(HQ Online)- Tổng cục Hải quan vừa có hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc báo cáo quyết toán hàng gia công, sản xuất xuất khẩu.
Xác định trị giá tại báo cáo quyết toán
Theo phản ánh của Hải quan địa phương, khi
xác định trị giá nguyên vật liệu, thành phẩm, mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL
chỉ quy định theo dõi bằng trị giá nguyên liệu, vật tư và thành phẩm,
trong khi đó giá NK nguyên liệu, vật tư (tài khoản 152) và giá thành
phẩm (tài khoản 155) tại dữ liệu hải quan và trên hệ thống kế toán là
khác nhau.
Giá nguyên liệu, vật tư NK trên tờ khai
hải quan chỉ bao gồm giá NK chưa bao gồm chi phí vận chuyển, bảo hiểm,
lưu kho bãi, các chi phí phát sinh trong nội địa. Giá thành phẩm trên tờ
khai hải quan bao gồm cả lợi nhuận.
Do vậy, cơ quan Hải quan không có cơ sở để
thực hiện kiểm tra, đối chiếu, so sánh theo quy định tại Quyết định
1966/QĐ-TCHQ theo nguyên tắc tổng trị giá khai báo trên tờ khai NK
nguyên liệu, vật tư và sản phẩm XK với trị giá trên báo cáo quyết toán.
Như vậy, công chức Hải quan kiểm tra số liệu trên hệ thống và báo cáo
quyết toán của DN có chênh lệch thì có yêu cầu DN giải trình sổ sách kế
toán và chứng từ chứng minh không?
Giải đáp vướng mắc trên, Tổng cục Hải quan
cho biết, về nguyên tắc DN thực hiện hạch toán đối với nguồn nguyên
liệu, vật tư NK vào tài khoản 152, thành phẩm XK vào tài khoản 155 theo
đúng giá gốc nguyên liệu, vật tư và giá thành phẩm định khoản kế toán
được quy định tại Điều 25, Điều 28 Thông tư số 200/2014/TT-BTC. Theo đó,
giá trị ghi nhận trên sổ sách kế toán sẽ khác với giá trị khai báo trên
tờ khai hải quan do phương pháp xác đinh định trị giá khác nhau. Tuy
nhiên, căn cứ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 60 Thông tư
38/2015/TT-BTC thì một trong các trường hợp kiểm tra là có sự chênh lệch
bất thường khi kiểm tra, so sánh đối chiếu số liệu theo hướng dẫn tại
Quyết định 1966/QĐ-TCHQ. Khi kiểm tra tại trụ sở người khai hải quan thì
cơ quan Hải quan sẽ tiến hành đối chiếu, so sánh giữa báo cáo quyết
toán với hồ sơ hải quan, chứng từ, sổ sách kế toán, phiếu nhập kho,
phiếu xuất kho,...
Đối với báo cáo quyết toán theo số lượng
đối với hợp đồng gia công, Cục Hải quan Quảng Nam phản ánh trường hợp
thực hiện hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài, hệ thống kiểm
soát nội bộ của DN chỉ theo dõi chi tiết lượng hàng hóa, không theo trị
giá thì DN có được sử dụng kết quả kết xuất từ hệ thống nội bộ để lập
báo cáo quyết toán cho cơ quan Hải quan không? Tổng cục Hải quan cho
biết, trường hợp loại hình gia công tổ chức, cá nhân không theo dõi trị
giá thì được kết xuất số liệu theo lượng từ hệ thống kiểm soát nội bộ
của tổ chức, cá nhân để lập báo cáo quyết toán đối với phần hàng hóa
không quản lý theo trị giá này.
Về báo cáo theo trị giá sử dụng đồng tiền
ngoại tệ tại DN, hiện nay, theo phản ánh của các DN khi thực hiện báo
cáo quyết toán theo mẫu 15/BCQT-NVL/GSQL phải khai báo trị giá nguyên
liệu vật tư NK, thành phẩm XK theo VNĐ gây khó khăn cho DN vì một số DN
sử dụng đồng tiền ngoại tệ như USD, EURO... khi hạch toán vào tài khoản
152, 155 theo đúng hệ thống quản lý nội bộ của DN. Trị giá khai báo trên
tờ khai hải quan sẽ khác biệt rất lớn so với trị giá trên báo cáo quyết
toán năm của doanh nghiệp vì tỷ giá tại thời điểm mở tờ khai theo từng
ngày, trên báo cáo quyết toán DN sẽ lấy tỷ giá vào thời điểm cuối năm;
trị giá khi đưa vào báo cáo quyết toán là trị giá theo tờ khai hải quan
cộng thêm nhiều chi phí khác (chi phí vận chuyển nội địa, chi phí kiểm
tra chất lượng...). Ngay cả nội bộ DN cũng rất khó khăn khi cuối năm
phải đối chiếu, xác định nguyên nhân chênh lệch trị giá khi báo cáo
quyết toán.
Trước vướng mắc của DN, Tổng cục Hải quan
cho biết, để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hạch toán bằng ngoại tệ,
dẫn khi lập báo cáo quyết toán theo mẫu 15/BCQT-NVL/GSQL, DN có thể
khai trị giá nguyên liệu, vật tư NK, thành phẩm XK được sản xuất từ
nguyên liệu, vật tư NK theo trị giá VNĐ hoặc được sử dụng đồng tiền
ngoại tệ như USD, EURO... theo đúng phản ánh tại hệ thống sổ sách kế
toán của DN.
Gỡ vướng thủ tục hàng gia công
Cơ quan Hải quan cũng ghi nhận một số
vướng mắc về thủ tục hải quan và hướng dẫn cụ thể. Một số Cục Hải quan
Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. HCM, Đồng Nai đề nghị hướng dẫn cụ thể đối với
việc quản lý gia hạn hợp đồng gia công vì có trường hợp khi DN gửi thông
báo xử lý nguyên phụ liệu dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công,
DN xuất trình gia hạn hợp đồng gia công nhưng khi rà soát lại, trong
khoảng thời gian kết thúc hợp đồng chính đến thời điểm kết thúc hợp đồng
gia hạn, DN không có hoạt động XNK. Như vậy, việc gia hạn của DN có thể
hợp thức hóa để không bị phạt vi phạm hành chính về thời điểm thông báo
xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa.
Trước phản ánh đó, Tổng cục Hải quan hướng
dẫn, theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC, DN không thực hiện
thông báo hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công, DN tự chịu trách nhiệm lưu
giữ và xuất trình khi cơ quan Hải quan có yêu cầu. Tại Thông tư này
không có nội dung quy định về việc gia hạn các điều khoản đã ký kết
trong hợp đồng gia công. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Nghị định số
187/2013/NĐ-CP trường hợp có thay đổi các nội dung đã ký kết trong hợp
đồng gia công thì bên đặt gia công, bên nhận gia công phải ký kết phụ
lục để sửa đổi, bổ sung trước thời hạn hợp đồng gia công hết hiệu lực
thực hiện. Như vậy, việc thực hiện là trách nhiệm của DN khi cơ quan
chức năng phát hiện sai phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định.
(nguồn: baohaiquan.vn)
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com. Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com |
0 ý kiến phản hồi:
Đăng nhận xét