Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

vnaccs: Sự cần thiết của Trung tâm quản lí, vận hành CNTT hải quan

(vnaccs) - Tổng cục Hải quan vừa trình Bộ Tài chính Đề án triển khai hoạt động của Trung tâm quản lí, vận hành CNTT hải quan. Việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm có ý nghĩa hết sức quan trọng để chủ động tiếp nhận, vận hành Hệ thống thông quan tự động (VNACCS) do Nhật Bản viện trợ và đáp ứng được các mục tiêu hiện đại hóa của Hải quan Việt Nam trong thời gian tới.

Kết nối toàn quốc

Những năm gần đây, Hải quan Việt Nam được đánh giá là một trong những đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực hiện đại hóa. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương quốc tế của đất nước và đảm bảo yêu cầu quản lí Nhà nước về Hải quan.


Theo Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan (CNTT&TKHQ), đến nay hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, quản lí điều hành của ngành Hải quan đã được tin học hóa và hoạt động dựa vào các hệ thống CNTT. Về hạ tầng mạng, hệ thống mạng LAN đã được trang bị cho toàn bộ các cửa khẩu và trụ sở làm việc của cơ quan Hải quan các cấp. Mạng diện rộng của ngành Hải quan đã được kết nối từ Tổng cục đến các cục và chi cục hải quan địa phương (kết nối tất cả 34 cục và hơn 200 chi cục).

Toàn Ngành được trang bị 1.378 máy chủ các loại và hơn 11.000 máy trạm. Các Trung tâm dữ liệu đều được trang bị máy chủ cơ sở dữ liệu có chức năng xử lí cao và hệ thống lưu trữ backup dữ liệu chuyên dụng.

Vấn đề đảm bảo an toàn thông tin; mô hình, kiến trúc hệ thống ứng dụng đều được thực hiện đảm bảo theo quy định.

Về mô hình quản lí, vận hành hệ thống CNTT, đại diện Cục CNTT&TKHQ cho biết, việc quản lí được phân theo 3 khối gồm: cấp Tổng cục, cấp cục, cấp chi cục. Trong đó, ở cấp Tổng cục việc quản lí, vận hành do Cục CNTT&TKHQ đảm nhiệm; cấp cục do Trung tâm dữ liệu & CNTT và một số đơn vị nhỏ do cán bộ CNTT chuyên trách thực hiện; ở chi cục, mỗi đơn vị có từ 1 đến 2 cán bộ CNTT chuyên trách.


Hiện đại nhưng chưa đủ tầm

Mặc dù đã được đầu tư và có những bước tiến lớn nhưng so với yêu cầu thực tiễn và các mục tiêu hiện đại hóa của Ngành, thực trạng quản lí, vận hành hệ thống CNTT còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Đặc biệt những vấn đề này nếu không được khẩn trương giải quyết sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc tiếp nhận, vận hành VNACCS.

Theo Cục CNTT&TKHQ, hiện các chương trình ứng dụng của Ngành được triển khai tương đối rộng và phân tán, nên số lượng trang thiết bị, chương trình ứng dụng triển khai nhiều dẫn đến khối lượng công việc quản trị lớn và đầu tư dàn trải. Trong khi đó, yêu cầu với các ứng dụng nghiệp vụ ngày càng cao, việc xử lí hoàn toàn dựa trên máy tính theo xu hướng tích hợp dữ liệu và liên thông toàn quốc, vì vậy mô hình ứng dụng phân tán hiện nay không phù hợp. Bởi mô hình xử lí trong tương lai của ngành Hải quan là xử lí tập trung để không gây ách tắc trong quy trình thủ tục hải quan.

