Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Hiện đại hóa cùng VNACCS/VCIS

(VNACCS.com) - Những ngày cuối năm 2013 và đầu năm 2014, ngành Hải quan đang hối hả với việc chạy thử Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Đây là giai đoạn quan trọng để hoàn chỉnh Hệ thống trước khi vận hành chính thức ngày 1-4-2014. Sự kiện vận hành chính thức VNACCS/VCIS đánh dấu một chặng đường phát triển mới quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa hải quan. Tại sao lại là VNACCS/VCIS? Hệ thống sẽ mang lại sự thay đổi thế nào trong thực hiện thủ tục hải quan và đem đến lợi ích gì cho DN?


Tại sao là VNACCS/VCIS?
Ngày 22-3-2012, lãnh đạo Bộ Tài chính kí kết và trao đổi Công hàm và Hiệp định tài trợ cho Dự án “Xây dựng, triển khai hải quan điện tử và thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa hải quan” (gọi tắt là Dự án VNACCS/VCIS) với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam. Có thể nói, đây là cột mốc quan trọng về hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc xây dựng và hiện đại hóa Hải quan Việt Nam phục vụ mục tiêu sớm đưa nước ta vào nhóm các nước có nền hải quan hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 tại Quyết định 448/QĐ-TTg).

Tại sao Hải quan Việt Nam không tiếp tục thực hiện hệ thống thông quan điện tử đang vận hành (thí điểm từ năm 2005, mở rộng thí điểm năm 2009 và thực hiện chính thức từ 1-1-2013) mà lại xây dựng một hệ thống thông quan tự động mới dựa trên nền tảng công nghệ của nước ngoài? Và vì sao lại là VNACCS/VCIS trên nền tảng công nghệ Nhật Bản?

Ông Nguyễn Mạnh Tùng- Cục trưởng Cục CNTT & Thống kê Hải quan, Tổng cục Hải quan chia sẻ: Để phục vụ yêu cầu cải cách, hiện đại hoá, trong nhiều năm qua, ngành Hải quan luôn chú trọng tìm kiếm một hệ thống CNTT hiện đại, đủ mạnh để đáp ứng mục tiêu của Ngành và yêu cầu từ Chính phủ, Bộ Tài chính. Để thực hiện, song song với các công việc liên quan đến cải cách, hiện đại hoá, Hải quan Việt Nam luôn tìm hiểu về hệ thống thông quan tự động ở các quốc gia phát triển. Ngành Hải quan xác định việc xây dựng một hệ thống CNTT đủ mạnh là yêu cầu cấp thiết và quan trọng để có thể đưa Hải quan Việt Nam sớm đạt trình độ các nước tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu hội nhập, phát triển và mục tiêu của Chiến lược phát triển Hải quan. Trên thế giới, thường có 3 cách để đầu tư một hệ thống CNTT. Thứ nhất, tự đầu tư, phát triển; thứ hai, mua sản phẩm có sẵn; thứ ba, hợp tác song phương để sử dụng.

Sau khi nghiên cứu và cân nhắc với tình hình thực tế, Hải quan Việt Nam quyết định đi theo con đường thứ ba. Khi chủ trương này được thống nhất, Tổng cục Hải quan tiến hành khảo sát ở một số nước có trình độ tiên tiến. Trong quá trình khảo sát tại Nhật Bản (Công nghệ thông quan tự động NACCS của Nhật Bản được phát triển từ những năm cuối của thập niên 70 của thế kỉ 20 và liên tục được thay đổi, cập nhật về công nghệ), phía bạn đã chủ động đề xuất gói hỗ trợ công nghệ này.

Tháng 5-2011, Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản đã chuyển thư của Bộ trưởng Tài chính (thời điểm đó) Yoshihiko Noda cho đoàn khảo sát của Việt Nam đề xuất trao gói viện trợ về công nghệ NACCS. Nhật Bản sẽ xem xét viện trợ không hoàn lại nếu có yêu cầu từ Việt Nam. Sau khi nhận được đề xuất từ phía bạn, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Tài chính Việt Nam đã có thư cảm ơn và đề nghị Nhật Bản viện trợ không hoàn lại. Đồng thời Chính phủ hai bên chỉ đạo Bộ Tài chính mỗi nước tiếp tục triển khai các công việc liên quan.

Cuộc chạy đua nước rút
Sau khi Dự án được kí kết, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã quyết định thành lập Ban triển khai Dự án và Ban quản lí Dự án do Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh làm Trưởng ban kiêm Giám đốc để tổ chức thực hiện. Phía Nhật Bản cũng huy động hàng chục chuyên gia, chủ yếu đến từ Hải quan Nhật Bản sang làm việc (dài hạn và theo đợt) để hỗ trợ Hải quan Việt Nam.
Theo quy định của luật pháp Nhật Bản, Dự án viện trợ như đối với Dự án VNACCS/VCIS chỉ có thời gian thực hiện trong khoảng 2 năm (2012-2014). Trong khi đó khối lượng cộng việc cần làm hết sức lớn. Để Dự án về đích đúng hạn, đảm bảo chất lượng, Hải quan Việt Nam, nhất là đội ngũ làm việc chuyên trách tại Ban triển khai Dự án và các chuyên gia Nhật Bản đã phải chạy đua với thời gian.

Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện, 2 bên đã trải qua hơn 30 phiên làm việc chính thức (khoảng 1 đến 2 tuần/phiên) và hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ. Đó là xây dựng và hoàn thiện thiết kế chi tiết quy trình nghiệp vụ trong hệ thống VNACCS/VCIS; thiết lập các tiêu chí kĩ thuật; thiết kế phần mềm hệ thống; xây dựng tệp dữ liệu tập trung (CSF)… Về hạ tầng CNTT, ngành Hải quan đã lắp đặt xong toàn bộ trang thiết bị phần cứng tại Trung tâm quản lí và vận hành hệ thống CNTT; triển khai hệ thống máy chủ tại 9 vùng trọng điểm; nâng cấp hệ thống vệ tinh kết nối với VNACCS/VCIS… Đặc biệt, công tác đào tạo, tập huấn cho CBCC và DN- một nội dung quan trọng cũng được hoàn tất. Ngành Hải quan tổ chức 16 lớp đào tạo tổng quan cho 1.200 CBCC và mở 3 lớp đào tạo chi tiết 3 khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam… Đồng thời các đơn vị Hải quan địa phương cũng tổ chức đào tạo cho hàng nghìn CBCC và hàng chục nghìn DN XNK.

Vấn đề sử dụng chữ kí số (CKS)- điều kiện bắt buộc khi thực hiện VNACCS/VCIS đã được Bộ Tài chính ban hành lộ trình triển khai tại Quyết định 2341/QĐ-BTC (ngày 18-9-2013). Từ  1-11-2013 CKS được sử dụng chính thức trong TTHQĐT và VNACCS/VCIS (cả quá trình chạy thử nghiệm và chính thức)…

Hiện nay, VNACCS/VCIS đang được vận hành thử nghiệm để giúp CBCC hải quan, DN làm quen, đồng thời qua chạy thử nghiệm phát hiện các lỗi, các bất cập của Hệ thống để kịp thời chỉnh sửa, đảm bảo khi vận hành chính thức (từ 1-4-2014) đạt hiệu quả cao nhất.
(Theo Baohaiquan - Tác giả: Thái Bình)
VNACCS/VCIS dưới góc nhìn của DN FDI
Ông Makoto Sawairi - Tổng Giám đốc Công ty Yazaki EDS Việt Nam:
Công ty chúng tôi đã có 18 năm hoạt động tại Việt Nam. Thủ tục, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Thủ tục hải quan được cải cách vượt bậc, từ khai báo hải quan thủ công, khai báo bằng phần mềm, khai báo từ xa, đến thủ tục hải quan điện tử và nay là chương trình VNACCS/VCIS.
Chương trình VNACCS/VCIS đã được cơ quan Hải quan tập huấn cho DN, đồng thời hỗ trợ trong việc cài đặt phần mềm. Hiện nay, chương trình đang ở giai đoạn chạy thử nghiệm, nên chưa thể đánh giá ngay được hiệu quả của nó. Nhưng qua nội dung giới thiệu, chúng tôi nhận thấy có một điều chắc chắn sẽ tạo thuận lợi hơn cho hoạt động XNK của DN nếu vấn đề kĩ thuật về đường truyền được khắc phục. Ở Nhật Bản, NACCS được triển khai từ những năm 1978. Là một trong những nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, chúng tôi rất ủng hộ, tin tưởng tham gia VNACCS/VCIS được ngành Hải quan Việt Nam áp dụng từ tháng 4-2014.
Ông Yamaguchi Kimio - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM
Hiện nay, bản gốc giấy phép nhập khẩu có dấu xác nhận của hải quan vẫn được sử dụng trong quá trình vận chuyển hàng ra khỏi bãi container, vận chuyển hàng trong nội địa và bốc xếp hàng tại cảng xuất khẩu, chuyển tiền ra nước ngoài để quyết toán giao dịch… Sau khi áp dụng VNACCS, bản gốc này sẽ không còn cần thiết nữa, giấy chứng nhận chỉ cần là bản in thông báo cho phép nhập khẩu từ hệ thống VNACCS, điều này thật là tuyệt vời, sẽ làm giảm chi phí dịch vụ cho đối tác bởi chi phí giao nhận sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, trên thực tế tại địa phương vẫn còn một số bộ phận vẫn tiếp tục yêu cầu bản gốc của giấy phép nhập khẩu có đóng dấu, như vậy việc không cần bản gốc sẽ không còn ý nghĩa. Để quá trình cải cách giảm thiểu thủ tục, giấy tờ một cách có hiệu quả, chúng tôi rất mong cơ quan hữu quan, ban ngành khác cùng phối hợp thực hiện việc này.
Ông Drew Graham Richmond - Tổng Giám đốc Sparton Vietnam
 Trong thời gian qua, Sparton Vietnam đã được cơ quan Hải quan và DN cung cấp phần hỗ trợ cài đặt và tập huấn chương trình VNACCS. Hiện nay, chúng tôi đang tham gia thực hành. Tuy chưa thực hiện chính thức, nhưng tôi thấy, chương trình này sẽ tiết kiệm được thời gian làm thủ tục, DN chủ động trong việc đăng ký tờ khai hải quan bất kỳ lúc nào, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Tiết kiệm được một số lượng đáng kể các giấy tờ, chứng từ kèm theo trong bộ hồ sơ hải quan. Đặc biệt, hệ thống này liên kết với các bộ, ngành, giúp DN tiết kiệm thời gian trong việc xin cấp phép của các cơ quan chuyên ngành.
Tuy nhiên chúng tôi cũng lo ngại, do đặc thù của DN là gia công sản phẩm điện tử, trung bình mỗi tháng làm thủ tục XNK khoảng 800 tờ khai hải quan, nên vào những lúc cao điểm sản xuất, hàng hóa cần xuất khẩu gấp, DN chủ động khai báo, đăng ký tờ khai XK trước, nhưng đến lúc XK thì số lượng rất dễ bị thay đổi (do lỗi máy móc  - thiết bị, lỗi công nhân, lỗi sản phẩm…) cần điều chỉnh số lượng nên hủy tờ khai thì hàng hoá sẽ bị rơi vào luồng Đỏ do quy trình quản lý rủi ro của hệ thống. 
T.H (ghi)




Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com