Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Không hạn chế hàng hóa làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu

(HQ Online)- Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 21-1-2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan thay thế Nghị định 154/2005/NĐ-CP, là cơ sở pháp lý mới để cải cách thủ tục hải quan.
Căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu. Ảnh: T.TRANG 
 
Tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan đã quy định rõ: “Căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập.
Căn cứ vào quy hoạch và công bố hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định việc tổ chức bộ máy và bố trí lực lượng làm thủ tục hải quan.
Căn cứ vào quy hoạch và công bố hệ thống cảng nội địa có hoạt động XK, NK, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng XK, NK hàng hóa được thành lập trong nội địa, quy hoạch cảng hàng không quốc tế và kim ngạch hàng hóa XNK, khối lượng công việc tại các khu vực có hoạt động XK, NK, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định điều kiện, thủ tục thành lập, chấm dứt hoạt động địa điểm làm thủ tục hải quan, kho hàng không kéo dài”.
Phân tích về quy định mới này, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể các mặt hàng NK được phép chuyển cửa khẩu, chủ yếu là thiết bị, máy móc, nguyên liệu, vật tư, linh kiện… phục vụ mục đích sản xuất, hàng tiêu dùng nhập khẩu để kinh doanh trực tiếp, bán tiêu thụ tại thị trường nội địa thì không được phép chuyển cửa khẩu.
Việc hạn chế mặt hàng NK được phép chuyển cửa khẩu tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP là do đặc thù các DN chủ yếu là vừa và nhỏ, một số DN tính tuân thủ pháp luật thấp trong khi công tác quản lý của cơ quan Hải quan còn hạn chế, thiếu sự phối hợp giữa 2 đầu (cửa khẩu nhập và địa điểm nội địa), đồng thời là biện pháp kiềm chế nhập siêu trong giai đoạn Việt Nam bị thâm hụt cán cân thương mại quốc tế.
Quá trình thực hiện Điều 18 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP từ năm 2005 đến nay cho thấy xu hướng hạn chế mặt hàng NK chuyển cửa khẩu không còn phù hợp với thực tiễn bởi theo Phụ lục tổng quát Công ước Kyoto sửa đổi, tại chuẩn mực 3.1: “Cơ quan Hải quan phải chỉ định các đơn vị Hải quan tại đó hàng hoá có thể được xuất trình hay được làm thủ tục thông quan. Khi quyết định về thẩm quyền hay về địa điểm của các đơn vị hải quan này phải tính đến các yếu tố về yêu cầu của hoạt động kinh doanh”.
Như vậy, Công ước Kyoto không hạn chế mặt hàng NK được chuyển cửa khẩu, các qui định tại công ước đòi hỏi cơ quan Hải quan phải linh hoạt trong các trường hợp làm thủ tục hải quan cho hàng hoá XNK khi cho rằng các yêu cầu đó là hợp lý thì phải đáp ứng nếu như các nguồn lực sẵn có. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN và người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hiện nay ngành Hải quan đang quản lý số liệu tập trung, số liệu về mã, giá hàng hóa được quản lý tập trung, do đó sẽ không còn hiện tượng áp dụng chênh lệch về giá, mã số,… giữa chi cục Hải quan cửa khẩu nhập và Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu. Theo xu hướng cắt giảm thuế quan để phù hợp với lộ trình đã cam kết khi gia nhập WTO và các hiệp định tự do thương mại khác, thuế suất của nhiều mặt hàng khi NK vào Việt Nam sẽ được cắt giảm tối đa. Điều này sẽ hạn chế được việc lợi dụng chuyển cửa khẩu để gian lận về thuế.
Ngoài mục tiêu quản lý, kiểm soát hải quan thì nhiệm vụ quan trọng là phải tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hợp pháp hoạt động, giảm chi phí cho DN do thủ tục hải quan gây ra, tăng sức cạnh tranh đối với hàng hoá. Vấn đề không phải là đơn vị Hải quan nào làm thủ tục thông quan cho hàng hoá mà chính là việc quản lý, kiểm soát, giám sát các lô hàng này như thế nào để không bị lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại. Cán cân thương mại trong những năm gần đây đã cân bằng và có xu hướng xuất siêu.
Từ các lý do trên, để phù hợp với tinh thần quy định tại Luật Hải quan là không hạn chế mặt hàng được làm thủ tục hải quan tại các đơn vị Hải quan ngoài cửa khẩu, Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã bỏ quy định các mặt hàng NK được phép chuyển cửa khẩu mà cho phép được chuyển cửa khẩu tất cả các mặt hàng.
Tuy nhiên, để áp dụng linh hoạt phù hợp với từng thời kỳ, tại điều 4 Nghị định 08/2015/NĐ-CP Bộ Tài chính đã quy định theo hướng: “Căn cứ tình hình xuất khẩu, nhập khẩu trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu”. Nội dung quy định này mang tính chất linh hoạt, trong trường hợp cần thiết, để ngăn chặn gian lận thương mại, trốn thuế, Bộ Tài chính sẽ đệ trình Thủ tướng Chính phủ danh mục các mặt hàng NK phải làm thủ tục ngay tại cửa khẩu nhập mà không được áp dụng thủ tục chuyển cửa khẩu. Đồng thời tại Điều 34 dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể các biện pháp giám sát đối với loại hàng hóa này.
Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21-1-2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2015, bao gồm 111 Điều, được chia thành 9 chương. Thay thế các Nghị định: 154/2005/NĐ-CP; 87/2012/NĐ-CP; 66/2002/NĐ-CP; 06/2003/NĐ-CP; 40/2007/NĐ-CP. Và bãi bỏ Khoản 2 Điều 4, Điều 6, Điều 7, Khoản 5 Điều 25, Điều 50 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP; Quyết định 19/2011/QĐ-TTg.

(Nguồn: baohaiquan.vn)


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com