Hiện nay đội ngũ cán bộ CNTT còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn sâu để quản trị, vận hành các hệ thống CNTT trong bối cảnh công tác quản lí nhà nươcớc về Hải quan ngày càng tăng về quy mô, tính phức tạp, sử dụng công nghệ mới, hiện đại để đảm bảo an ninh an toàn của các hệ thống CNTT…

Trong khi đó, để đảm bảo các mục tiêu hiện đại hóa từ nay đến năm 2020, Hải quan Việt Nam sẽ phải quản lí, vận hành nhiều hệ thống CNTT hết sức phức tạp. Đó là các hệ thống CNTT cốt lõi như hệ thống VNACCS; các hệ thống CNTT đang ứng dụng phân tán hiện nay như Hệ thống KT559; hệ thống thanh toán thuế qua ngân hàng (E-Payment); hệ thống CNTT phục vụ thủ tục hải quan điện tử cho loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất; hệ thống CNTT phục vụ công tác trị giá tính thuế; hệ thống CNTT phục vụ quản lí rủi ro; kết nối vào Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW); cung cấp dịch vụ công điện tử.

Tích cực chuẩn bị để tiếp quản, vận hành VNACCS



- Việc xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quản lí, vận hành CNTT hải quan được kì vọng sẽ giải quyết bài toán quản lí hạ tầng CNTT của ngành Hải quan trong tương lai, đáp ứng yêu cầu điện tử hóa ở mức độ cao hơn của Ngành.


Theo Cục CNTT&TKHQ- đơn vị chủ trì xây dựng Đề án, sau khi Dự án VNACCS được chính thức triển khai, lãnh đạo Bộ Tài chính hết sức quan tâm đến vấn đề làm thế nào để Hải quan Việt Nam tiếp quản, vận hành sử dụng hiệu quả Hệ thống thông quan hiện đại này. Chính vì vậy, lãnh đạo Bộ chỉ đạo Tổng cục Hải quan phải khẩn trương xây dựng đề án liên quan đến Trung tâm dữ liệu.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế hoạt động hải quan hiện nay, Cục CNTT&TKHQ nhận thấy Trung tâm này không chỉ phục vụ việc vận hành VNACCS mà còn phải vận hành thêm một số hệ thống CNTT hiện có của Ngành. Bởi, do chính sách quản lí có những đặc thù riêng nên hoạt động Hải quan Việt Nam có một số khác biệt so với Hải quan Nhật Bản.

Vì vậy, hiện nay, Hải quan Việt Nam đang vận hành một số hệ thống CNTT khác gồm: Hệ thống KT559; hệ thống thanh toán thuế qua ngân hàng (E-Payment); hệ thống CNTT phục vụ thủ tục hải quan điện tử cho loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất; hệ thống CNTT phục vụ công tác trị giá tính thuế; hệ thống CNTT phục vụ quản lí rủi ro. Khi VNACCS đi vào hoạt động, các hệ thống CNTT vệ tinh nêu trên sẽ được kết nối với hệ thống CNTT của VNACCS.

Ngoài ra, Hải quan Việt Nam còn có hệ thống CNTT kết nối Cổng thông tin Cơ chế một cửa quốc gia và cung cấp dịch vụ công (qua phương thức điện tử). Như vậy, khi đi vào hoạt động, Trung tâm sẽ phải quản lí, vận hành toàn bộ hệ thống CNTT ngành Hải quan, bao gồm cả VNACCS và các hệ thống liên quan

Để vừa đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, vận hành VNACCS đúng theo lịch trình, đồng thời tạo được sự kết nối với các hệ thống CNTT hiện có của Hải quan Việt Nam, việc khẩn trương hoàn thành Trung tâm quản lí, vận hành hệ thống CNTT hải quan là hết sức cần thiết. Đại diện Cục CNTT&TKHQ cho biết, khi đi vào hoạt động Trung tâm chịu trách nhiệm tổ chức quản lí, vận  hành toàn bộ hệ thống CNTT tập trung của Ngành hoạt động thông suốt 24/7 (24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần) đảm bảo an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, thực hiện thủ tục hải quan điện tử và Cơ chế một cửa quốc gia.

