Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Lưu ý về hàng hóa trong Hợp đồng mua bán quốc tế.

Trong mua bán hàng hóa quốc tế, mỗi một loại sản phẩm đều có tên gọi riêng, có chất lượng xác định với một số lượng nhất định. Mua bán hàng hóa quốc tế khác với việc mua bán ở siêu thị hay cửa hàng... Trong mua bán hàng hóa quốc tế, mỗi một loại sản phẩm đều có tên gọi riêng, có chất lượng xác định với một số lượng nhất định. Mua bán hàng hóa quốc tế khác với việc mua bán ở siêu thị hay cửa hàng.
 
Hàng hóa trong mua bán quốc tế thường với số lượng lớn và phải thông qua một quá trình vận chuyển. Do vậy, hàng hóa cần phải được đóng gói theo đúng quy cách để bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển. Thế nên trong khi đàm phán, ký kết hợp đồng những vấn đề liên quan đến tên gọi, chất lượng, quy cách đóng gói và vấn đề kiểm định chất lượng hàng hóa không thể bỏ qua và phải được các bên qui định chi tiết và cụ thể.

1. Tên của hàng hóa:

Khi xây dựng điều khoản tên hàng, tùy từng trường hợp các bên có thể liệt kê ra tên hàng hoặc đưa ra tên hàng kèm theo các đặc điểm về mẫu mã, đẳng cấp, loại, thương hiệu… Dù đặt tên hàng như thế nào, các bên cần lưu ý các qui tắc sau:

- Tên hàng phải được biểu đạt rõ ràng, cụ thể.

- Miêu tả về hàng hóa phải có khả năng thực hiện được trên thực tế, tránh sử dụng những câu từ xáo rỗng, không thể thực hiện được.

- Tên hàng cần phù hợp với tên gọi quốc tế, tránh sử dụng tên địa phương của hàng hóa.

- Cần lưu ý đến việc đặt tên hàng làm sao có lợi cho mình trong việc tính thuế nhập khẩu hoặc xuất khẩu và cước phí vận chuyển. Bởi vì thực tế, cùng một loại hàng hóa nhưng có tên gọi khác nhau với mã số HS khác nhau sẽ có mức thuế suất xuất khẩu hoặc nhập khẩu khác nhau và có thể sẽ được áp dụng mức cước phí vận chuyển khác nhau.

2. Chất lượng hàng hóa:

Thực tiễn cho thấy, các bên thường sử dụng hàng mẫu, thuyết minh hàng hóa (sách giới thiệu, mô hình…) để xác định chất lượng hàng hóa, cũng có thể các bên sử dụng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu để làm tiêu chí chất lượng của hàng hóa. Tuy nhiên, nếu các tiêu chí này không được ghi nhận cụ thể trong điều khoản chất lượng hàng hóa, vướng mắc rất dễ xảy ra.
Theo kinh nghiệm, điều khoản về chất lượng hàng hóa cần được xây dựng như sau:

- Điều khoản chất lượng cần rõ ràng, chính xác, cụ thể, không được dùng các câu, từ mơ hồ, đa nghĩa hoặc vô nghĩa.

- Cần trích hoặc dẫn chiếu cụ thể qui định của nước nhập khẩu áp dụng cho điều khoản chất lượng hàng hóa. Điều này rất có lợi cho bên xuất khẩu, để bên xuất khẩu có thể nắm được tiêu chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu đối với hàng hóa liên quan, đồng thời giới hạn trách nhiệm bảo đảm chất lượng của mình trong tiêu chuẩn này, nếu tiêu chuẩn luật định liên quan có bị thay đổi hoặc không còn hiệu lực thì bên nhập khẩu không có quyền từ chối nhận hàng.

