Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Từ thủ tục hải quan điện tử đến VNACCS

(vnaccs.com) - Trong công cuộc cải cách, hiện đại hóa Hải quan, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) là hoạt động nổi bật được nhiều cơ quan, ban ngành và cộng đồng DN đánh giá cao. Thông qua thực hiện TTHQĐT, ngành Hải quan đã tiến một bước dài trong đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa để tạo thuận lợi cho DN theo mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài chính.


Một bước tiến dài
TTHQĐT hiện nay đã được thực hiện chính thức tại tất cả 34 Cục Hải quan địa phương, thu hút hầu hết DN XNK trên cả nước tham gia. Đây là kết quả ấn tượng.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Cục trưởng Cục CNTT&Thống kê Hải quan chia sẻ: Cải cách hiện đại hóa có tính chất bao trùm lên các hoạt động của Hải quan Việt Nam. Tuy nhiên, theo yêu cầu, nhiệm vụ trong những giai đoạn nhất định, chúng ta cũng tập trung nguồn lực cho những công việc hết sức cụ thể. Thực hiện TTHQĐT là một ví dụ.

Thông qua các Quyết định 149/2005/QĐ-TTg năm 2005 và Quyết định 103/2009/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm và mở rộng thí điểm TTHQĐT đã tạo ra được hành lang pháp lí quan trọng để Hải quan Việt Nam triển khai công cụ hiện đại này vào các hoạt động nghiệp vụ của Ngành. Trên cơ sở thành công trong giai đoạn thí điểm, ngày 23-10-2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2012/NĐ-CP về thực hiện chính thức TTHQĐT trên phạm vi cả nước.

Thực hiện TTHQĐT cũng là đòi hỏi từ nhu cầu thực tế trong việc giảm thời gian thông quan hàng hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng cho biết, để thực hiện TTHQĐT theo lộ trình của Chính phủ, về mặt công nghệ đến nay chúng ta đã trải qua 4 phiên bản về thông quan điện tử. Hiện nay, toàn Ngành đang thực hiện theo phiên bản 4.0. từ những phiên bản đơn giản đầu tiên chỉ giống như hình thức khai báo hải quan điện tử, với phiên bản 4.0 đã có một bước tiến dài khi chúng ta không chỉ tiếp nhận tờ khai mà còn tự động hóa được nhiều khâu trong quy trình nghiệp vụ như kiểm tra, phân luồng và quyết định thông quan… Điều này giúp DN giảm thiểu rất nhiều thời gian và tiện lợi trong thực hiện thủ tục hải quan, góp phần thông quan hàng hóa được nhanh chóng, giảm thiểu chi phí phát sinh.

Nói vắn tắt, nhưng trong thực tế, để có được kết quả trên, toàn Ngành đã phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ. Đó là tổ chức đào tạo cho CBCC và DN; đầu tư máy móc, trang thiết bị thiết bị; xây dựng và hoàn thiện quy trình; xây dựng, hoàn thiện và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu… để phục vụ hệ thống. Đặc biệt, việc thay đổi suy nghĩ, nhận thức, quan niệm, thói quen thực hiện thủ tục qua phương thức thủ công qua nhiều năm của đội ngũ CBCC và DN là việc làm không hề dễ dàng. Những ngày đầu thực hiện TTHQĐT, không chỉ DN mà ngay cả một bộ phận CBCC cũng có những nhận thức chưa đầy đủ, đúng đắn.

Lúc đó, song song với công tác nghiệp vụ, vấn đề tuyên truyền, vận động và chỉ rõ những lợi ích của phương thức này cũng rất được chú trọng để công chức hải quan và DN hiểu rõ và hưởng ứng, tham gia. Do quy định trong thời gian thí điểm và thực tế nhiều DN chưa nắm bắt, chủ động thực hiện nên khi khai trương TTHQĐT ở các chi cục, cơ quan Hải quan cũng mới chỉ lựa chọn một số ít DN để thực hiện. Tuy nhiên, dù ở thành phố lớn nhưng lượng DN sẵn sàng tham gia chưa nhiều. Cơ quan Hải quan phải cử CBCC xuống tận DN để cài đặt phần mềm, hướng dẫn thực hiện theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Hình ảnh này rất xa lạ với sự chủ động hiện nay của DN dù khoảng cách về thời gian chưa lâu.

Đánh giá về thành công của TTHQĐT thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Tùng cho rằng, ngoài những điều “mắt thấy, tai nghe” về số DN, số đơn vị Hải quan thực hiện, chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn về chế độ quản lí, tạo lập được phong cách, thói quen làm việc mới theo phương thức điện tử. Việc thực hiện TTHQĐT cũng là tiền đề quan trọng cho việc tiếp nhận và triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS sau này.

Có thể nói, đến thời điểm này, TTHQĐT đã thực hiện thành công sứ mệnh khai phá trong chuyển đổi phương thức thực hiện thủ tục hải quan của cả CBCC hải quan và DN từ thủ công sang điện tử. Để từ đây Hải quan Việt Nam sẽ tiếp tục được xây dựng theo hướng hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng CNTT, xử lí dữ liệu tập trung và áp dụng rộng rãi phương thức quản lí rủi ro, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á… theo mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.

Điện tử hóa theo công nghệ Nhật Bản
Theo kế hoạch, tháng 4-2014, Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS sẽ chính thức vận hành. Đây là công cụ quan trọng để toàn Ngành thực hiện các mục tiêu cải cách, hiện đại hóa.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, việc chuyển đổi từ TTHQĐT hiện nay sang VNACCS/VCIS cũng phù hợp với xu thế phát triển chung của các nước có nền Hải quan hiện đại trên thế giới. Bởi trong quá trình vận hành một hệ thống CNTT sẽ luôn có sự đổi mới, nâng cấp theo tình hình phát triển thực tế. Ngay hệ thống NACCS/CIS của Hải quan Nhật Bản cũng vậy. Hệ thống này được Hải quan Nhật Bản đưa vào sử dụng năm 1978 và thông thường khoảng 5 năm, Hải quan Nhật Bản sẽ có sự nâng cấp hệ thống.

Ở Hải quan Việt Nam, so với TTHQĐT hiện nay, VNACCS/VCIS còn có mức tự động hóa cao hơn, kết nối nhiều hệ thống CNTT hơn và phần lớn các hoạt động nghiệp vụ, hoạt động quản lí hải quan sẽ được thực hiện tự động qua hệ thống này. Theo thiết kế chi tiết vừa được Ban triển khai Dự án VNACCS/VCIS hoàn thành với sự giúp đỡ của chuyên gia đến từ Hải quan Nhật Bản, sẽ có gần 200 nghiệp vụ được thực hiện thông qua VNACCS/VCIS. Điều đó sẽ giúp Hải quan Việt Nam đảm bảo mục tiêu cải cách hiện đại hóa để tạo thuận lợi cho DN, đáp ứng các cam kết hội nhập của Ngành và của đất nước. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả quản lí, chúng ta cũng sẽ đẩy mạnh các công cụ quản lí hải quan hiện đại là Quản lí rủi ro và Kiểm tra sau thông quan.

Để chuyển đổi thành công từ TTHQĐT hiện nay sang VNACCS/VCIS, yếu tố quan trọng không thể thiếu là sự quyết tâm, chủ động của lãnh đạo, CBCC các cục hải quan địa phương và giới DN. Điều đó đòi hỏi ngay từ bây giờ các đối tượng này phải được đào tạo một cách bài bản, có hệ thống để nắm vững và thực hiện.

(Theo hqonline, tac gia: N.Quốc)



Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com