Duy trì hoạt động ổn định của hạ tầng truyền thông, kết nối các đơn vị trong ngành Hải quan với các cơ quan có liên quan. Sự ra đời của một Trung tâm cũng nhằm góp phần tạo nền tảng cho việc chuyển căn bản phương thức quản lí của Ngành theo hướng hiện đại, phù hợp định hướng phát triển của Hải quan Việt Nam và xu hướng phát triển của hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới…

Một số mục tiêu cụ thể đối với Trung tâm quản lí, vận hành CNTT hải quan như: Đảm bảo tiếp nhận, vận hành VNACCS và các hệ thống CNTT tập trung ngành Hải quan; đảm bảo tính sẵn sàng và hệ thống hoạt động liên tục; có phương án dự phòng khi có sự cố xảy ra… Hình thành bộ phận riêng để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho người sử dụng VNACCS; cung cấp dịch vụ công ngành Hải quan mức độ 4 và kết nối, chia sẻ thông tin với bộ, ngành…

Để đạt các mục tiêu trên, Đề án cũng đặt ra các nội dung công việc cụ thể đối với Trung tâm; giải pháp thực hiện. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị Bộ Tài chính tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để Trung tâm vận hành đảm bảo tiến độ, chất lượng.

Giải pháp xây dựng Trung tâm quản lí khoa học, hiệu quả

- Theo Tổng cục Hải quan, để thực hiện tốt đề án về Trung tâm quản lí, vận hành CNTT hải quan phải triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp cơ bản: Tổ chức bộ máy quản lí (của Trung tâm); giải pháp kĩ thuật; nguồn nhân lực; cơ chế tài chính và thuê khoán chuyên môn; mối quan hệ nghiệp vụ với các đơn vị nghiệp vụ.

Về cơ cấu tổ chức, để tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, Trung tâm (tại trụ sở Tổng cục Hải quan) cần quy mô khoảng 5 phòng chuyên môn. Đồng thời chức năng nhiệm vụ của Trung tâm dữ liệu & CNTT của các cục hải quan địa phương cần được sửa đổi, bổ sung để phục vụ kết nối toàn bộ hệ thống CNTT trong Ngành và phù hợp với mô hình xử lí dữ liệu tập trung.

Với giải pháp kĩ thuật, vấn đề này đòi hỏi rất nhiều công việc liên quan. Đó là thiết lập hệ thống giám sát, vận hành hệ thống 24/7. Đầu tư hạ tầng kĩ thuật, cơ sở vật chất, các trang thiết bị máy móc thuộc Trung tâm đảm bảo đủ năng lực xử lí. Nâng cấp mạng diện rộng phù hợp với kiến trúc chung của hạ tầng ngành Tài chính, đảm bảo yêu cầu xử lí tập trung và vận hành 24/7, đảm bảo an toàn, an ninh, thông suốt…
Các giải pháp về nguồn nhân lực được xem là có vai trò then chốt. Theo đó, đội ngũ nhân lực cần được tăng cường lực lượng có chuyên môn sâu để đáp ứng yêu cầu quản lí, vận hành hệ thống CNTT, đặc biệt khi triển khai hệ thống VNACCS/VCIS. Bên cạnh đó, việc tổ chức đào tạo cho lực lượng cán bộ CNTT cũng hết sức quan trọng. Nội dung đào tạo tập trung vào phương pháp quản lí, vận hành hệ thống; quản trị hệ thống phần mềm; sử dụng hệ thống phần mềm; thao tác thiết bị đầu cuối. Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, đại diện Cục CNTT&Thống kê Hải quan cho rằng, Bộ Tài chính cần xem xét cho cơ chế tuyển dụng đặc thù riêng với Trung tâm. Một số hình thức được đưa ra như: Luân chuyển từ một số đơn vị nghiệp vụ trong Ngành; hợp đồng vụ việc; hợp đồng dài hạn; tổ chức tuyển dụng.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đề xuất Bộ Tài chính giải pháp về cơ chế tài chính và thuê khoán chuyên môn. Trong đó, cơ quan Hải quan trực tiếp thực hiện các công việc chủ chốt như: Quản lí, vận hành Trung tâm; quản trị, giám sát 24/7 về tính trạng hoạt động, an ninh, kết nối truyền dẫn dữ liệu… Ngoài ra, Ngành phải sử dụng các dịch vụ có tính chất định kì liên quan đến việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống. 

