Việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thu, chi, lập dự toán ngân sách
Nhà nước là một trong những nhiệm vụ mà Bộ Tài chính đang tập trung
triển khai. Bên lề Vietnam Finance 2012, ông Đặng Đức Mai - Cục trưởng
Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với
báo chí về vấn đề này.
Khoa học công nghệ có vai trò
rất quan trọng để phát triển bền vững tài khóa, vậy theo ông, Việt Nam
sẽ phải tập trung vào nội dung nào để có thể phát huy hiệu quả của công
nghệ?
Để phục vụ cho việc tăng cường bền vững
tài khóa và xây dựng khuôn khổ chi tiêu trung hạn, Bộ Tài chính đang tập
trung vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý ngân sách Nhà nước.
Như trong hội thảo Vietnam Finance 2012,
chúng tôi đã tổ chức riêng một chuyên đề để các chuyên gia tập trung bàn
các giải pháp về công nghệ phục vụ cho việc tăng cường bền vững tài
khóa mà cụ thể là việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thu, chi ngân sách, xây
dựng hệ thống dự báo, những hệ thống thông tin thống kê và xây dựng mô
hình Hệ thống Thông tin Quản lý tài chính công quốc gia (GFMIS). Tất cả
những công cụ đó sẽ hỗ trợ cho các cơ quan lập ngân sách có thể có được 1
bức tranh tổng thể hơn, có được số liệu nhiều năm hơn để phục vụ cho
việc lập kế hoạch ngân sách Nhà nước.
Ông vừa nhắc đến công tác dự báo. Vậy, khoa học công nghệ đóng góp cụ thể như thế nào cho công tác này?
Chúng tôi đang có kế hoạch đưa 1 công cụ
về thống kê rất hữu ích là SPSS (Statistical Package for the Social
Sciences - một sản phẩm phần mềm chuyên ngành thống kê) vào hệ thống cơ
sở dữ liệu. Với công cụ này, từ số liệu, qua những công thức có sẵn, hệ
thống sẽ đưa ra những dự báo mang tính lý thuyết.
Ở Việt Nam, công tác dự báo phụ thuộc
nhiều vào kiến thức chuyên gia. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của hệ thống,
các chuyên gia về lập ngân sách có thể dựa vào đó đưa ra những dự báo
chính xác hơn.
Qua sự tư vấn của các chuyên
gia quốc tế, mô hình quản lý thu, chi, lập dự toán ngân sách của nước
nào sẽ phù hợp với Việt Nam, thưa ông?
Hiện nay, các công cụ về thống kê đã được chuẩn hóa theo chuẩn quốc tế.
Ví dụ, hiện nay, dựa trên GFMIS, chúng tôi
đã triển khai TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc)
và GFS (Hệ thống Thống kê tài chính Chính phủ của quốc tế) cũng đã được
áp dụng ở Việt Nam với việc sửa đổi những mục lục ngân sách theo đúng
những đoạn mã của phân loại quốc tế và những công cụ SPSS để thống kê
nhưng công thức trong dự báo cũng theo chuẩn quốc tế nói chung, phù hợp
với thông lệ của nhiều nước chứ không cụ thể của nước nào.
Theo ông, sự đầu tư của Việt Nam trong việc đưa CNTT vào công tác lập ngân sách đang ở thời điểm nào?
Thực sự, việc đầu tư mới đang ở bước đầu, kể cả việc xây dựng hệ thống thống kê dự báo phục vụ lập ngân sách trung hạn.
Hiện nay, việc lập ngân sách của chúng ta
vẫn được làm thủ công, chỉ có việc chấp hành ngân sách sau khi được Quốc
hội phê duyệt là được đưa vào hệ thống TABMIS và triển khai trên toàn
quốc.
Việc lập ngân sách trung hạn mới được thí
điểm và mục tiêu của Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế là
sẽ áp dụng 1 công cụ lập ngân sách với sự trợ giúp của hệ thống máy
tính.
Các cơ quan quản lý vẫn đang tiến hành nghiên cứu về thể chế cho việc áp dụng công cụ này.
Vậy, ông đánh giá việc triển khai ứng dụng CNTT nói chung của Bộ Tài chính đang ở mức độ nào?
Để dánh giá về mức độ trưởng thành trong
việc phát triển công nghệ, quốc tế chia thành 5 mức với những tiêu chuẩn
rất khắt khe. Nếu dựa trên những tiêu chuẩn đó, Việt Nam chỉ đạt mức 2.
