Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Chữ kí số- lợi ích nhiều bên

(VNACCS) -  Việc ngành Hải quan thực hiện chính thức chữ kí số trong thủ tục hải quan điện tử từ 1-11-2013 và Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS)(triển khai thí điểm từ 15-11-2013, chính thức từ tháng 4-2014) được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan Hải quan, DN XNK và cả đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng (C/A).


Đảm bảo hạ tầng công nghệ
Sử dụng CKS không chỉ tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử khi TTHQĐT được thực hiện chính thức mà còn là bước đệm quan trọng để triển khai VNACCS/VCIS.

Xác định tầm quan trọng của ứng dụng CKS, từ năm 2011, Tổng cục Hải quan thực hiện thí điểm CKS tại Chi cục Hải quan KCN & KCX Hải Phòng. Đầu năm 2012, tiếp tục mở rộng thí điểm tại một số đơn vị trọng điểm như Hải quan Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… Quá trình thí điểm vừa giúp CBCC hải quan và DN làm quen vừa giúp cơ quan Hải quan hoàn thiện hệ thống để triển khai chính thức.

Quý I-2013, Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện nâng cấp và triển khai hệ thống thông quan điện tử theo phiên bản 4.0. Đây là điều kiện quan trọng để đáp ứng nhu cầu sử dụng CKS của đông đảo DN XNK. Theo phiên bản mới này, hệ thống dữ liệu được tiếp nhận chung tại Cục Hải quan địa phương. Mô hình này khắc phục được toàn bộ các vấn đề gặp phải trong quá trình thực hiện thí điểm. Đó là: Dữ liệu được tiếp nhận tại các Cục Hải quan nên giảm ách tắc trong trường hợp dữ liệu lớn. Việc kiểm tra sự phù hợp của dữ liệu và CKS được thực hiện tại cấp Cục do đó giảm tải cho hệ thống tại Tổng cục. Kiểm tra thời hạn hiệu lực của CKS và việc đăng kí CKS được thực hiện tại Tổng cục…

Song song với đó, Tổng cục Hải quan đã làm việc với các DN cung cấp dịch vụ CKS công cộng để đảm bảo CKS của tất cả các DN này kết nối được với hệ thống của cơ quan Hải quan. Việc áp dụng CKS cũng được tích hợp vào phần mềm ứng dụng và hệ thống xử lí của cơ quan Hải quan. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm để phục vụ việc triển khai CKS theo quyết định của Bộ Tài chính. Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các cục Hải quan địa phương tuyên truyền về lộ trình thực hiện CKS tới cộng đồng DN; tiến hành nâng cấp hệ thống CNTT. Trong quá trình vận hành thường xuyên theo dõi, xử lí vướng mắc phát sinh và hỗ trợ DN thực hiện.

Lợi ích và thuận tiện
Đối với các DN XNK, việc sử dụng CKS sẽ mang lại nhiều tiện ích, đặc biệt là nâng cao tính bảo mật thông qua việc quản lí được tờ khai DN truyền đến cơ quan Hải quan. Vấn đề này đã có không ít DN gặp phải trong quá trình sử dụng tài khoản để khai báo như hiện nay.

Lãnh đạo Cục Công nghệ thông tin & Thống kê Hải quan cho biết, khi áp dụng CKS, vấn đề trên sẽ được loại bỏ. Vì khi cá nhân được cấp CKS không còn làm việc cho DN và DN thông báo sự thay đổi này đến cơ quan Hải quan thì CKS đó sẽ được hủy. Đồng thời, trách nhiệm của người khai cũng được gắn chặt trên mỗi tờ khai hải quan vì chức năng “chống chối bỏ” của CKS.

Vấn đề đăng kí CKS cũng được thực hiện đơn giản, khi DN được cấp CKS (từ các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS), DN đăng kí CKS đã được cấp với cơ quan Hải quan thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan (www.customs.gov.vn). Việc đăng kí được thực hiện 24 giờ/ngày và hệ thống của cơ quan Hải quan sẽ tự động xử lí thông tin và trả kết quả cho DN. Hoạt động này hoàn toàn miễn phí.

Những DN đã sử dụng CKS để giao dịch đối với cơ quan quản lí nhà nước khác, ví dụ như cơ quan Thuế, cũng hoàn toàn sử dụng được CKS này để giao dịch với cơ quan Hải quan nhằm tiết kiệm chi phí vì không phải đăng kí thêm CKS mới với nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS. Các DN có thể tùy ý lựa chọn CKS của bất kì nhà cung cấp nào được phép hoạt động ở Việt Nam, bởi hệ thống xử lí của cơ quan Hải quan tiếp nhận được CKS của tất cả các nhà cung cấp hiện nay ở nước ta như đề cập ở trên.

Ngoài lợi ích với cơ quan Hải quan và DN XNK, việc thực hiện chính thức CKS trong TTHQĐT và VNACCS/VCIS được dự báo sẽ tạo cú hích cho thị trường CKS ở nước ta. Theo Trung tâm Chứng thực CKS quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), kể từ khi Luật Giao dịch điện tử ra đời năm 2005 đến tháng 8-2013, Việt Nam mới cấp phép sử dụng cho 300.000 CKS. Hiện CKS được ứng dụng trong hoạt động kê khai thuế qua mạng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Như vậy, với việc áp dụng CKS trong TTHQĐT thêm hàng chục nghìn DN XNK tham gia vào hoạt động này.
Theo Tổng cục Hải quan, quá trình triển khai thí điểm CKS đã có 893 DN tham gia; thực hiện tại 69 Chi cục thuộc 18 Cục Hải quan địa phương. Các DN sử dụng CKS của 5 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng. Số lượng chứng thư số đã đăng kí với cơ quan Hải quan và thực hiện TTHQĐT 1.535 chứng thư số; tổng số giao dịch hơn 1,162 triệu.
Theo Trung tâm Chứng thực CKS quốc gia, hiện Việt Nam đã có 9 DN được cấp phép hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng gồm: VNPT-CA, CA2 (Nacencomm), Bkav-CA, Viettel-CA, FPT-CA, CK-CA (Công ty CP công nghệ và truyền thông CK), Newtel CA, Safe-CA và SmartSign.
Tại Nhật Bản, Hệ thống thông quan tự động (NACCS) xử lí hàng chục triệu bộ tờ khai hải quan mỗi năm và các tờ khai đều được sử dụng CKS để thực hiện.

(Theo HQonline - tác giả: T.Bình)


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc khi đăng tải tại http://www.vnaccs.com.  
 Câu hỏi hoặc góp ý xin gửi tới email:vnaccs@gmail.com
Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý khách luôn thành công trong cuộc sống!

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com