(Vnaccs.com) - Chiếm tới 50% đến 60% tổng thu NSNN của ngành Hải quan, phương thức thu
NSNN qua ngân hàng thương mại được đánh giá là hiện đại và hiệu quả. Vì
vậy, để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế và để hiện đại hóa công
tác thu NSNN thì việc mở cả chiều rộng và chiều sâu phương thức thu này
là cần thiết.
Hải quan và DN đều hưởng lợi
Theo số liệu của Cục thuế XNK (Tổng cục
Hải quan), số thu NSNN thực hiện phối hợp thu qua ngân hàng thương mại
trong năm 2012 chiếm tới 53,2% tổng thu NSNN của toàn Ngành. Trong 2
tháng đầu năm 2013, kết quả thực hiện thanh toán này cũng chiếm tới
57,3% tổng thu NSNN của ngành Hải quan.
Phân tích lợi ích chương trình này cho
thấy, đối với cơ quan Hải quan, thu được tiền thuế nhanh chóng, đầy đủ,
chính xác, kịp thời vào NSNN. Từ đó, dữ liệu nhận từ Kho bạc khai thác
trên chương trình KT559 tương đối kịp thời, đầy đủ, chính xác, giúp công
tác quản lý thuế thuận lợi và hiệu quả, giảm bớt áp lực về nhân lực
tham gia quản lý thu NSNN. Chính vì thế, những trường hợp cưỡng chế nhầm
cũng không còn xảy ra.
Đối với DN, giảm bớt thời gian, chi phí
giấy tờ trong việc thực hiện thông quan hàng hoá XNK. Nhờ đó, việc thông
quan hàng hoá cũng được nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Đặc biệt, đối với DN XNK, hiện nay một số
ngân hàng có chương trình “Thu thuế XNK online”. Ngay sau khi khách hàng
nộp thuế XNK, thông tin nộp thuế sẽ truyền sang Kho bạc Nhà nước để
hạch toán thuế, đồng thời truyền sang cơ quan Hải quan để thông quan
hàng hóa. Như vậy, không những giảm bớt thời gian, công sức cho việc nộp
thuế, mà còn giảm thời gian lưu kho bãi, giải phóng hàng hóa nhanh
chóng, giảm thiểu tối đa chi phí phát sinh ngoài ý muốn.
Chương trình phối hợp thu NSNN qua ngân
hàng đã cho thấy những thế mạnh vượt trội như đa dạng hóa các hình thức
nộp thuế, giúp người nộp thực hiện nghĩa vụ nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Với ưu điểm là dữ liệu nộp thuế của khách hàng được kết nối trực tiếp
với hệ thống thông tin liên ngành của Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước,
Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, ngân hàng có thể truy vấn thông tin
về số thuế/tờ khai hải quan của khách hàng được chuẩn xác. Từ đó, ngân
hàng thu thuế và hạch toán thông tin nộp thuế của DN đến các cơ quan
liên ngành một cách chính xác, kịp thời và nhanh chóng. Riêng đối với
các khoản thuế phải nộp định kỳ, DN chỉ cần ký hợp đồng sử dụng dịch vụ
thu thuế tự động là có thể yên tâm về nộp thuế đầy đủ, đúng hạn.
Cần nhân rộng
Theo phân tích của cán bộ Phòng Dự toán
Tổng hợp-Cục thuế XNK, số lượng tham gia của các ngân hàng còn hạn chế
(hiện mới thực hiện trao đổi thông tin với 9 ngân hàng tại 9 cục, với số
thu đạt trên 50% tổng số thu của toàn Ngành, trong khi số thu tại 9 cục
hải quan này chiếm gần 90% số thu toàn Ngành), nên khả năng cung ứng
dịch vụ đối với cộng đồng DN XNK chưa cao, thông tin về số thuế đã nộp
mới chỉ dừng ở mức xét thời hạn nộp thuế hoặc thông quan, giải phóng
hàng. Việc sử dụng dữ liệu của các ngân hàng mới đang dừng ở bước xét ân
hạn thuế, tạm giải phóng hàng mà chưa được hạch toán vào chương trình
kế toán thuế nên việc thanh khoản nợ thuế các tờ khai chưa thực hiện
online.
Bên cạnh đó, còn là khó khăn về thông tin
tờ khai nợ thuế phi mậu dịch chưa có trong hệ thống. Vì vậy, khi ngân
hàng thu thuế cho các tờ khai phi mậu dịch thì không khai thác được
thông tin về nợ thuế tờ khai trong hệ thống. Và DN sau khi đã nộp thuế
tại các ngân hàng không kiểm tra được thông tin trên hệ thống tại các
chi cục hải quan để xét thời hạn nộp thuế hoặc thông quan, giải phóng
hàng.
Vì vậy, để triển khai mở rộng phối hợp thu
NSNN với các ngân hàng thương mại, đáp ứng mục tiêu thực hiện thanh
toán điện tử đến cuối năm 2013 đạt 70-80% tổng thu NSNN của ngành Hải
quan thì việc mở cả chiều rộng và chiều sâu phương thức này là cần
thiết.
Cục thuế XNK đã đề xuất mở rộng và nâng
cấp Cổng thanh toán điện tử để đáp ứng yêu cầu khi vận hành hệ thống
thông quan tự động VNACCS/VCIS. Việc nâng cấp nhằm khai thác thông tin
về việc thanh toán thuế của DN trên cổng thanh toán điện tử để tự động
thông quan đối với hàng hóa XNK và cho phép trao đổi thông tin nhanh
chóng, kịp thời với hệ thống VNACCS/VCIS. Trong đó, bổ sung các chức
năng cho Cổng, cho phép thanh toán tất cả các khoản thu của ngành Hải
quan (hiện tại chỉ thanh toán thuế, lệ phí).
Cục thuế XNK cũng kiến nghị cho phép cơ
quan Hải quan được mở tài khoản tại ngân hàng thương mại để quản lý các
khoản do cơ quan Hải quan quản lý (theo quy định tại Khoản 13 Điều 1
Nghị định 106/2010/NĐ-CP) và được hạch toán, thanh khoản ngay các khoản
nợ thuế cho người nộp thuế. Như vậy sẽ giúp cho việc thanh khoản và các
khoản nợ của người nộp thuế được nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người
nộp thuế; hạn chế việc phải điều chỉnh lại số tiền thuế trong trường hợp
người nộp thuế không thực hiện đúng thứ tự thanh toán, hay nộp nhầm tài
khoản…
Trong năm 2013, Tổng cục Hải quan sẽ mở
rộng triển khai phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại tại tất
cả 34 cục hải quan tỉnh, thành phố, tiếp tục ký thỏa thuận hợp tác với
các ngân hàng thương mại đủ điều kiện. Tổ chức tuyên truyền cho cộng
đồng DN về nội dung và lợi ích chương trình này mang lại.
Dự án phối hợp thu NSNN, bảo lãnh
thuế bằng phương thức điện tử giữa Tổng cục Hải quan và ngân hàng thương
mại đã được Tổng cục Hải quan triển khai từ năm 2010. Đến nay, Tổng cục
Hải quan đã ký thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin và triển khai phối
hợp thu NSNN với 10 ngân hàng thương mại tại 9 Cục Hải quan có số thu
lớn là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng
Tàu, Đà Nẵng, Đồng Nai và Quảng Ngãi.
(Theo Báo Hải quan HQOnline - Tác giả Thu Trang)
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com. Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com |
0 ý kiến phản hồi:
Đăng nhận xét