Nếu xét trên phương diện CNTT đáp ứng nhu
cầu hoạt động và đánh giá theo 3 mức được nêu trong câu hỏi thì Bộ Tài
chính đang ở mức khá.
Nhưng nếu so sánh giữa các bộ, ngành với
nhau thì Bộ Tài chính phải ở mức tốt vì đến 90% số lượng ứng dụng, số
lượng nghiệp vụ công cụ, môi trường phục vụ cho cán bộ ngành Tài chính
cũng như các ứng dụng phục vụ doanh nghiệp, người dân được tin học hóa.
Bên cạnh đó, mức độ đầu tư cho lĩnh vực
này của Bộ Tài chính cao hơn và liên tục trong nhiều năm so với các cơ
quan khác (trừ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có mức độ tương đương).
Gần đây, cộng đồng doanh
nghiệp đánh giá rất cao những cải cách trong lĩnh vực thủ tục hành chính
thuế, hải quan. Thời gian tới, với những mục tiêu hiện đại hóa về CNTT
mà Bộ Tài chính đã đề ra thì lĩnh vực thuế, hải quan sẽ được đầu tư như
thế nào về mặt công nghệ?
Thuế và Hải quan là hai lĩnh vực được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm trong vấn đề đầu tư công nghệ cũng như cải cách thể chế.
Đầu tiên, việc xây dựng TABMIS - hệ thống
kế toán của Chính phủ - đã thiết lập ra 1 hệ thống sổ cái, cốt lõi, quản
lý tất cả giao dịch thu, chi ngân sách theo mô hình tập trung tại trung
ương.
Trong thực tế, Thuế và Hải quan là những
hệ thống thông tin phục vụ cho hiện đại hóa về thu ngân sách, sẽ được
xây dựng thành những hệ thống nằm ở vòng ngoài để đưa thông tin từ thuế,
hải quan vào TABMIS.
Và mục tiêu của Bộ Tài chính là sẽ đưa tất cả những hệ thống của Bộ theo chuẩn mực quốc tế.
Tới đây, ngành Thuế sẽ triển khai dự án
ITAX do Ngân hàng Thế giới tài trợ nhằm vận dung mô hình quốc tế để hiện
đại hóa thu ngân sách, cùng với đó là dự án VNACCS của ngành Hải quan
với sự hỗ trợ của Nhật Bản đang trong giai đoạn cải cách thể chế để áp
dụng mô hình. TABMIS - ITAX - VNACCS sẽ tạo thành 1 bức tranh thu chi
ngân sách tương đối toàn diện.
Thưa ông, sự liên thông giữa
các hệ thống Kho bạc, Thuế, Hải quan sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian,
chi phí cho doanh nghiệp. Song, thực tế, trong quá trình triển khai,
hiện tượng nghẽn đường truyền vẫn còn. Bộ Tài chính sẽ khắc phục như thế
nào?
Hệ thống thông tin kết nối giữa Kho bạc-
Thuế- Hải quan tích hợp với nhau dựa trên hệ thống mạng của dự án về
hiện đại hóa thu ngân sách. Thực tế triển khai, chúng tôi cũng nhận được
phản ánh từ một số doanh nghiệp và các đơn vị về vấn đề về nghẽn đường
truyền cũng như là lỗi trong phần mềm. Đây là 1 điều khó tránh khỏi khi
triển khai 1 hệ thống hiện đại hóa lớn như của ngành Tài chính.
Hệ thống hạ tầng truyền thông của ngành
Tài chính đã được thiết lập từ năm 1999, đến 2005 được nâng cấp một lần
nữa, cho đến nay, với tốc độ tăng trưởng của các giao dịch, mạng cũng
trở nên “chật” hơn.
Chính vì thế, Bộ Tài chính đã ký hợp đồng
nâng cấp toàn bộ hệ thống đường truyền lên với băng thông cao hơn. Dự
kiến, đầu tháng 10-2012, toàn bộ hệ thống băng thông của Bộ Tài chính sẽ
được nâng lên với dung lượng gấp 2-3 lần hiện nay. Riêng với nhu cầu
hiện đại hóa của Hải quan, đòi hỏi đường truyền cao hơn nữa thì qua thực
tiễn sử dụng, nhu cầu đến đâu sẽ được tăng đến đấy.
Chúng tôi hi vọng với kế hoạch nâng cấp
băng thông này, thời gian tới, doanh nghiệp và người dân sẽ có được chất
lượng phục vụ tốt hơn.
(Theo HQOnline)
0 ý kiến phản hồi:
Đăng nhận xét