Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Tổng quan về VNACCS/VCIS

(HQ Online)- Việc ứng dụng Hệ thống thông quan hiện đại này sẽ làm thay đổi căn bản phương thức quản lí của Hải quan Việt Nam từ thủ công sang việc dựa trên ứng dụng các phần mềm điện tử để nâng cao hiệu quả quản lí và tạo thuận lợi cho người dân, DN.


Trong lễ kí kết Công hàm và Hiệp định vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đánh giá, Dự án này sẽ giúp Hải quan Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách, hiện đại hoá theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, thực hiện tốt các cam kết quốc tế, tạo thuận lợi cho các hoạt động XNK, XNC và môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nâng tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam…


Theo Tổng cục Hải quan, VNACCS/VCIS sẽ được triển khai tại cơ quan Tổng cục Hải quan và các cục Hải quan địa phương (có quy mô áp dụng trên toàn quốc). VNACCS được sử dụng cho mục đích thông quan hàng hóa XNK. Hệ thống được xây dựng trên nguyên tắc áp dụng tối đa các chuẩn mực, tư duy quản lí của Hải quan Nhật Bản và có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế Việt Nam. Hệ thống VCIS xây dựng nhằm phục vụ công tác quản lí của cơ quan Hải quan (công tác quản lí rủi ro) và thông quan hàng hóa XNK.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Phó trưởng ban Thường trực Ban cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, Dự án VNACCS/VCIS gồm 3 cấu phần chủ yếu. Cấu phần 1 - xây dựng hệ thống phần mềm VNACCS/VCIS; cấu phần 2 - trang bị phần cứng cho Trung tâm dữ liệu hải quan để vận hành VNACCS/VCIS; cấu phần 3 - tư vấn, hỗ trợ quản lí hải quan.

Với mục tiêu phục vụ công tác quản lí và thông quan hàng hóa tự động nên VNACCS/VCIS được thiết kế nhiều phần mềm để đáp ứng yêu cầu công tác nghiệp vụ của Hải quan Việt Nam. Các quy trình quản lí, nghiệp vụ sẽ được xây dựng phần mềm ứng dụng bao gồm: Phần mềm về khai báo điện tử (e-Declaration); lược khai hàng hóa điện tử (e-Manifest); hóa đơn điện tử (e-Invoice); thanh toán điện tử (e-Payment); chứng nhận xuất xứ hàng hóa điện tử (e-C/O); Packing List (phiếu đóng gói hàng) điện tử (e-P/L); phân luồng (Selectivity); quản lí hồ sơ rủi ro/tiêu chí rủi ro; quản lí DN XNK; thông quan và giải phóng hàng; giám sát và kiểm soát; kiểm tra vận hành hệ thống, đào tạo người sử dụng hệ thống, hỗ trợ kĩ thuật và bảo trì hệ thống.

Khi triển khai Hệ thống VNACCS sẽ bao phủ 133 quy trình nghiệp vụ hải quan bằng hình thức trực tuyến và 6 quy trình nghiệp vụ Batch (thực hiện theo gói tin). Tuy nhiên, việc ứng dụng các phần mềm nghiệp vụ trong VNACCS không có nghĩa là triệt tiêu các hệ thống IT (công nghệ thông tin) hiện có của Hải quan Việt Nam, mà sẽ có cơ chế để kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa VNACCS và các hệ thống này. Ví dụ như cơ chế kết nối giữa VNACCS với phần mềm thống kê hải quan; hệ thống thanh toán thuế KTT559; trao đổi thông tin hóa đơn tự in trực tuyến; hệ thống thông tin tình báo… Đặc biệt, với mục tiêu thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia nên VNACCS sẽ cho phép kết nối với các đơn vị bên ngoài ngành Hải quan như DN XNK; đại lí thủ tục hải quan; công ty về logictics; các bộ, ngành liên quan; các hãng vận tải; hệ thống ngân hàng.

Về VCIS, mục đích nhằm phục vụ thông quan hàng hóa, quản lí rủi ro hải quan. VCIS gồm 15 quy trình nghiệp vụ trực tuyến và 9 quy trình nghiệp vụ Batch. VCIS cũng có cơ chế kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin hiện có của Hải quan Việt Nam. Tuy nhiên, VCIS sẽ không thực hiện kết nối với các cơ quan ngoài ngành Hải quan.

Theo Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, để đảm bảo tiến độ của Dự án, dự kiến, từ nay đến tháng 11-2012 sẽ phải hoàn thành việc thiết kế chi tiết và thiết kế chương trình. Từ tháng 12-2012 đến tháng 4-2013 là giai đoạn phát triển hệ thống. Từ tháng 5 đến tháng 10-2013 sẽ thực hiện việc tích hợp hệ thống và kiểm tra hệ thống. Bắt đầu từ tháng 11-2013 đến tháng 2-2104 là giai đoạn sẽ chạy thử hệ thống. Và bắt đầu từ tháng 3-2014 Hệ thống VNACCS/VCIS sẽ được vận hành chính thức trong hoạt động của Hải quan Việt Nam.

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com