(HQ Online)- Ngày 1-1-2015 Luật Hải
quan số 54/2014/QH13 có hiệu lực đánh dấu mốc quan trọng trong tiến
trình cải cách, hiện đại hóa của toàn ngành Hải quan, tạo cơ sở pháp lý
vững chắc để đổi mới toàn diện hoạt động hải quan.

CBCC Hải quan Lạng Sơn hướng dẫn thủ tục XNK cho DN. Ảnh: Q.HÙNG
Theo
ông Mizui Osamu - Trưởng nhóm VNACCS Hải quan Nhật Bản cũng đã nhận
định: “Nếu dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) được thông qua, chắc chắn nó
sẽ góp phần rất lớn vào thúc đẩy môi trường kinh doanh của Việt Nam,
nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam và thúc đẩy các hoạt động
thương mại. Đặc biệt, với những quy định sửa đổi mang tính cách tân thì
dự thảo Luật Hải quan sửa đổi lần này sẽ có vai trò quan trọng trong
việc phát triển kinh tế của Việt Nam trong 50 năm tới”.
Có
thể thấy, năm 2015 khi Luật Hải quan 2014 chính thức được áp dụng vào
cuộc sống sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để toàn ngành Hải quan cải cách,
hiện đại hóa một cách sâu rộng.
|
Luật có hiệu lực sẽ là cơ sở pháp lý vững
chắc để thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan, từ
phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử. Điều này
đồng nghĩa với việc hoạt động của cơ quan Hải quan được đổi mới nhằm
bảo đảm tính minh bạch và tạo điều kiện để ứng dụng công nghệ thông tin
để hiện đại hoá chế độ quản lý hải quan, theo đó, không chỉ đổi mới về
chính sách, mà từng quy trình, thủ tục cũng được thay đổi theo hướng tạo
thuận lợi hơn cho DN.
Cụ thể, các loại hình XNK có chung bản
chất sẽ cơ bản áp dụng chung thủ tục hải quan, đồng thời Luật cũng bổ
sung quy định về thủ tục hải quan đối với một số loại hình hàng hóa chưa
được quy định trong Luật hiện hành nhưng thực tế đã được Luật Thương
mại và các Luật thuế quy định như: nhập nguyên liệu, vật tư để gia công
hoặc sản xuất hàng hoá XK, một số loại hình tạm XK, tạm NK...
Trong đó, bộ hồ sơ hải quan cơ bản chỉ có
tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có khi làm thủ tục hải quan.
Đối với các chứng từ khác thuộc bộ hồ sơ, Bộ Tài chính sẽ quy định cụ
thể trường hợp phải nộp hoặc xuất trình phù hợp với quy định của pháp
luật liên quan. Đây chính là điểm khác so với Luật hiện hành, nhằm đơn
giản hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK.
Bám sát yêu cầu về cải cách thủ tục hành
chính, Luật Hải quan 2014 đã quy định rõ thời hạn công chức làm thủ tục
hải quan. Tại Điều 23 của Luật đã quy định rõ công chức hải quan kiểm
tra hồ sơ chậm nhất 2 giờ làm việc kể từ thời điểm cơ quan Hải quan tiếp
nhận đầy đủ hồ sơ hải quan; thời gian kiểm tra thực tế hàng hoá chỉ còn
là 8 giờ làm việc kể từ thời điểm người khai hải quan xuất trình đầy đủ
hàng hoá cho cơ quan Hải quan thay vì 2 ngày như trước, trường hợp cần
thiết phải gia hạn thì thời gian gia hạn tối đa không quá 2 ngày.
Đồng thời, Luật cũng quy định rõ cơ quan
Hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vào ngày lễ, ngày
nghỉ và ngoài giờ làm việc để bảo đảm kịp thời việc xếp dỡ hàng hóa XK,
NK, việc xuất cảnh, nhập cảnh của hành khách, phương tiện vận tải hoặc
trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan và phù hợp với điều kiện thực
tế của địa bàn hoạt động hải quan.
