Hệ thống thông quan hàng hóa tự động Việt Nam (Vietnam Automated Cargo Clearance System - VNACCS) và Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tình báo (Vietnam Customs Intelligent Database System - VCIS) xây dựng theo công nghệ của Hải quan Nhật Bản, nằm trong khuôn khổ Dự án này. Dự án thực hiện trong vòng 2 năm từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2014.
Hệ thống VNACCS là hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Việt Nam sử dụng cho mục đích thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Còn VCIS là hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin tình báo phục vụ cho việc thông quan hàng hóa, công tác quản lý rủi ro. Hệ thống VNACCS/VCIS tiếp nhận tối đa chuẩn mực và tư duy quản lý của Hải quan Nhật Bản trong NACCS và CIS và chỉ bản địa hóa thủ tục, chế độ không tương đồng.
Ông Hirosi Sakurai, Chuyên gia JICA về hải quan cho hay: NACCS là hệ thống tự động tích hợp hàng hóa và cảng Nhật Bản. NACCS được vận hành ở Nhật 30 năm, đã và đang được nâng cấp nhiều lần. Nó trở thành một trong những hệ thống tiên tiến nhất trên thế giới. Ở Nhật 98% số lượng tờ khai xuất nhập khẩu (XNK) được xử lý thông qua hệ thống NACCS. NACCS có thể xử lý tờ khai thông thường trong vòng 1 giây. Còn CIS là hệ thống cơ sở dữ liệu không chỉ lưu trữ các thông tin về tờ khai hàng hóa XNK mà còn có các thông tin về doanh nghiệp. Khi cán bộ hải quan muốn kiểm tra thông tin tờ khai thì CIS có thể cung cấp các thông tin chi tiết phục vụ công tác kiểm tra hiệu quả. CIS cũng rất hữu ích cho các nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan.
CIS là cơ sở dữ liệu lưu trữ tất cả các dữ liệu về thông quan xuất nhập khẩu và đồng thời lưu trữ cả hồ sơ doanh nghiệp, thông tin về tội phạm tình báo, sai sót, vi phạm. CIS được thiết kế tối ưu hóa phục vụ cho công tác hải quan. Chỉ cần nhắp vào màn hình hoặc thao tác rất đơn giản là cán bộ hải quan có thể dễ dàng truy cập được các thông tin dữ liệu tình báo như: dữ liệu xuất nhập khẩu (tổng hợp từng doanh nghiệp); dữ liệu sai sót vi phạm (tổng hợp theo từng doanh nghiệp); hồ sơ doanh nghiệp (vốn, nhân công, kết quả kiểm tra sau thông quan); thông tin cảnh báo. Khi cán bộ hải quan cần kiểm tra tờ khai thì những thông tin trên không thể thiếu để có những điều chỉnh thích hợp.
NACCS xây dựng các tiêu chí đánh giá rủi ro, do đó hệ thống NACCS sẽ tự động phân loại tờ khai thành các luồng Xanh, Vàng, Đỏ mà cán bộ hải quan không cần phải làm bất cứ một thao tác nào. NACCS cũng xây dựng các tiêu chí về kiểm tra hình thức tờ khai, nên cán bộ hải quan không phải tiến hành công đoạn này kể cả việc tính toán số tiền thuế phải nộp. Ở Nhật có khoảng 2/3 tờ khai được phân vào luồng Xanh, nên cán bộ hải quan có thời gian tập trung nhiều hơn vào những tờ khai có nghi vấn. Thêm vào đó thông tin do CIS cung cấp được sử dụng hiệu quả trong công tác kiểm tra.
