Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Chuyện “đưa” VNACCS về Việt Nam

(VNACCS.com)- Với việc lãnh đạo Bộ Tài chính kí kết và trao đổi Công hàm và Hiệp định tài trợ cho Dự án “Xây dựng, triển khai hải quan điện tử và thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa hải quan” (gọi tắt là Dự án VNACCS/VCIS) với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam hôm 22-3, có thể nói, đây là cột mốc quan trọng về hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc xây dựng và hiện đại hóa Hải quan Việt Nam phục vụ mục tiêu sớm đưa nước ta vào nhóm các nước có nền hải quan hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Để có những kết quả đáng khích lệ vừa qua, bên cạnh sự ủng hộ của các cơ quan chức năng 2 nước không thể không nhắc đến sự nỗ lực hết mình của Hải quan Việt Nam và các đồng nghiệp đến từ Nhật Bản, nhất là các thành viên trong Nhóm thực hiện Dự án VNACCS/VCIS.

Sau lễ kí Công hàm và Hiệp định, chúng tôi trao đổi thêm với ông Nguyễn Mạnh Tùng - Phó trưởng Ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa (CCHĐH), Tổng cục Hải quan (là đơn vị giữ vai trò chủ đạo trong việc tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục và trực tiếp tổ chức các buổi làm việc với Hải quan Nhật Bản về VNACCS/VCIS). Trong câu chuyện, ông Tùng không giấu được sự vui mừng khi kết quả lao động miệt mài của Hải quan hai nước đã được Chính phủ hai bên ghi nhận. Ông Nguyễn Mạnh Tùng chia sẻ, để có thành quả vô cùng quan trọng đó, Nhóm làm việc của Hải quan hai nước đã phải “chạy đua với thời gian” dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng cục.

Vì sao một vấn đề quan trọng như vậy mà mới nghe qua lại có vẻ vội vàng, gấp gáp? Như hiểu được suy tư của tôi, anh Nguyễn Mạnh Tùng cho biết: Thực ra để phục vụ yêu cầu cải cách, hiện đại hoá, trong nhiều năm qua, ngành Hải quan luôn chú trọng tìm kiếm một hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại để đáp ứng mục tiêu của Ngành và yêu cầu từ Chính phủ, Bộ Tài chính. Để thực hiện, song song với các công việc liên quan đến cải cách, hiện đại hoá, Hải quan Việt Nam luôn tìm hiểu về hệ thống thông quan tự động ở các quốc gia phát triển. Bởi ngành Hải quan xác định việc xây dựng một hệ thống CNTT đủ mạnh là yêu cầu cấp thiết và quan trọng để có thể đưa Hải quan Việt Nam sớm đạt trình độ các nước tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu hội nhập, phát triển. Trên thế giới, thường có 3 cách để đầu tư một hệ thống CNTT. Thứ nhất, tự đầu tư, phát triển; thứ hai, mua sản phẩm có sẵn; thứ ba, hợp tác song phương để sử dụng.

Sau khi nghiên cứu và cân nhắc với tình hình thực tế, Hải quan Việt Nam quyết định đi theo con đường thứ ba - hợp tác song phương. Sau khi chủ trương này được thống nhất, Tổng cục Hải quan đã tiến hành khảo sát ở một số nước có trình độ tiên tiến. Trong quá trình khảo sát tại Nhật Bản (Công nghệ thông quan tự động của Nhật Bản được phát triển từ những năm cuối của thập kỉ 70 của thế kỉ 20 và liên tục được thay đổi, cập nhật về công nghệ), phía bạn đã chủ động đề xuất gói hỗ trợ công nghệ này.

Cụ thể, vào tháng 5-2011, Quốc Vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản đã chuyển thư của Bộ trưởng Tài chính Yoshihiko Noda (nay là đương kim Thủ tướng Nhật Bản) cho đoàn khảo sát của Việt Nam đề xuất trao gói viện trợ về công nghệ NACCS. Nhật Bản sẽ xem xét viện trợ không hoàn lại nếu có yêu cầu từ Việt Nam. Sau khi nhận được đề xuất từ phía bạn, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Tài chính Việt Nam đã có thư cảm ơn và đề nghị Nhật Bản viện trợ không hoàn lại. Đồng thời Chính phủ hai bên chỉ đạo Bộ Tài chính mỗi nước tiếp tục triển khai các công việc liên quan.

Khi có tiền đề quan trọng trên, Hải quan hai nước đã liên tục có các buổi làm việc song phương. Chỉ trong thời ngắn vừa qua, gần như tuần nào cũng có các buổi làm việc giữa Hải quan hai nước về VNACCS. Theo Ban CCHĐH, đến cuối tháng 3-2012, tổng cộng đã có 11 phiên làm việc hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản được thực hiện. Hải quan Việt Nam phải huy động đến 90 CBCC của nhiều đơn vị trong Ngành, từ cán bộ chuyên viên đến lãnh đạo cấp vụ, cục, rồi cả lãnh đạo Tổng cục cũng phải “xắn tay” vào. Phía bạn cũng huy động từ 30 đến 40 cán bộ, chuyên gia cho mỗi đợt làm việc. Hải quan hai nước đã chia ra 7 Tiểu nhóm nghiệp vụ. Quả thực có theo dõi lịch làm việc tuần ở Tổng cục Hải quan trong thời gian qua mới thấy được gần như tuần nào chương trình làm việc về VNACCS/VCIS cũng “kín đặc”.

Đánh giá về kết quả hợp tác giữa Hải quan hai nước thời gian qua, Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc nhấn mạnh: “Chỉ trong thời gian rất ngắn vừa qua, nhờ sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả và mang tính xây dựng cao giữa Việt Nam và Nhật Bản, chúng ta đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn với chất lượng cao. Trải qua 11 phiên làm việc với sự nỗ lực tuyệt vời, làm việc hết mình với tinh thần trách nhiệm cao, chúng ta đã hoàn thành thiết kế sơ bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng khác”.

Tổng cục trưởng cũng bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao sự nỗ lực, cống hiến và làm việc hết mình của các CBCC tham gia Dự án, đặc biệt là các đồng nghiệp đến từ Hải quan Nhật Bản.

Sau Lễ kí, sẽ còn rất nhiều công việc triển khai cần được sự hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự cố gắng của tập thể lãnh đạo và mỗi CBCC của Hải quan Việt Nam, sự phối hợp, hỗ trợ của Hải quan Nhật Bản, nhà thầu và các đơn vị liên quan để có thể tiếp nhận, ứng dụng thành công công nghệ VNACCS/VCIS.

(Theo HQonline)

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com