Đó là, thuê dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành mở rộng các trang thiết bị kĩ thuật bao gồm: Hệ thống điện, điều hòa, phòng chống cháy nổ, hệ thống an ninh (mạng), máy móc CNTT… Bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành mở rộng hệ thống ứng dụng CNTT hải quan như VNACCS/VCIS, Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và các hệ thống CNTT khác. Hỗ trợ kĩ thuật với những công việc cần trình độ cao, chuyên sâu và xử lí các vấn đề kĩ thuật về phần cứng, phần mềm. Những dịch vụ thuê khoán có tính chất đột xuất như: Nâng cấp ứng dụng CNTT để đáp ứng sự thay đổi của chính sách quản lí; khắc phục sự cố kĩ thuật…
Đề án vừa được Tổng cục Hải quan trình Bộ Tài chính cũng đưa ra giải pháp giải quyết mối quan hệ giữa Trung tâm với các đơn vị nghiệp vụ trong Ngành nhằm cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, tránh trùng lặp trong quá trình thực hiện.

Kinh nghiệm quản lí hệ thống NACCS của Nhật Bản
 
Tại Nhật Bản, cơ quan Hải quan sử dụng hệ thống NACCS và CIS cùng với một số hệ thống vệ tinh khác để thông quan tự động hàng hóa XNK. Để quản lí, vận hành các hệ thống trên, một bộ máy tương ứng được hình thành với ba đơn vị chính là Trung tâm NACCS, Trung tâm Kudan và Văn phòng quản lí thông tin.

Trung tâm điều hành hệ thống thông quan hàng hóa tự động (NACCS)
Việc quản lí và điều hành Hệ NACCS được tập trung về Trung tâm NACCS. Trung tâm NACCS được thành lập vào tháng 5-1977 dưới hình thức một tổ chức thuộc Chính phủ và chuyển thành cơ quan hành chính độc lập vào tháng 10-2003. Đến tháng 10-2008, cơ quan này chính thức được cổ phần hóa, trong đó Nhà nước là cổ đông chi phối (chiếm trên 50%) để đảm bảo quyền kiểm soát của Chính phủ đối với việc bổ nhiệm Ban giám đốc cũng như vận hành toàn bộ hệ thống. 

Việc tư nhân hóa Trung tâm NACCS xuất phát từ đặc điểm là hệ thống NACCS phục vụ cho cả khu vực tư nhân và khu vực công, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả cung ứng quốc tế và sức cạnh tranh giữa các cảng biển và sân bay.  Cũng từ đặc điểm này mà nhân sự tại đây được phân chia theo tỉ lệ 50/50, nghĩa là một nửa là nhân viên Chính phủ (cán bộ hải quan và một số cán bộ thuộc các cơ quan khác), nửa còn lại đến từ các công ty tư nhân lớn. Hiện Trung tâm NACCS có 107 người (khi mới thành lập có 25 người). Ban lãnh đạo gồm 1 Tổng giám đốc và 3 Giám đốc điều hành. Trung tâm NACCS có 5 phòng.

Các bên tham gia sử dụng và vận hành hệ thống NACCS bao gồm cả khối cơ quan công và khối tư nhân. Về phía các cơ quan Chính phủ có: cơ quan Hải quan; cơ quan quản lí nhập cư và hành khách xuất nhập cảnh; cơ quan kiểm dịch động, thực vật; cơ quan kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, dược phẩm; cơ quan quản lí cảng; cơ quan biên phòng; các văn phòng quản lý thương mại; chính quyền địa phương... Đối với khối tư nhân, các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực logistics, đại lý làm thủ tục hải quan, ngân hàng, thương nhân hoạt động XNK là những đối tượng chính tham gia sử dụng hệ thống.

