Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Báo Mỹ: Có một làng không chồng ở Việt Nam

Đó là những góc nhìn chân thực, cảm động về làng Lòi – ngôi làng không chồng với những đứa trẻ thiếu cha ở xứ Nghệ, Việt Nam.

Khung cảnh dễ thấy trong một buổi sáng ở làng Lòi, Nghệ An là một nhóm phụ nữ chơi với những đứa cháu của mình gần một dòng suối. Chồng của họ không tồn tại, không phải vì họ đã hi sinh trong chiến tranh, mà bởi những người phụ nữ này quyết định sinh con không cần chồng.
Câu chuyện của họ bắt đầu từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, khi nhiều người đặt nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc lên trên lợi ích gia đình. Hòa bình lập lại, nhiều phụ nữ làng Lòi, cũng như nhiều người khác cùng thế hệ với họ đã hiến dâng những năm tháng tươi đẹp nhất cho đất nước. Họ đã quá độ tuổi kết hôn.
Tại thời điểm ấy, phụ nữ Việt Nam thường kết hôn vào tuổi 16. Những người độc thân ở tuổi 20 sẽ bị coi là “quá lứa” hoặc”quá tuổi kết hôn”. Khi những người lính trở về từ chiến trường, họ thường chọn những cô dâu trẻ tuổi hơn. Thực tế đó không khó lý giải, bởi tỷ lệ giới tính trở nên thiếu cân bằng khi quá nhiều người đàn ông đã hi sinh trong chiến tranh. Theo thống kê năm 2009 của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa Gia Đình Việt Nam, vào năm 1979, cứ 100 nữ trong độ tuổi 20 đến 44 sẽ chỉ có khoảng 88 nam.
Không giống như những người phụ nữ thuộc thế hệ trước, những người chấp nhận “số phận” và chọn cách sống đơn độc, một nhóm những phụ nữ ở làng Lòi đã chọn làm mẹ theo cách của riêng họ.
Từng người một, họ nhờ những người đàn ông – những người họ không bao giờ còn liên lạc sau đó – để giúp họ có một đứa trẻ. Hành động này được gọi là “xin con”. Điều này phá vỡ những quy tắc truyền thống và khiến họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử cũng như chịu đựng những khó khăn khi nuôi con một mình.
“Điều này thật khác thường”, bà Harriet Phinney – trợ lý giáo sư nhân chủng học tại ĐH Seattle nhận định. Bà Harriet cũng cho hay, đó không chỉ là sản phẩm từ lòng dũng cảm của những người mẹ mà còn là sự cảm thông của xã hội sau chiến tranh với những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam, bao gồm hàng nghìn góa phụ, những người đã phải nuôi con một mình.
Một số phụ nữ ở Lòi rất sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của họ nhưng vẫn giữ kín tên bố của đứa trẻ. Một trong những người phụ nữ đầu tiên ở đây chọn làm mẹ đơn thân là bà Nguyen Thi Nhan – hiện đã 58 tuổi.

Bà Nguyen Thi Nhan, người phụ nữ chấp nhận cuộc sống làm mẹ đơn thân ở làng Lòi.
Bà Nguyen Thi Nhan, người phụ nữ chấp nhận cuộc sống làm mẹ đơn thân ở làng Lòi.
Bà Nhan đã tham gia chiến tranh. Trở về sau cuộc chiến, hai mẹ con bà bị chồng bỏ rơi. Người phụ nữ ấy đã chuyển tới mảnh đất rẻ nhất bà có thể tìm thấy – một khoảng đất gần suối ở vùng ngoại ô của Lòi để sinh sống. Bà đã hỏi xin đứa con thứ 2 và sinh được một người con trai như mình mong ước.
Những năm đầu tiên đã rất khó khăn với người phụ nữ này. Cuối cùng, đã có hơn 10 người khác có lựa chọn như bà. Bà Nguyen Thi Luu, 63 tuổi cũng là một trong số đó. Bà từng đem lòng yêu một người lính nhưng ông này đã hi sinh trong chiến tranh vào năm 1972.
“Khi chiến tranh kết thúc, tôi đã 26 tuổi”, bà Luu nói, “26 tuổi là quá già để kết hôn trong thời kỳ ấy. Tôi không muốn cưới một người già mà những người đàn ông độc thân lại không chọn tôi”.
“Tôi sợ phải chết trong đơn độc”, bà Luu chia sẻ, “Tôi muốn có ai đó để nương tựa khi về già. Tôi muốn có một đứa con của mình”.
Quyết định của bà vấp phải sự ngăn cản từ phía người thân trong gia đình nhưng họ cũng đã nhanh chóng chấp nhận điều đó cũng như thừa nhận 2 cô con gái của bà Luu. Ba mẹ con bà được bố mẹ mua cho một khoảng đất trong làng.
“Sẽ dễ dàng hơn nếu được sống với những người phụ nữ khác có hoàn cảnh tương tự mình”, bà Luu chia sẻ.
Ngoài làng Lòi, còn rất nhiều phụ nữ ở khắp Việt Nam cũng đã quyết định trở thành người mẹ đơn thân, đặc biệt là những người đã tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước. Việc này đã nhận được sự quan tâm của Liên hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam.
“Rất nhiều phụ nữ đã hi sinh mọi thứ trong chiến tranh, và chúng ta phải ghi nhận những cống hiến của họ”, bà Tran Thi Ngoi – Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết.
Năm 1986, chính phủ Việt Nam đã thông qua luật Hôn nhân và Gia đình, lần đầu tiên công nhận quyền hợp pháp của những bà mẹ đơn thân và con của họ. Đây là một chiến thắng cho những bà mẹ ở Lòi cũng như những bà mẹ đơn thân khác.
“Mọi phụ nữ đều có quyền trở thành người vợ và người mẹ, nếu họ không thể tìm một người chồng, họ vẫn có quyền sinh con”, bà Ngoi cho biết.
Chính phủ Việt Nam đã và đang làm việc với những tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng cho phụ nữ cũng như cải thiện tình hình chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho họ. Hiện nay, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng các bà mẹ đơn thân cũng đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ.
Ở ngôi làng này, chỉ còn 4 người trong số 17 người phụ nữ đã lập ra cộng đồng bà mẹ đơn thân. Ba trong số đó đã mất, một số người còn lại chuyển đến sống với con cái họ ở làng khác, cũng có người kết hôn với những người đàn ông góa vợ.
“Tôi chỉ muốn làm một người mẹ. Không ai có thể thay đổi sự lựa chọn của tôi”, một người mẹ đơn thân giấu tên ở làng Lòi cho biết.

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com