba dòng, mỗi dòng ba chữ, tôi dùng như thẻ nhớ lúc trình bày.
Chị có nghiên cứu xem chương trình của mình có thể đóng góp gì cho chương trình của hệ thống giáo dục trong nước hiện nay?
Tôi có tham gia triển khai hướng dẫn cho các giáo viên cấp 1 và mẫu giáo ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Giúp họ cách đo sức lực trẻ em, cách khuyến khích làm việc tốt, nói sao cho không tổn thương, khen sao khuyến khích thánh thiện… Cách thức cụ thể chê, khen, phạt, nói chuyện vui, đọc sách… Tiến hành ba chương trình: Chương trình “Cha mẹ am hiểu” (dạy trẻ sinh hoạt, lứa tuổi từ 1 đến 10), Chương trình “Cha mẹ tuyệt vời” (dạy trẻ tuổi teen) và chương trình “Cha mẹ hồn nhiên” (dạy trẻ từ 1 đến 18 tuổi…).
Nhiều chương trình hay và thiết thực vậy, chị có định viết sách?
Tôi sẽ viết cuốn sách về chương trình “Kỷ luật không nước mắt” vì nhiều người đòi hỏi quá, tôi đã bắt đầu, vừa rồi qua Nhật tính sẽ hoàn thành, nhưng cuộc sống của tôi bên đó không được như mong đợi. Tôi có suy nghĩ điên rồ này: “Nếu mình có gia đình, có con thì chỉ một, hai đứa con đó sung sướng, còn hàng triệu đứa sẽ không được sướng”.
Sao lại gọi là ý nghĩ điên rồ?
Mắc mớ gì lo cho triệu đứa. Đâu có ai bắt tôi phải trách nhiệm với thế giới? Chỉ người điên mới vậy thôi.
Cuộc sống của chị ở Việt Nam thế nào?
Tôi sống trong văn phòng, nhà cấp 4 đường Trần Hữu Trang, quận Phú Nhuận. Dột tùm lum. Xưa là một lò rang cà phê. Chúng tôi sửa lại. Chỗ tôi ngủ là một tấm chiếu nằm lòi tay lòi chân. Không máy lạnh, không bếp, lò viba. Tôi thấy vậy cũng được.
Đã từng trải cuộc sống sang trọng, chị vẫn chịu được khổ à?
Chỉ có nỗi sợ lớn nhất là bệnh thôi. Nơi sống không làm tôi bệnh là đủ rồi. Có ở khách sạn năm sao khi đi công việc cũng chỉ cốt đảm bảo vệ sinh. Còn nhà mình sạch là được rồi.
Làm việc tại Việt Nam, nhiều người rất sợ va chạm tới thủ tục hành chính. Chị có bị nỗi sợ này không?
Cũng có va chạm nhiều, nhưng người ta làm sao mình làm vậy. Chỉ có xin phép hội thảo ở dinh Thống Nhất là trả tiền vì có diễn giả nước ngoài thôi, tôi bắt đầu nhận được sự giúp đỡ, như dịch vụ mail, họ cho luôn.
Chắc chị có nhiều kỵ niệm đáng nhớ khi được sống ở Việt Nam?
Lần đầu tiên ra Hà Nội, đêm tôi lang thang phố cổ, thấy một phụ nữ đang bới đống rác, tôi dừng lại hỏi chị tìm gì, chị bảo nhặt để kiếm tiền sống. Tôi nói sẽ cho chị tiền. Chị vội nói: “Em đừng giở ví tiền ra, có kẻ thấy sẽ giật của em, em đi về đi”. Chị ấy dẫn tôi ra tận đoạn đường có ánh sáng mới quay lại.
Chuyện thứ hai cũng ở Hà Nội. Tôi chỉ vào tô bún, bà chủ quán lấy tôi 15 ngàn, trong khi lấy mọi người bảy ngàn. Chị tưởng tôi người ngoại quốc nên lấy đắt. Tôi hỏi, chị có con nhỏ không, tôi tặng gói sô-cô-la. Chị nói hóa ra tôi người Việt à, và trả lại tám ngàn. Tôi nói có phải cho sô-cô-la để lấy lại mấy ngàn đâu, chị hãy giữ số tiền đó cho người ăn xin bị đói. Chị hứa sẽ làm như thế. Vậy đó, con người ta rất nghèo khổ nhưng cũng rất lương thiện.
Chị có đào tạo giảng viên thay thế mình không?
