(VNACCS.com) - Trước lo ngại của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Tổng cục Hải
quan đã có công văn trả lời chi tiết để giải tỏa các lo lắng cho giới DN
Hoa Kỳ đang làm ăn ở Việt Nam, đồng thời khẳng định sự cần thiết trong
thực hiện VNACCS/VCIS vì mục đích tạo thuận lợi cho hoạt động của DN,
đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam và đảm bảo hiệu quả công
tác quản lí Nhà nước về hải quan.
Chuẩn bị kĩ lưỡng
Theo Tổng cục Hải quan, triển khai
VNACCS/VCIS là một bước đi trong lộ trình cải cách, phát triển và hiện
đại hóa được đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam giai
đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của Dự án
là xây dựng và đưa vào vận hành một hệ thống thông quan tự động gắn với
Cơ chế một cửa quốc gia (đã được kết nối kĩ thuật giai đoạn 1 ngày
26-2) nhằm đơn giản hóa quy trình thủ tục hải quan, giảm thời gian thông
quan và tăng cường năng lực quản lí của cơ quan Hải quan theo các chuẩn
mực của một cơ quan hải quan hiện đại.
VNACCS/VCIS được thiết kế và xây dựng trên
nền tảng áp dụng công nghệ của Hệ thống NACCS/CIS đã và đang được triển
khai thành công tại Nhật Bản trong nhiều năm qua, đồng thời được điều
chỉnh ở mức độ hợp lí cho phù hợp với các điều kiện và đặc thù của Việt
Nam trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển
khai thủ tục hải quan điện tử. Dự án đã trải qua quá trình chuẩn bị từ
năm 2011. Trong quá trình triển khai, các thông tin của Dự án thường
xuyên được truyền tải đến các cơ quan quản lí nhà nước và cộng đồng DN
thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng (website, báo đài,…).
Từ cuối năm 2012, các DN tham gia hoạt động XNK và bên có liên quan đã
được Tổng cục Hải quan giới thiệu về quy trình nghiệp vụ, chuẩn giao
tiếp thông tin của hệ thống VNACCS/VCIS,… Công ty Intel (một công ty Hoa
Kỳ) là một trong các DN đã sớm tham gia quá trình này. Đến nay nhiều
công ty đã xây dựng được phần mềm khai hải quan tới hệ thống
VNACCS/VCIS.
Từ tháng 4-2013 đến tháng 12-2013, Hải
quan Việt Nam đã tổ chức nhiều lớp đào tạo cho tất cả công chức hải quan
và DN XNK về VNACCS/VCIS (bao gồm cả đào tạo tổng quan, đào tạo chi
tiết, đào tạo thực hành). Hiện nay nhiều Cục Hải quan địa phương vẫn
tiếp tục đào tạo cho các DN. Từ tháng 8-2013 đến tháng 10-2013, Tổng cục
Hải quan đã tạo môi trường thử nghiệm để các bên liên quan có thể thử
nghiệm kết nối hệ thống (connection test). Từ tháng 11-2013, Tổng cục
Hải quan có thư thông báo đến tất cả DN XNK (trên 50.000 DN) đề nghị
tham gia vận hành thử nghiệm hệ thống kéo dài từ 15-11-2013 đến hết
tháng 2-2014. Nhiều hoạt động như họp báo, phối hợp với Phòng thương mại
và Công nghiệp Việt Nam… để tuyên truyền, đào tạo cho cộng đồng DN đã
được thực hiện. Thông qua những hoạt động này, Tổng cục Hải quan đã nhận
được nhiều ý kiến từ các tổ chức, DN, đồng thời trao đổi và phối hợp
với phía Nhật Bản để có phương án tiếp thu, xử lí.
Tổng cục Hải quan khẳng định, cộng đồng DN
đã được thông tin, chuẩn bị trong suốt thời gian dài (hơn một năm)
trước khi Hệ thống dự kiến chính thức vận hành vào 1-4-2014. Đây là một
chuỗi hoạt động rất lớn, thường xuyên và kéo dài chưa từng có trong lịch
sử triển khai các dự án từ trước tới nay mà cơ quan Hải quan tổ chức
nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng DN tham gia.
Đảm bảo tính ổn định của Hệ thống
Trước một số quan ngại cụ thể của AmCham,
Tổng cục Hải quan đã có câu trả lời thỏa đáng. Ví dụ, quan ngại về việc
chấm dứt hỗ trợ kĩ thuật từ các chuyên gia Nhật bản vào cuối tháng
2-2014, theo Tổng cục Hải quan, Văn kiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật để triển
khai VNACCS/VCIS được kí kết giữa Việt nam và Nhật bản, sự hỗ trợ của
các chuyên gia Nhật bản sẽ tiếp tục được thực hiện và kéo dài một năm
sau khi Hệ thống chính thức vận hành.
