Chiều 22-3, tại trụ sở Bộ Tài chính, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki đã ký kết và trao đổi Công hàm viện trợ không hoàn lại cho dự án “Xây dựng, triển khai hải quan điện tử và thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa hải quan” giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản.
Cũng tại buổi lễ, đại diện cho hai Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Monotori Tsuno cũng ký kết Hiệp định viện trợ không hoàn lại cho dự án trên.
Đây là khoản viện trợ được thực hiện trên cơ sở đề nghị của Chính phủ Việt Nam, sau một thời gian tiến hành nghiên cứu thiết kế cơ bản, lập và thẩm định dự án, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dành khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 2,661 tỷ Yên cho dự án này. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai thực hiện trong vòng 35 tháng và dự kiến hoàn thành chuyển giao cho Việt Nam trong năm 2014.
Mục tiêu chung của dự án là nhằm chuyển giao cho Hải quan Việt Nam hệ thống tự động hóa hải quan (VNACCS/VCIS) theo công nghệ đang sử dụng tại Nhật Bản, hỗ trợ Hải quan Việt Nam cũng như các cơ quan Chính phủ khác có liên quan triển khai thành công Cơ chế hải quan một cửa quốc gia theo cam kết của Chính phủ Việt Nam trong khu vực; tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư tại Việt Nam và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đồng thời cũng tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Song song với dự án viện trợ không hoàn lại nói trên, Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ Hải quan Việt Nam làm chủ được hệ thống VNACCS/VCIS sau khi được tiếp nhận, trong đó có các cấu phần như: sửa đổi khung pháp lý, xây dựng chiến lược công nghệ thông tin, xây dựng quy trình nghiệp vụ theo hệ thống công nghệ thông tin mới, đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đào tạo vận hành, sử dụng, quản trị hệ thống, đào tạo khả năng tự quản lý, nâng cấp, hệ thống sau này,...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn (phải) và Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Monotori Tsuno ký kết Hiệp định.
Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Vương Đình Huệ đánh giá, khoản viện trợ của Chính phủ Nhật Bản cho dự án là hết sức quan trọng và kịp thời đối với Việt Nam vì 4 nguyên nhân.
Thứ nhất, việc tiếp cận và đưa vào áp dụng hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) với những tuỳ chỉnh hợp lý đáp ứng yêu cầu quản lý và tình hình của Việt Nam từ viện trợ của Nhật Bản sẽ giúp Hải quan Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách hiện đại hoá theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, thực hiện tốt các cam kết quốc tế, tạo thuận lợi cho các hoạt động XNK, xuất nhập cảnh và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nâng tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, các kết quả của dự án là áp dụng một hệ thống quản lý hải quan toàn diện trên đầy đủ các mặt từ khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục đến công cụ thực thi cho các bên liên quan. Như vậy, dự án sẽ hiện thực hoá các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2011- 2020 cũng như đáp ứng yêu cầu triển khai cam kết của Chính phủ Việt Nam về thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia và tham gia Cơ chế Một cửa ASEAN.
Thứ ba, trên phương diện quốc gia, việc triển khai thành công hệ thống thông quan tự động tiên tiến sẽ trực tiếp nâng cao hiệu quả thông quan hàng hoá XNK góp phần tạo thuận lợi cho thương mại, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Theo tính toán đối với các lô hàng tuân thủ pháp luật cao, được phân vào luồng xanh thì thời gian thông quan hàng hoá sẽ được tính bằng giây (dưới 10 giây).
Thứ tư, trên bình diện khu vực và quốc tế, các kết quả của dự án cũng sẽ được sử dụng như các đóng góp về mặt pháp lý, quy trình thủ tục, tiêu chuẩn kỹ thuật cho các hoạt động của ASEAN trong khuôn khổ triển khai cơ chế một cửa ASEAN cũng như triển khai các cam kết về đảm bảo an ninh và tạo thuận lợi trong khuôn khổ WTO, APEC và các cam kết đa phương khác về hải quan.
Để vận hành thành công và có hiệu quả hệ thống thông quan điện tử mới VNACCS/VCIS, ngoài nỗ lực của Hải quan Việt Nam, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật đặc biệt là đào tạo cán bộ để quản lý, quản trị, làm chủ hệ thống nói trên cả về mặt nghiệp vụ hải quan và công nghệ thông tin.
Bộ trưởng cam kết, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Nhật Bản, đảm bảo nguồn lực để triển khai, thực hiện dự án đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo sử dụng lâu dài, bền vững kết quả từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản.
Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012
Nhật Bản viện trợ hơn 2,6 tỷ Yên cho VNACCS/VCIS
10/13/2012
Unknown
No comments
my thoughts
CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
0 ý kiến phản hồi:
Đăng nhận xét