Tôi không đào tạo kiểu đó. Bởi vì ai thích thì tự nghiên cứu thực nghiệm, học hỏi thì tôi sẽ giúp, người như thế mới có khả năng thay đổi tư duy, tâm lý người nghe. Đào tạo kiểu nào đó sẽ chỉ có vỏ chứ không có ruột. Từ cá nhân mình suy ra, tôi thấy có rất nhiều nguồn để nghiên cứu, học hỏi. Quản trị kinh doanh, lịch sử, luật pháp, chính sách công… Từ Phật, Chúa, Thiền… có gì hay trong thực tế tôi cũng vận dụng vào. Cái đó ai đào tạo được đâu.
Khó khăn nhất mà chị gặp phải là gì?
Chính là tâm lý của tôi, rất tồi tệ từ bé. Hơn ba tuổi do hoàn cảnh chiến tranh và thời cuộc, gia đình chia ly, cả thế giới như biến mất. Cảm giác bị bỏ rơi thúc đẩy tự phá mình. Tôi thất bại nhiều lần trong tình yêu, không có bạn bè một thời gian dài, mất tự tin, cảm thấy mình yếu kém, xấu xí. Tôi biết vấn đề của mình, bị trầm cảm. Hệ quả là đôi khi rơi vào tình trạng không quyết định được (vô phúc trúng lúc phải quyết định vấn đề hệ trọng là chết). Nay đỡ hơn vì nhận ra vấn đề.
Chị có gặp nhiều vấn đề bức xúc như mọi người ở đây thường gặp không?
Cách đây một tháng thôi, tôi tưởng không thể nào chịu nổi cuộc sống ở đây. Đi đâu cũng gặp rác, tiếng ồn, giả dối, không giữ lời, bị hoạnh họe, ai nói câu gì cũng sợ. Tôi gặp chuyên gia Nguyễn Việt Nữ, chị ấy nói một câu tôi đã biết nhưng quên đi, khiến tôi giật mình: “Nếu mới về nước mà bực mình thì đúng. Ở bốn năm vẫn bực mình là em dở, không thích nghi. Lúc nào cũng cho mình là đúng, đứng bên trên, áp đặt vào người ta”.
Nhưng bực vì thói xả rác chẳng hạn, thì có gì sai, ai chẳng bực?
Vấn đề là, ta đã nghe, Chúa cho con người sức mạnh để chấp nhận những gì không thay đổi được, cho lòng can đảm để thay đổi những gì thay đổi được, và cho trí thông minh để hiểu được sự khác biệt. Vì thế tôi nghĩ chấp nhận vui vẻ, đừng ngồi chịu đựng, tự giết mình.
Chị nghiên cứu về dạy trẻ, có để ý sự khác biệt, trẻ con Tây đến nơi công cộng thì rất trật tự, còn trẻ con ta thì la hét, chạy nhảy rất ồn ào?
Những quy tắc ứng xử, chính cha mẹ cũng không biết thì lấy đâu ra để dạy con. Đứa trẻ được giáo dục biết ứng xử nơi công cộng, nơi sang trọng, nơi bần cùng nghèo hèn, biết chỗ nào được chạy, la hét, lúc nào làm gì. Không như con thú hoang.
Chị có thể vẽ ra chân dung một đứa trẻ ngày nay?
Toàn thế giới, hình ảnh đứa trẻ ở thành thị, là ghiền net, đồ điện tử, thèm khát gần gũi với con người, nhất là cha mẹ. Cha mẹ cũng thèm khát, nhưng không tìm cách tiến tới gần nhau. Đứa trẻ béo phì, luôn thèm ăn, thực sự là đói dinh dưỡng, nhưng chỉ ăn những thứ không dinh dưỡng nên tiếp tục béo phì.
Nhưng thời đại cũng tìm ra bao nhiêu thứ sản phẩm dinh dưỡng ngày càng tốt hơn mà. Thời nay có thiếu cái gì?
Do cha mẹ không có thời gian nên không thực sự ưu tiên cho con là số 1. Bên cạnh đó khoa học về quản lý, marketing, quảng cáo cho đồ ăn nhanh fastfood quá hiệu quả.
Thế còn hình ảnh bậc cha mẹ thời hiện đại?
Bệnh thời đại của cha mẹ thành thị là không bao giờ có thời gian cho mình và gia đình. Luôn thèm có thân hình đẹp và con ngoan. Luôn căng thẳng và thiếu tiền.
Vậy “đơn thuốc” cho những căn bệnh thời đại này là gì?
Đơn thuốc duy nhất: Thèm cái gì thì bỏ thời gian công sức sẽ có thôi. Cha mẹ thì dành thời gian chăm sóc mình và con cái. Tập thể thao, ăn đồ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, có bạn bè, đọc sách. Lại có câu của người Mỹ: What you focus will expand được hiểu là có tập trung thì mới làm được việc.
Xin cảm ơn chị.
(DNSG)

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com