(HQ Online)- Ngày 10-4, Tổng cục Hải
quan phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng cường pháp triển
toàn diện (USAID) tổ chức Hội thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
trong tiến trình hội nhập để đánh giá tác động của Luật Thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế, đồng thời lắng nghe
những ý kiến góp ý của cộng đồng DN về những nội dung cần phải sửa trong
Luật này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng
cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, qua gần 10 năm thực
hiện, đến nay Luật đã bộc lộ một số bất cập, đặc biệt trong bối cảnh
Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới cũng như phải tham gia
thực hiện các cam kết quốc tế trong nước và khu vực. Yêu cầu này đặt ra
vấn đề cần phải sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Phó Tổng cục trưởng Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cần phải được sửa đổi, xây dựng như một cộng cụ để bảo vệ và tạo thuận lợi cho sản xuất trong nước. Đồng thời, phải đảm bảo được sự ổn định của chính sách thuế, thủ tục của cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế… để vừa hài hòa giữa việc quản lý của cơ quan nhà nước vừa nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam trong thời gian tới.
Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã xác định rõ mục tiêu sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là: Phù hợp và tạo thuận lợi để thực hiện các cam kết và điều ước quốc tế về thuế XNK; Đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm tính ổn định và lâu dài của Luật; đơn giản, thuận lợi cho đối tượng thi hành luật; Khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu; quy định thống nhất thẩm quyền, nguyên tắc xây dựng Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu; Góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý thu, nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Đánh giá về tình hình thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành và gợi ý một số vấn đề cần thảo luận, bà Lỗ Thị Nhụ- Cục trưởng Cục Thuế XNK (Tổng cục Hải quan) cho biết, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là Luật thuế mang tính hội nhập cao nhất và có tuổi thọ cao nhất (gần 10 năm). Tuy nhiên, khi Việt Nam càng hội nhập sâu thì việc sửa đổi Luật để tháo gỡ những khó khăn cho DN là rất cần thiết góp phần đưa tiến trình hội nhập lên cao và xa hơn.
Nêu lên những tồn tại của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành, bà Lỗ Thị Nhụ phân tích: Một số quy định chưa phù hợp với thực tế, chưa khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, gây khó khăn cho thực hiện như: Ưu đãi thuế khác nhau giữa hàng hoá NK để gia công (thuộc đối tượng miễn thuế) với hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (thuộc đối tượng hoàn thuế) và hàng hóa NK vào khu chế xuất (thuộc đối tượng không chịu thuế).
Ngoài ra, quy định về miễn thuế hàng hóa NK tạo tài sản cố định của dự án ưu đãi đầu tư chưa rõ ràng, có thể hiểu khác nhau. Ví dụ như việc miễn thuế cho xe ô tô chở công nhân trong khi một doanh nghiệp, ngoài công nhân còn có lao động gián tiếp tại các phòng ban; miễn thuế cho linh kiện…., bộ phận rời đi kèm, nhưng doanh nghiệp NK linh kiện rời để lắp ráp hoặc NK nguyên liệu để chế tạo máy móc, linh kiện...
Một bất cập nữa của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành đã quy định về một số vấn đề nhưng quy định chưa đầy đủ hoặc chưa quy định một số vấn đề theo thông lệ quốc tế, thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện. Cụ thể: Chưa có quy định về thuế hỗn hợp; Chưa có quy định về hạn ngạch thuế quan; Chưa quy định điều kiện để hoàn thuế phù hợp với chuẩn mực 4.19 Công ước Kyoto.
Tuy một số quy định hiện hành khác đã quy định về các loại thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, chống phân biệt đối xử nhưng chưa đầy đủ, tính pháp lý chưa cao. Hoặc đã quy định nguyên tắc xây dựng Biểu thuế, mức thuế suất thuế XK, NK nhưng các nguyên tắc này chưa thật sự phù hợp để giải quyết các vấn đề đặt ra trong điều kiện VN đã ký kết 8 Hiệp định cắt giảm thuế quan và đang đàm phán ký tiếp 2 Hiệp định.
Theo đó, tại nội dung của Luật Thuế xuất
khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi sẽ: Bổ sung quy định về thuế hỗn hợp; Bổ
sung quy định về hạn ngạch thuế quan; Sửa đổi quy định về thuế tự vệ,
thuế chống bán phá giá, chống phân biệt đối xử...
Cùng với đó là sửa đổi thẩm quyền, nguyên tắc xây dựng Biểu thuế, mức thuế suất thuế XK, NK; Sửa đổi quy định về miễn thuế NK hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; Chuyển hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu từ đối tượng hoàn thuế sang đối tượng miễn thuế; Bỏ quy định về miễn thuế trang thiết bị nhập khẩu lần đầu; Sửa đổi quy định về thời điểm tính thuế đối với trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng so với khi nhập khẩu ban đầu...
Tại Hội thảo, đại diện các DN tham dự hội nghị đánh giá cao những nội dung mà Tổng cục Hải quan sẽ sửa đổi trong Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu lần này. Trong đó, nội dung được các DN hoan nghênh nhất, đó là bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính trong quy định: Chuyển hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu từ đối tượng hoàn thuế sang đối tượng miễn thuế.
Bên cạnh đó, các ý kiến góp ý cho quy định
về thời hạn nộp thuế, vấn đề xử phạt chậm nộp, tính thuế phương tiện
quay vòng, thời hạn nộp thuế bảo lãnh, bổ sung thêm các trường hợp miễn
thuế, bổ sung quy định khai nộp thuế định kỳ...
Được biết, để xây dựng các nội dung của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi, Tổng cục Hải quan đã tổng kết đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật, gửi lấy ý kiến bằng văn bản đến các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia; tổ chức hội thảo để lấy ý kiến góp ý rộng rãi vào những nội dung sẽ đưa vào Luật… với mục đích đảm bảo sự ổn định của chính sách thuế, bảo vệ và tạo thuận lợi cho sản xuất trong nước.
Luật
Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 được Quốc hội nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14-6-2005 và có hiệu lực
thi hành từ ngày 1-1-2006. Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có phạm
vi điều chỉnh đến các chủ thể liên quan trong lĩnh vực thuế xuất khẩu,
nhập khẩu.
Nội
dung của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hiện hành quy định cụ thể
về các lĩnh vực: Đối tượng chịu thuế; đối tượng không chịu thuế; đối
tượng nộp thuế; việc áp dụng điều ước quốc tế trong lĩnh vực thuế xuất
khẩu, thuế nhập khẩu; thuế đối với hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân
biên giới; căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế và đồng tiền nộp
thuế; giá tính thuế và tỷ giá tính thuế; thuế suất; biện pháp về thuế để
tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống phân biệt đối xử trong
nhập khẩu hàng hóa; thẩm quyền ban hành biểu thuế, thuế suất; kê khai
thuế, nộp thuế (gồm quy định về trách nhiệm của đối tượng nộp thuế; thời
điểm tính thuế; thời hạn nộp thuế); miễn thuế; xét miễn thuế; giảm
thuế; hoàn thuế; trách nhiệm và thời hạn hoàn thuế; truy thu thuế; khiếu
nại và giải quyết khiếu nại; xử lý vi phạm về thuế đối với đối tượng
nộp thuế; xử lý vi phạm đối với công chức hải quan hoặc cá nhân khác có
liên quan; thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ; trách nhiệm của Bộ
trưởng Bộ Tài chính và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương và trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc thực
hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
(Nguồn: baohaiquan.vn)
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com. Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com |
0 ý kiến phản hồi:
Đăng nhận xét