Theo ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam: Hệ thống tự động hóa hải quan thuộc Hệ thống một cửa quốc gia Nhật Bản (gọi tắt NACCS) sẽ được chuyển giao cho Hải quan Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng của dự án giúp Việt Nam thực hiện thành công hệ thống một cửa quốc gia, đây là hệ thống có vai trò then chốt giúp thuận lợi hóa thương mại và đầu tư cũng như tăng cường hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý hải quan. Hệ thống NACCS bao gồm bản quyền, mã nguồn, các hướng dẫn và tài liệu kỹ thuật, sẽ được chuyển giao cho Hải quan Việt Nam. Nhằm giúp Hải quan Việt Nam tiếp nhận thành công hệ thống NACCS, JICA cử chuyên gia giúp lập chiến lược dài hạn về CNTT và tăng cường năng lực ứng dụng CNTT.
Mục tiêu chung của dự án là nhằm chuyển giao cho Hải quan Việt Nam hệ thống tự động hóa hải quan theo công nghệ đang sử dụng tại Nhật Bản, hỗ trợ Hải quan Việt Nam cũng như các cơ quan chính phủ khác có liên quan triển khai thành công Cơ chế hải quan một cửa quốc gia theo cam kết của Chính phủ Việt Nam trong khu vực; tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, đầu tư tại Việt Nam và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đồng thời cũng tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Gói viện trợ không hoàn lại được sử dụng để phát triển hệ thống thông quan điện tử có tên là VNACCS/VCIS (gọi tắt là hệ thống VNACCS/VCIS) theo công nghệ của Nhật Bản, với các chức năng chính phục vụ cho khâu thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và thiết lập cổng thông tin phục vụ cơ chế một cửa hải quan, với những tùy chỉnh ở mức tối thiểu không làm thay đổi căn bản thiết kế hệ thống ban đầu đang vận hành tại Nhật Bản.
Để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu quản lý theo điều kiện của Việt Nam, hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS sẽ thực hiện kết nối với các hệ thống CNTT hiện tại của Hải quan Việt Nam như: Thanh toán điện tử (e-payment), quản lý giá tính thuế (GTT), quản lý và theo dõi nợ thuế (KTT559), thống kê hải quan, quản lý nghiệp vụ hải quan (QLRR), với những điều chỉnh hợp lý.
Dự án VNACCS/VCIS gồm 3 cấu phần chủ yếu: Cấu phần 1, xây dựng hệ thống phần mềm VNACCS/VCIS gồm e-Declaration, e-Manifest, e-Invoice, e-P/L, e-Payment, e-C/O.; cấu phần 2, trang bị phần cứng cho Trung tâm dữ liệu hải quan để vận hành VNACCS/VCIS như: hệ thống máy chủ, mạng và thiết bị mạng để kết nối các hệ thống trong phạm vi trung tâm xử lý dữ liệu điện tử hải quan, các thiết bị và phần mềm hệ thống để đảm bảo an ninh, an toàn...; cấu phần 3 tư vấn, hỗ trợ quản lí hải quan.
Tổng cục Hải quan cho biết, VNACCS sẽ làm thay đổi căn bản phương thức tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan như: Tập trung vào cả 3 khâu trước, trong và sau thông quan. Tiếp nhận và xử lý tự động thông tin khai báo của doanh nghiệp (phân luồng tự động). Thay đổi cơ bản việc quản lý, giám sát hải quan đối với một số loại hình theo hướng tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp.
Tập trung xử lý các thông tin trước khi hàng đến để phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát hải quan tại các khâu sau: Tiếp nhận bản khai hàng hóa trước e-Manifest, phân tích thông tin, xác định các lô hàng có rủi ro cao cần kiểm soát trong quá trình làm thủ tục hải quan. tiến hành kiểm tra vắng mặt người khai hải quan thông qua các trang thiết bị kỹ thuật. Khai báo trước hóa đơn điện tử hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khai báo và tiến hành thủ tục hải quan.
Tiếp nhận và xử lý tự động thông tin khai báo của doanh nghiệp: Tiếp nhận và xử lý thông tin manifest, tiếp nhận thông tin khai báo điện tử và phân luồng tờ khai tự động, không có sự can thiệp của các bộ hải quan, phản hồi thông tin phân luồng trong thời gian nhanh nhất. Tiếp nhận và xử lý các yêu cầu của doanh nghiệp qua hệ thống khai báo và chấp nhận vận chuyển bảo thuế, khai bổ sung, đăng ký danh mục miễn thuế.
