Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản lý rủi ro

 Trong giai đoạn hiện nay, để chuẩn bị cho việc tiếp nhận Dự án VNACCS do Hải quan Nhật Bản tài trợ, quản lý rủi ro (QLRR) đã được khẳng định là phương thức quản lý hải quan hiện đại, là cơ sở để thực hiện thành công dự án.


Để chuẩn bị cho việc khai hải quan điện tử, ngay từ đầu năm 2006, Tổng cục Hải quan đã bước đầu triển khai áp dụng QLRR vào Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK thương mại ở phạm vi toàn ngành. Từ đó đến nay, hoạt động QLRR đã không ngừng được chuẩn hóa, hoàn thiện và mở rộng phạm vi áp dụng. 

Bên cạnh việc xây dựng hành lang pháp lý và các quy định, hướng dẫn thực hiện, đưa vào ứng dụng hệ thống thông tin hỗ trợ QLRR tại các chi cục hải quan cửa khẩu, ngành Hải quan đã hình thành, triển khai tổ chức bộ máy và một cơ chế hoạt động cho hệ thống các đơn vị được giao chuyên trách công tác QLRR tại 3 cấp: Tổng cục, cục Hải quan tỉnh, thành phố và chi cục Hải quan cửa khẩu. Đặc biệt trong thời gian gần đây, công tác quản lý rủi ro đã có những chuyển biến tích cực, phát triển cả về diện rộng và chuyên sâu.


Theo kết quả rà soát của toàn ngành về tỷ lệ phát hiện vi phạm từ áp dụng QLRR trong 2 năm 2010 và 2011 cho thấy, có sự gia tăng về tỷ lệ phát hiện vi phạm năm sau cao gấp đôi năm trước và gấp gần 3 lần về số lượng.


Việc áp dụng tiêu chí phân tích QLRR tại một số Hải quan địa phương ngày càng thuần thục, sắc bén về nghiệp vụ. Qua theo dõi cho thấy, có những đơn vị trong những năm trước đây hầu như không có việc thiết lập áp dụng tiêu chí phân tích, thì nay đã làm chủ được hoạt động này và có những thời điểm đã đạt được những kết quả khá ấn tượng, với tỷ lệ phát hiện vi phạm trong kiểm tra hải quan từ việc áp dụng tiêu chí phân tích đến trên 3%.


Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề còn tồn tại cần được khắc phục đó chính là vấn đề về tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự. Việc triển khai hoạt động QLRR ở các đơn vị Hải quan địa phương cần được quan tâm hơn nữa. Cụ thể, CBCC hải quan còn hạn chế về nhận thức, coi QLRR chỉ là một phương thức độc lập do đơn vị, công chức chuyên trách thực hiện. Hoặc QLRR làm mất đi vai trò và một số lợi ích của một bộ phận CBCC hải quan. Do vậy có tư tưởng thờ ơ, không ủng hộ, thậm chí tìm cách gây cản trở hoặc lợi dụng để làm sai lệch vì lợi ích cá nhân.

QLRR là công tác nghiệp vụ mới và khó, đòi hỏi cán bộ làm công tác QLRR phải tinh thông nghiệp vụ và giàu kinh nghiệm thực tế để có thể nắm bắt chính sách, phân tích thông tin, sàng lọc các đối tượng trọng điểm và đề xuất các biện pháp xử lý tương ứng. Tuy nhiên qua khảo sát cho thấy, số lượng cán bộ bố trí tại các đơn vị QLRR không đủ để thực hiện các khối lượng công việc lớn.

Tỷ lệ cán bộ được bố trí chuyên trách để thực hiện các công việc nghiệp vụ này quá nhỏ so với tổng số biên chế của cả cục Hải quan tỉnh, thành phố. Do thiếu nguồn nhân lực nên nhiều công việc triển khai chậm. Thậm chí, một số hạng mục không có người để triển khai xây dựng hoặc có người nhưng mới được tuyển dụng nên chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm cho việc nghiên cứu xây dựng. Điều này dẫn đến một thực trạng QLRR còn bỏ trống trong nhiều khâu, lĩnh vực nghiệp vụ như: Thủ tục hải quan đối với phương tiện, hành lý của hành khách XNC, giám sát đối với hàng hóa, phương tiện, hành khách…

Tại các đơn vị Hải quan địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện QLRR. Một số đơn vị do không bố trí đủ người nên việc triển khai các chương trình, kế hoạch về QLRR còn mang tính hình thức. Một số nhiệm vụ quan trọng như: Thu thập, cập nhật thông tin DN, theo dõi đánh giá tuân thủ DN… không có người thực hiện. Có một số đơn vị khác do bố trí công chức mới tuyển dụng hoặc bố trí công chức luân chuyển chưa qua đạo tạo, tập huấn nên có nhiều hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Còn tại các chi cục hải quan, phần lớn công chức QLRR phải làm kiêm nhiệm. Do khối lượng công việc khác lấn át nên hầu hết công việc QLRR như: Theo dõi đánh giá DN hoạt động trên địa bàn, phân tích rủi ro, áp dụng tiêu chí phân luồng tại chi cục cũng không được quan tâm đúng mức.

Vấn đề được đặt ra là, để nâng cao hiệu quả công tác QLRR cần coi trọng tới chất lượng CBCC làm công tác QLRR. Cần sắp xếp hợp lý lực lượng QLRR trong từng bộ phận từ cấp Tổng cục-Cục-Chi cục. Nghiên cứu chế độ luân chuyển ở khâu này, nhằm chuyên sâu chất lượng cán bộ. Mặt khác cần có chế độ chính sách đúng mức để thu hút được những CBCC có trình độ, kinh nghiệm về công tác QLRR.

(Theo HQonline)

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com