- Bên xuất khẩu cần đàm phán để có được quy định mềm dẻo trong điều khoản chất lượng, ví dụ một số cách quy định như sau:
  • Chất lượng của hàng giao tương đương hoặc gần như hàng mẫu: Quy định này có thể giúp cho bên xuất khẩu tránh được trách nhiệm khi hàng giao có chất lượng khác với hàng mẫu một chút.
  • Sai s�� chất lượng cho phép: Tùy từng loại hàng hóa các bên có thể thỏa thuận mức sai số. Tất cả các hàng hóa thuộc phạm vi sai số chất lượng, bên nhập khẩu không được từ chối nhận hoặc yêu cầu điều chỉnh giá.
3. Số lượng hàng hóa:

Bất kỳ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nào cũng đều phải xác định rõ số lượng hàng hóa được mua bán. Do vậy, điều khoản về số lượng cần được:

- Xác định cụ thể, rõ ràng theo đơn vị đo lường quốc tế, không nên sử dụng các từ ngữ có tính co giãn như “khoảng, gần như, trên dưới...” mà không có một con số hoặc tỷ lệ kèm theo.

- Đối với một số hàng hóa có độ tiêu hao nhất định trong quá trình vận chuyển, cần có thỏa thuận về độ co giãn của số lượng. Độ co giãn nên ở mức hợp lý và thường sử dụng tỷ lệ %. Quy định này sẽ có lợi cho bên bán nhưng cũng không quá thiệt thòi cho bên mua, nếu tỷ lệ co giãn ở mức hợp lý.

4. Quy cách đóng gói:

Hàng hóa thường được đóng gói trong bao bì gồm hai loại bao bì là bao bì vận chuyển và bao bì lưu thông (bao bì tiêu thụ). Bao bì không chỉ được sử dụng để bảo vệ hàng hóa trong quá trình vận chuyển, mà trong nhiều trường hợp (đặc biệt đối với bao bì lưu thông) còn là sự bắt buộc của pháp luật.

Do vậy, trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế các bên cần thỏa thuận cụ thể về đóng gói bao bì.
Theo kinh nghiệm, điều khoản đóng gói cần có những nội dung chủ yếu sau:

- Đặc tính vật lý và hóa học của bao bì:
Đặc tính vật lý và hóa học của bao bì phụ thuộc vào đặc tính của hàng hóa và phương thức vận chuyển. Do vậy các bên cần căn cứ vào đặc tính của từng loại hàng hóa và phương thức vận chuyển để lựa chọn được loại bao bì phù hợp, bảo đảm tính khoa học, hợp lý, đạt tiêu chí an toàn, thuận tiện và tiết kiệm.

- Quy cách của bao bì:
Quy cách của bao bì cần phải quy định rõ ràng, cụ thể. Đối với những bao bì cần phải tuân thủ quy cách theo qui định của luật nước nhập khẩu thì cần phải trích dẫn hoặc dẫn chiếu quy định cụ thể có liên quan.

- Chi phí bao bì:
Ai sẽ chịu chi phí bao bì, các bên cần phải làm rõ, có ba cách thức phổ biến như sau:
  • Bên bán, bằng chi phí của mình, cung cấp bao bì và bao bì liền cùng hàng hóa giao cho bên mua (áp dụng chủ yếu đối với bao bì lưu thông).
  • Bên bán, bằng chi phí của mình, cung cấp bao bì và sau khi giao hàng bên bán thu lại bao bì (áp đối với bao bì vận chuyển). Trong trường hợp này cần thỏa thuận cụ thể chi phí trả bao bì, vận chuyển bao bì về bên bán do ai chịu.
  • Bên mua, bằng chi phí của mình, cung cấp bao bì hoặc vật liệu làm bao bì. Khi sử dụng phương án này cần qui định rõ thời hạn cung cấp bao bì/vật liệu bao bì, trách nhiệm do không cung cấp bao bì/vật liệu bao bì đúng hạn.
5. Kiểm định (kiểm nghiệm) hàng hóa:

Việc các bên qui định cụ thể về chất lượng và số lượng hàng hóa là cần thiết và bắt buộc để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Tuy nhiên, làm thể nào để xác định hàng hóa phù hợp với chất lượng và số lượng được mô tả trong hợp đồng, các bên cần phải có cơ chế kiểm định hàng hóa. Thỏa thuận về kiểm định hàng hóa cần phù hợp với luật áp dụng.
Về cơ bản, điều khoản kiểm nghiệm hàng hóa có các nội dung chính sau:

- Thời gian và địa điểm kiểm nghiệm:
Các bên cần phải xác định rõ thời gian và địa điểm kiểm nghiệm cụ thể, rõ ràng, tránh việc mơ hồ. Đặc biệt khi xử lý mối quan hệ giữa thời gian và địa điểm kiểm nghiệm với thời gian và địa điểm chuyển giao hàng và rủi ro. Phải chăng sau khi hàng được giao cho bên mua thì bên mua sẽ mất quyền kiểm nghiệm? Các bên cần làm rõ.

Ngoài ra, các bên cần phải xem xét đến yếu tố đóng gói bao bì, liệu sau khi hàng hóa đã được đóng gói và đưa đến cảng bốc xếp thì việc tiến hành kiểm nghiệm ở cảng bốc xếp có đạt được hiệu quả kinh tế? Cuối cùng các bên cần lưu tâm đến luật nước nhập khẩu qui định như thế nào về thời gian và địa điểm kiểm nghiệm.

- Tổ chức kiểm nghiệm:
Các bên cần xác định cụ thể tổ chức có thẩm quyền tiến hành kiểm nghiệm và ban hành giấy chứng nhận kiểm nghiệm.

- Giấy chứng nhận kiểm nghiệm:
Các bên cần qui định cụ thể giá trị hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm nghiệm, liệu giấy chứng nhận kiểm nghiệm có giá trị chung thẩm hay có thể bị tái kiểm nghiệm bởi tổ chức kiểm nghiệm khác?

- Chi phí kiểm nghiệm:
Ai gánh chịu chi phí kiểm nghiệm cũng cần phải được qui định rõ ràng trong hợp đồng.

Liên quan đến thời gian, địa điểm kiểm nghiệm và hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm nghiệm, kinh nghiệm cho thấy các bên thường áp dụng một trong những cách thức chủ yếu sau:

- Kiểm nghiệm ở nước xuất khẩu:
Đây là một phương thức được bên xuất khẩu ưu tiên áp dụng vì có lợi cho họ. Theo phương thức này các bên có thể thỏa thuận: Hàng hóa được kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận kiểm nghiệm trước khi hàng hóa được bốc xếp lên tàu tại cảng bốc xếp. Giấy chứng nhận kiểm nghiệm có hiệu lực chung thẩm. Bên mua không có quyền yêu cầu tái kiểm nghiệm.

- Kiểm nghiệm ở nước xuất khẩu, tái kiểm nghiệm ở nước nhập khẩu:
Đây là quy định cân bằng lợi ích của hai bên. Tức là hàng hóa được kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận kiểm nghiệm trước khi hàng hóa được bốc xếp lên tàu tại cảng bốc xếp. Giấy chứng nhận kiểm nghiệm được sử dụng làm căn cứ để tiến hành thủ tục thanh toán với ngân hàng. Sau khi hàng đến cảng đích, bên mua có quyền yêu cầu tái kiểm nghiệm và dùng chứng nhận kiểm nghiệm của tổ chức kiểm nghiệm ở cảng đích để làm căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp áp dụng cơ chế tái kiểm nghiệm, các bên nên thỏa thuận cụ thể và rõ ràng về thời hạn, quy trình, tiêu chuẩn tái kiểm nghiệm.

0 ý kiến phản hồi:

my thoughts

CÓ NHIỀU VIỆC TA CẦN LÀM TRONG ĐỜI, TRUOC HẾT LÀ LÀM 1 NGƯỜI TỐT.
Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

 
Email: vnaccs@gmail.com