Hiện nay, Trung tâm NACCS chịu trách nhiệm quản lí hệ thống NACCS và tham gia vào việc phát triển và nâng cấp chương trình và cung cấp các dịch vụ liên quan đến vận hành hệ thống NACCS. Để thực hiện nhiệm vụ này, Trung tâm NACCS kí hợp đồng với Công ty NTT Data để bảo trì, nâng cấp phát triển hệ thống.
Trung tâm này là đơn vị sự nghiệp có thu. Mọi giao dịch trên hệ thống NACCS đều được tính phí. Phí giao dịch sử dụng hệ thống NACCS chính là ngân sách để duy trì hoạt động của Trung tâm.

Trung tâm Kudan - vận hành, phát triển hệ thống CIS
Trung tâm Kudan là đơn vị thuộc Hải quan Nhật Bản, được thành lập trong bối cảnh tinh giản bộ máy tổ chức ở cấp trung ương và đẩy mạnh phân cấp về địa phương. Trung tâm Kudan được đặt tại Hải quan vùng Tokyo song ít chịu sự chi phối từ Hải quan Tokyo mà chủ yếu duy trì mối quan hệ dưới hình thức báo cáo, trao đổi, tham vấn trong công việc.

Trung tâm Kudan chịu trách nhiệm chính quản lí, vận hành, phát triển và nâng cấp hệ thống CIS (hệ thống thông tin hải quan phục vụ riêng cho mục đích quản lí của cơ quan Hải quan). Ngoài ra, Trung tâm Kudan cũng quản lí một số hệ thống vệ tinh nhỏ như COMTIS (Hệ thống thông tin và thu thuế đối với thư tín quốc tế), ACTIS (Hệ thống thông tin và thu thuế đối với hàng đường không), COMOS (Hệ thống kiểm tra và mạng thông tin hàng đường biển).
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với Trung tâm NACCS tham gia quản lí và vận hành hệ thống NACCS ở một mức độ giới hạn, phần lớn liên quan đến nghiệp vụ hải quan như thuế suất, chính sách,…
Nhân sự tại Trung tâm Kudan là cán bộ, công chức hải quan được lựa chọn từ các lĩnh vực nghiệp vụ khác nhau, được đào tạo tại chỗ về kĩ năng quản lí, vận hành hệ thống. Trung tâm Kudan được cơ cấu thành 7 phòng chức năng với trên 60 biên chế.
Trung tâm Kudan kí hợp đồng với các công ty tin học để bảo trì kĩ thuật, hỗ trợ vận hành, nâng cấp phát triển hệ thống.

Văn phòng quản lí thông tin
Là đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan Nhật Bản nằm trong Bộ Tài chính, có bộ máy gọn nhẹ với khoảng 12 người. Văn phòng chịu trách nhiệm giám sát tất cả các hệ thống CNTT, bao gồm cả hai trung tâm NACCS và Kudan, mạng thông tin. Văn phòng là nơi đưa ra quyết định về định hướng phát triển, nâng cấp các hệ thống CNTT của hải quan và chịu trách nhiệm về phân bổ ngân sách đầu tư, kiểm tra, giám sát mua sắm đấu thầu các hệ thống CNTT.

Nhìn vào mô hình tổ chức quản lí vận hành NACCS/CIS của Nhật Bản có thể thấy nó được hình thành từ nhu cầu tinh giản bộ máy trung ương và tăng cường sự tham gia của khu vực tư, qua đó nâng cao tính cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ song vẫn đảm bảo sự kiểm soát của Chính phủ đối với các hệ thống.


T.Bình
 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com