Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Hiện đại hóa hải quan bằng hệ thống thông quan tự động

(VNACCS.com) - Sau tám năm triển khai cải cách hiện đại hóa, ngành Hải quan đã khẳng định tính ưu việt với nhiều chức năng, nghiệp vụ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin rút ngắn thời gian phản hồi giữa cơ quan Hải quan với cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập quốc tế, ngành Hải quan đang nỗ lực hoàn thiện hơn nữa thủ tục hải quan, nâng cao mức độ tự động hóa thủ tục, đặc biệt tại khâu thông quan.

Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam-Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã viện trợ không hoàn lại cho Hải quan Việt Nam xây dựng Hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS).

Việc xây dựng hệ thống VNACCS/VCIS ngoài đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước cũng như các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong quản lý hải quan còn đáp ứng mục tiêu cao hơn là tạo điều kiện tối đa để hoạt động xuất nhập khẩu.

Dự án này có tầm quan trọng đối với ngành Hải quan về đổi mới phương thức quản lý, thói quen và kinh nghiệm quản lý theo phương pháp quản lý tiên tiến.

Bên cạnh đó, việc triển khai Dự án còn góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2015 và Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2020.

Nguyên tắc khi xây dựng hệ thống VNACCS/VCIS là tiếp nhận tối đa chuẩn mực và tư duy quản lý của Nhật Bản. So với hệ thống thông quan điện tử mà Hải quan Việt Nam đang áp dụng, hệ thống VNACCS/VCIS có mức độ tự động hóa cao hơn.

Áp dụng VNACCS/VCIS sẽ thay đổi căn bản phương thức quản lý của Hải quan Việt Nam, tự động hóa ở cấp độ cao cho phép nâng cao hiệu quả quản lý và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp gấp nhiều lần so với hiện nay.

Theo Tổng cục Hải quan, VNACCS/VCIS là bước nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm soát và thông quan hàng hóa của thủ tục hải quan điện tử. Đến nay đã có gần 40.000 doanh nghiệp tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Cục trưởng Cục công nghệ thông tin và thống kê Hải quan, Phó Trưởng ban thường trực Ban Triển khai dự án VNACCS/VCIS cho biết, việc triển khai VNACCS/VCIS sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp như thời gian thông quan nhanh hơn, độ chính xác cao hơn, ổn định hơn.

Việc kiểm tra cho phép thông quan một lô hàng chỉ tính bằng giây, thay cho thời gian từ 5-15 phút cho một lô hàng thông quan điện tử.

Đối với cơ quan hải quan, hệ thống VNACCS/VCIS sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cải cách, hiện đại hóa theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến.

Các quy trình thủ tục được đơn giản hóa, chuẩn hóa, áp dụng tối đa công nghệ thông tin nên vừa giảm tải áp lực công việc cho cán bộ, công chức, vừa hỗ trợ tối đa công tác giám sát, quản lý của cơ quan hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nói chung cũng như hàng hóa kinh doanh theo loại hình tạm nhập, tái xuất nói riêng.

Việc áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS đòi hỏi trách nhiệm cao của các bên tham gia, từ người xuất khẩu, nhập khẩu đến người vận chuyển, kinh doanh dịch vụ kho, bãi cảng.

Khi áp dụng hệ thống VNACCS/VCIS, dự kiến các công chức hải quan chỉ còn xử lý khoảng 40% số tờ khai so với hiện tại. Các tờ khai luồng xanh không còn được hiển thị trên màn hình kiểm tra tại cửa khẩu, công chức hải quan chỉ còn xử lý hoặc chuyển luồng các tờ khai luồng vàng và luồng đỏ.

Các chi cục hải quan có thể tập trung bố trí cán bộ, công chức trong công tác kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thuế, kiểm tra thực tế hàng hóa, vì vậy chất lượng công tác kiểm tra hải quan sẽ được nâng lên.

Tuy nhiên, hệ thống VNACCS cũng đòi hỏi mức độ sẵn sàng cao của cán bộ hải quan và doanh nghiệp trong việc vận hành hệ thống khi mà giao diện, cách vận hành, chỉ tiêu thông tin và cách nhập liệu hoàn toàn khác so với hệ thống điện tử hiện tại.

Nếu không có sự chuẩn bị, khi hệ thống vận hành chính thức, doanh nghiệp có thể sẽ lúng túng và gặp nhiều sai sót ảnh hưởng đến việc khai báo và thông quan hàng hóa của chính doanh nghiệp.

Từ giữa tháng 11 vừa qua, Tổng Cục Hải Quan đã chạy thử nghiệm Hệ thống VNACCS/VCIS tại tất cả các chi cục hải quan trên toàn quốc như một bước tập dượt cho cả cán bộ hải quan và doanh nghiệp nhằm thực hành sử dụng thành thạo các quy trình nghiệp vụ trên hệ thống mới này.

Khi tham gia chạy thử, bên cạnh việc các doanh nghiệp được làm quen với hệ thống còn giúp ngành Hải quan phát hiện ra lỗi, các sai sót để kịp thời khắc phục, đảm bảo Hệ thống vận hành ổn định khi triển khai chính thức.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, khi tham gia vận hành thử, doanh nghiệp sẽ được hưởng sự hỗ trợ cao nhất từ cơ quan hải quan.

Ban Triển khai dự án VNACCS/VCIS tại cơ quan Tổng cục và Bộ phận hỗ trợ của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố sẽ túc trực hỗ trợ người sử dụng trên toàn quốc với các hình thức như hỗ trợ trực tiếp, thông qua điện thoại và qua Cổng thông tin điện tử Hải quan.

Tuy nhiên, theo Ban triển khai Dự án VNACCS/VCIS (Tổng cục Hải quan) lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia quá trình chạy thử đến thời điểm này còn khá hạn chế so với số lượng doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

Số liệu của ngành hải quan cho thấy đến cuối tháng 11/2013 mới có khoảng hơn 8.000 doanh nghiệp trên tổng số trên 40.000 doanh nghiệp tham gia quá trình chạy thử. Điều này cũng cho thấy mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp tham gia vào hệ thống VNACCS/VCIS chưa cao.

Trong khi việc tham gia quá trình chạy thử là hết sức quan trọng để doanh nghiệp làm quen và sử dụng thành thạo trước khi áp dụng chính thức vào ngày 1/4 năm 2014./.

(Theo Vietnamplus)

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com