Tiếp nhận và xử lý tự động thông tin khai báo của doanh nghiệp: hỗ trợ doanh nghiệp khai báo: Tự động xác định thuế suất cho từng mã HS, kể cả thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các thỏa thuận và tự tính thuế cho từng dòng hàng cũng như từng tờ khai. tự động xác định trị giá tính thuế, tự động phân bổ các khoản điều chỉnh theo hệ số phân bổ xác định trên cơ sở giá hóa đơn của từng dòng hàng.
Thay đổi phương thức quản lý hải quan đối với một số loại hình: Gia công, sản xuất xuất khẩu: quản lý theo chế độ doanh nghiệp bảo thuế phải đáp ứng được các điều kiện quy định, không phải nộp thuế trong thời hạn bảo thuế, không phải thanh khoản trên hệ thống hải quan, doanh nghiệp tự quản lý, tăng cường trách nhiệm của cơ quan hải quan trong kiểm tra cơ sở sản xuất của doanh nghiệp bảo thuế. Doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện doanh nghiệp bảo thuế: không được hưởng ưu đãi thuế (ân hạn thuế) phải nộp thuế đầu vào và hoàn thuế khi xuất khẩu sản phẩm; phải thực hiện thanh khoản trên hệ thống quản lý của cơ quan hải quan: thông báo danh mục nguyên phụ liệu nhập khẩu, thông báo danh mục sản phẩm xuất khẩu, thông báo định mức.
Bên cạnh đó, không tham vấn giá trong thông quan; đối với những tờ khai có nghi vấn về trị giá khai báo, chuyển tham vấn giá sang khâu sau thông quan; giám sát hải quan tại các cảng biển, kho ngoại quan, CFS, ICD, nhà máy bảo thuế, quy định chặt chẽ các điều kiện trước khi cho phép các địa điểm đi vào hoạt động (phải đảm bảo giám sát), giao trách nhiệm cho doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi, cơ quan hải quan kiểm tra đột xuất, định kỳ hoặc giám sát qua phương tiện kỹ thuật như camera, phần mềm quản lý, báo cáo...
Hy vọng với việc ứng dụng hệ thống VNACCS/VCIS hiện đại này sẽ làm thay đổi căn bản phương thức quản lí của Hải quan Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả quản lí và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Định hướng cơ bản của cải cách, hiện đại hóa hải quan trong giai đoạn 2011 - 2015 gồm 05 mục tiêu lớn: Một là, thực hiện thủ tục hải quan điện tử đảm bảo việc triển khai việc tiếp nhận, xử lý thông tin lược khai hàng hoá điện tử (e-Manifest); xử lý dữ liệu thông quan điện tử (e-Clearance); thực hiện thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử (e-Payment); tiếp nhận, trao đổi thông tin giấy phép và C/O điện tử (e-C/O và e-Permit) với các cơ quan liên quan. Hai là, triển khai Đề án Quản lý rủi ro, trong đó trọng tâm vào việc nâng cao hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro cả trước, trong và sau thông quan. Ba là, xây dựng các địa điểm kiểm tra hàng hoá tập trung tại các địa bàn trọng điểm (cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu đường bộ quốc tế, các khu kinh tế trọng điểm) theo quy hoạch được duyệt; đầu tư hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác kiểm tra giám sát (máy soi container, máy soi hành lý, hệ thống camera giám sát, bộ công cụ hỗ trợ...). Bốn là, triển khai chương trình Doanh nghiệp ưu tiên đặc biệt phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và điều kiện đặc thù của Việt Nam. Năm là, xây dựng và vận hành hệ thống Chỉ số đánh giá hoạt động của ngành.
(Theo eFinance)
Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012
Kỳ vọng VNACCS/VCIS
10/15/2012
Unknown
No comments
my thoughts
CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
0 ý kiến phản hồi:
Đăng nhận xét