Có thể thấy, những quy định mới nêu trên
là bước cải cách thủ tục hành chính thiết thực nhất đối với hoạt động
của các DN. Bên cạnh đó, để khuyến khích và tạo thuận lợi cho DN có kim
ngạch XNK lớn, chấp hành tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế, quản
trị DN tốt, đồng thời để tạo tiền đề thực hiện việc công nhận chế độ ưu
tiên giữa các quốc gia như Hải quan các nước theo các Hiệp định ký kết
giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, Luật đã bổ sung 1 mục gồm 4 điều (42,
43, 44, 45) quy định về chế độ ưu tiên đối với DN để pháp lý hóa chương
trình này.
Song song cùng với đó, Luật cũng bổ sung
cơ chế xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan (Điều 28) sẽ tạo
cơ sở pháp luật để cơ quan Hải quan thực hiện tạo thuận lợi thương mại,
giúp DN chủ động xác định trước về nghĩa vụ thuế đối với hàng hoá dự
kiến NK, tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ,
giảm các trường hợp tranh chấp giữa DN và cơ quan Hải quan về việc áp
mã, xác định giá tính thuế, xuất xứ hàng hoá khi làm thủ tục thông quan
phù hợp với quy định của Công ước Kyoto cũng như các cam kết quốc tế
trong khuôn khổ WTO, ASEAN...
Luật cũng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi
ro trong kiểm tra, giám sát hải quan. Đây là một loại hình quản lý đã
được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế mang lại hiệu quả quản
lý cao và đã trở thành thông lệ quản lý hải quan của nhiều nước theo các
Chuẩn mực về áp dụng quản lý rủi ro của Công ước Kyoto sửa đổi.
Thực tế, sự thay đổi trong quản lý về thủ
tục sẽ có tác động đến hầu hết các hoạt động nghiệp vụ hải quan thuộc
chức năng nhiệm vụ của Hải quan (kiểm tra, giám sát, điều tra chống buôn
lậu, quản lý thuế đối với hàng hoá XK, NK…). Theo đó, Luật Hải quan
2014 đã có những quy định điều chỉnh về nhiệm vụ kiểm tra, giám sát,
kiểm soát hải quan, để bảo đảm mục tiêu vừa đơn giản hoá thủ tục vừa
quản lý hải quan được chặt chẽ. Tập trung ở các nội dung chính sau: Quy
định về địa bàn hoạt động hải quan được bổ sung đầy đủ và minh bạch
(Điều 7); tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông
quan (các điều từ 77 đến 82); tăng cường hoạt động của cơ quan Hải quan
trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới
(Điều 88, 89, 90); khai bổ sung nội dung đã khai trên tờ khai hải quan
sau khi hàng hoá đã thông quan (Điều 29); kiểm tra chuyên ngành đối với
hàng hóa XNK (Điều 35); quy định rõ quyền, nghĩa vụ của các bên liên
quan trong lĩnh vực hải quan (Điều 18, Điều 19, Điều 22, Điều 40, Điều
41, Điều 63, Điều 92)...
Các quy định này sẽ tạo điều kiện để cơ
quan Hải quan tập trung lực lượng, phương tiện để kiểm tra, giám sát đối
với những địa bàn, DN, những hàng hóa rủi ro cao, giảm lực lượng ở
những nơi có rủi ro thấp, phòng chống tình trạng gian lận; góp phần đảm
bảo quản lý Nhà nước về hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trên cơ
sở phương thức quản lý hải quan hiện đại.
Những
nội dung cải cách của Luật Hải quan đã nhận được ý kiến đánh giá cao
qua các kỳ họp của Chính phủ, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã nhận xét: Luật
Hải quan là dự án luật rất quan trọng trong điều kiện nước ta đang hội
nhập kinh tế quốc tế và phục vụ cho phát triển kinh tế thị trường trong
điều kiện hiện nay. Các nội dung trong Luật Hải quan 2014 đã tập trung
vào một số nội dung quan trọng như cải cách thủ tục hải quan theo hướng
nội luật hóa các cam kết quốc tế, đây là vấn đề rất cấp bách, tạo thuận
lợi hơn nữa cho hoạt động XNK, hiện đại hóa hải quan, ứng dụng công nghệ
thông tin, thông quan điện tử, nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt
động quản lý hải quan, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng
hóa qua biên giới, gian lận thương mại.
(Nguồn: baohaiquan.vn)
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com. Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com |
0 ý kiến phản hồi:
Đăng nhận xét