Đối với rủi ro hệ thống VNACCS/VCIS gặp sự
cố khi vận hành, Tổng cục Hải quan cho rằng, bất kì một hệ thống thông
tin nào thì rủi ro hệ thống gặp sự cố là có thể xảy ra. Tuy nhiên, để
hạn chế tối đa tình huống này cơ quan Hải quan đã thiết lập các phương
án dự phòng. Về kĩ thuật, Hệ thống được thiết kế đảm bảo xác suất xảy ra
sự cố sẽ rất nhỏ và Hệ thống VNACCS/VCIS chỉ có thể bị phá hủy toàn bộ
bởi thiên tai, bởi tất cả thiết bị (máy chủ, thiết bị mạng, thiết bị lưu
trữ...) đều được dự phòng ở mức 200%. Một khi một máy chủ, thiết bị
khác hỏng không ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ Hệ thống. Hải quan
Việt Nam đã phối hợp với phía Nhật bản kiểm tra hệ thống trong tình
huống này. Về nghiệp vụ, Thông tư hướng dẫn vận hành hệ thống
VNACCS/VCIS (sắp được Bộ Tài chính ban hành) sẽ quy định cụ thể về
chuyển sang xử lí thủ công khi hệ thống gặp sự cố. Tổng cục Hải quan
cũng đang tiến hành các thủ tục đầu tư nhằm trang bị bổ sung hệ thống
thử nghiệm phục vụ nhu cầu kết nối, thử nghiệm, đào tạo, nâng cấp hệ
thống sau khi hệ thống vận hành chính thức...
Về quan ngại chỉ tiêu thông tin khai hải
quan nhiều, theo Tổng cục Hải quan, nguyên tắc thiết kế các chỉ tiêu
thông tin phục vụ khai hải quan dựa trên chuẩn mực và thông lệ quốc tế
(ví dụ: Mô hình dữ liệu WCO Data Model được phát triển bởi các nước G7)
và đáp ứng đặc thù quản lí của Hải quan Việt Nam. Nếu so sánh với thủ
tục hải quan điện tử hiện nay thì số lượng chỉ tiêu trên tờ khai VNACCS
nhiều hơn (cụ thể: từ 33 chỉ tiêu tăng lên 133 với tờ khai nhập và 109
với tờ khai xuất) nhưng thực chất thì lượng thông tin phải khai báo là
gần như nhau. Đó là bởi vì trong thủ tục hải quan điện tử hiện hành, DN
phải khai nhiều loại chứng từ bên cạnh tờ khai XNK (ví dụ: tờ khai trị
giá, hợp đồng thương mại,…) nên tổng số chỉ tiêu khai báo sẽ lớn hơn con
số 33 nhiều. Trong khi ở VNACCS, người khai hải quan chỉ phải phải khai
một chứng từ duy nhất. Về tổng thể thì các tiêu chí khai báo nhằm cung
cấp đầy đủ thông tin để cơ quan Hải quan có thể ra quyết định thông quan
hàng hóa nhanh chóng. Hơn nữa, DN không nhất thiết lúc nào cũng phải
khai báo đầy đủ tất cả các chỉ tiêu thông tin mà tùy thuộc vào các yếu
tố (ví dụ: loại hình DN, loại hình XNK, phương thức vận chuyển…).
Triển khai đúng kế hoạch
Trước kiến nghị của AmCham về hoãn thực
hiện VNACCS/VCIS, Tổng cục Hải quan cho biết, theo thỏa thuận hợp tác
giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản và theo quy định về viện trợ ODA
không hoàn lại của luật pháp Nhật Bản thì Dự án triển khai hệ thống
VNACCS/VCIS sẽ kết thúc vào tháng 3-2014 và Hệ thống phải được triển
khai từ 1-4-2014. Do vậy, việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS cần tiến
hành đúng kế hoạch.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đã trả
lời rõ ràng, đầy đủ một số kiên nghị khác của AmCham liên quan đến xây
dựng hệ thống dự phòng; ban hành “thời gian ân hạn” không xử phạt đối
với các lỗi khai vô ý; về kiến nghị tổ chức đối thoại mở với DN Việt Nam
và DN FDI hàng tháng để phổ biến về hệ thống VNACCS/VCIS…
T.Bình
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com. Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com |
0 ý kiến phản hồi:
Đăng nhận xét