Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Triển khai VNACCS/VCIS: Hệ thống thông quan điện tử hiện có sẽ ra sao?

(VNACCS.com) - Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS sắp vận hành là điều mà giới DN và ngành Hải quan đang hết sức kì vọng để tạo sự đột phá trong cải cách thủ tục hành chính. Vậy khi VNACCS/VCIS triển khai chính thức, hệ thống thông quan điện tử ngành Hải quan đang triển khai (được gọi tắt là e-Customs) sẽ ra sao?



Vẫn tồn tại

Có ý kiến lo ngại rằng, khi VNACCS/VCIS vận hành, e-Customs xem như hoàn thành sứ mệnh và bị “khai tử”. Thực chất, điều này hoàn toàn sai lầm bởi hệ thống thông quan điện tử này vẫn tồn tại và thực hiện các chức năng quản lí của ngành Hải quan mà VNACCS/VCIS không được thiết kế. Điều này xuất phát từ thực tế khách quan. 

Thực tế, VNACCS/VCIS được xây dựng trên nền tảng công nghệ của Nhật Bản. Tuy nhiên, so với hoạt động của Hải quan Nhật Bản, Hải quan Việt Nam có những lĩnh vực quản lí đặc thù. Đại diện Tổ Cải cách nghiệp vụ (Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan, Tổng cục Hải quan) cho biết, e-Customs ngoài việc tiếp nhận, xử lí tờ khai như ở VNACCS/VCIS còn có chức năng quản lí đối với các loại hình XNK như gia công, sản xuất xuất khẩu… Ví dụ quản lí định mức, thực hiện chức năng thanh khoản… Những loại hình XNK này ở Nhật Bản không có nên hệ thống thông quan tự động NACCS/CIS của Hải quan Nhật Bản cũng không được thiết kế chức năng quản lí loại hình này.

Do đó, khi vào Việt Nam, dù có những cải tiến cho phù hợp nhưng Hải quan Việt Nam và các chuyên gia đến từ Nhật Bản không thiết kế chức năng quản lí này vào VNACCS/VCIS mà sẽ sử dụng e-Customs hiện có. Đây cũng chính là lí do vì sao VNACCS/VCIS được vận hành nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho e-Customs. Ngoài ra, một số hệ thống CNTT khác hiện có của ngành như kế toán thuế KT559 vẫn tiếp tục tồn tại.

Đến đây, một câu hỏi khác được đặt ra, việc tồn tại song song nhiều hệ thống CNTT cùng với VNACCS/VCIS có gây khó khăn, vướng mắc và phát sinh thêm chi phí cho DN? Đại diện Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan cho biết, DN hoàn toàn không gặp vướng mắc gì mà ngược lại việc ngành Hải quan điện tử hóa nhiều hơn sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn nữa cho DN. Theo lãnh đạo Ban triển khai Dự án VNACCS/VCIS (Tổng cục Hải quan), các hệ thống CNTT hiện có của Ngành sẽ có cơ chế để kết nối với VNACCS/VCIS nhằm tạo sự thông suốt trong công tác quản lí của Ngành. Việc tồn tại các hệ thống CNTT này không phải là sự tồn tại riêng rẽ.

Vậy việc khai báo tờ khai hải quan của DN sẽ có sự thay đổi thế nào từ e-Customs sang VNACCS/VCIS? Theo Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan, nếu thực hiện e-Customs, DN có 1 phần mềm để khai báo và cơ quan Hải quan có 1 hệ thống để tiếp nhận, xử lí tờ khai do DN truyền đến. Tuy nhiên, VNACCS/VCIS được thiết kế cho phép DN vào trực tiếp hệ thống của cơ quan Hải quan để thực hiện khai báo mà không phải khai từ phần mềm DN để truyền đến hệ thống của cơ quan Hải quan như trước. Điều này sẽ tạo thêm thuận lợi cho DN. Về mặt công nghệ, cơ quan Hải quan cũng sẽ có những giải pháp để đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống.

45.230 doanh nghiệp thực hiện TTHQĐT

Được thực hiện thí điểm từ năm 2005, mở rộng thí điểm năm 2009 và thực hiện chính thức từ ngày 1-1-2013, đến nay, TTHQĐT đã thực sự tạo được dấu ấn đậm nét trong công tác cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan và mang lại nhiều thuận lợi cho cộng đồng DN. Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ khi triển khai chính TTHQĐT đến ngày 31-9, cả nước có 45.230 DN tham gia, chiếm 95% trong tổng số DN thực hiện thủ tục hải quan. Trong đó, có 6.300 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm tỉ trọng 13,9%. Như vậy, đến nay, cả nước chỉ còn khoảng 2.400 DN thực hiện thủ tục hải quan theo phương thức thủ công, chiếm 5%.

Trong 9 tháng qua, cả nước có 4,26 triệu tờ khai, trong đó 3,92 triệu tờ khai thực hiện TTHQĐT, chiếm tỉ lệ 92%. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa thực hiện TTHQĐT trong cùng thời điểm đạt 182,21 tỉ USD chiếm 94,6% tổng giá trị kim ngạch XNK cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 90,18 tỉ USD (tương đương 93,7% tổng kim tổng kim ngạch xuất khẩu).
Đến nay, trong số 34 Cục Hải quan địa phương của cả nước, có nhiều đơn vị đạt tỉ lệ DN, kim ngạch, tờ khai thực hiện TTHQĐT rất cao, điển hình có những đơn vị đạt tỉ lệ 100%. Các đơn vị có có tỉ lệ DN thực hiện TTHQĐT lớn gồm: Cục Hải quan Quảng Ngãi (100%), Cục Hải quan Hà Nội, Cục Hải quan TP.HCM (99,3%), Cục Hải quan Hải Phòng (99,3%), Cục Hải quan Thanh Hóa (99,1%)... Các đơn vị có tỉ lệ tờ khai thực hiện TTHQĐT lớn là: Cục Hải quan Quảng Ngãi (100%), Cục Hải quan Cần Thơ (99,9%), Cục Hải quan Thừa Thiên-Huế (99,7%), Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu (99,4%), Cục Hải quan Thanh Hóa (99,4%)... 

(Theo Hqonline - tác giả: Thái Bình)


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com